Tiềm năng phát triển mô hình trồng lanh, dệt vải ở xã Pà Cò
Đến xã Pà Cò (Mai Châu), không khó để nhận ra những tín hiệu đáng mừng khi người dân mạnh dạn khôi phục, phát triển một số nghề truyền thống. Nổi bật là nghề trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong. Đây là nghề thủ công truyền thống, không chỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Đến xã Pà Cò (Mai Châu), không khó để nhận ra những tín hiệu đáng mừng khi người dân mạnh dạn khôi phục, phát triển một số nghề truyền thống. Nổi bật là nghề trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong. Đây là nghề thủ công truyền thống, không chỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Bà Mùa Y Gánh đã có gần 30 năm nỗ lực đưa thổ cẩm Pà Cò từ chỗ tự cung tự cấp trở thành hàng hóa đem lại thu nhập cho bà con. Nhớ lại năm 1996 - thời điểm cuộc sống của người dân phụ thuộc vào một số cây trồng như ngô, khoai, dong riềng... bà Mùa Y Gánh kể: Để tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống cho phụ nữ dân tộc Mông, Tổ chức phi chính phủ Oxfam - Quebec đã thực hiện Dự án "Phát triển kinh tế phụ nữ” trong 2 năm ở Pà Cò. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, tôi đã đồng hành cùng cán bộ dự án, ban ngày làm việc đồng áng, ban đêm lại địu con đi đến từng nhà vận động các bà, các chị tham gia mô hình trồng lanh, dệt vải...
Bà Mùa Y Gánh chia sẻ: "Thổ cẩm vẽ sáp ong là nghề truyền thống của đồng bào Mông tại Pà Cò. Từ nhỏ, người con gái Mông đã được các bà, các mẹ cầm tay chỉ việc như se sợi từ cây lanh, dệt thành vải, rồi cả việc dùng đá tràng tà vẽ sáp ong các họa tiết hoa văn cầu kì lên nền vải...
Về dệt vải và vẽ sáp ong, bà Gánh cũng như nhiều người dân nơi đây đã thuần thục, nhưng làm sao để nắm bắt được thị hiếu của khách hàng và quảng bá sản phẩm lại là bài toán khó. Thấu hiểu điều này, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tạo điều kiện cho phụ nữ xã Pà Cò đưa sản phẩm thổ cẩm vẽ sáp ong trưng bày tại Hà Nội. Đây vừa là cơ hội quảng bá sản phẩm, vừa tạo môi trường để phụ nữ biết cách tiếp cận thị trường, học cách tính toán chi phí, hoạch định kế hoạch bài bản cho thổ cẩm Pà Cò. Tính đến nay, xã Pà Cò đã có gần 100 hội viên thuộc nhóm sản xuất do bà Mùa Y Gánh làm chủ nhiệm.
Chị Súa là hội viên tham gia mô hình sản xuất vải lanh, vẽ sáp ong được hơn 10 năm cho biết: Sau khi tham gia mô hình, đời sống của gia đình đã được cải thiện. Đối với người Mông nơi đây, việc trồng lanh, dệt vải, vẽ sáp ong là công việc phụ sau những buổi lên nương, làm rẫy nhưng lại góp phần đáng kể vào cải thiện đời sống cho bà con.
Với vai trò chủ nhiệm của mô hình sản xuất, bà Mùa Y Gánh có trách nhiệm nhận các sản phẩm hoàn thiện từ chị em đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội và nước ngoài. Giải đáp câu hỏi vì sao người phụ nữ dân tộc Mông lại có khả năng đưa sản phẩm thổ cẩm của đồng bào mình "vượt núi”, vươn xa đến thế, bà Mùa Y Gánh không ngần ngại chia sẻ, vào năm 1996, có "Cáp Linh” đến và hỗ trợ thu mua tất cả sản phẩm thổ cẩm của chị, em trong mô hình sản xuất của bà, sau đó đưa về Hà Nội và sang nhiều nước khác.
Qua tìm hiểu chúng tôi mới biết, "Cáp Linh” mà bà Y Gánh chia sẻ thực ra là "Craft Link" - một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận.
Liên hệ với bà Trần Thị Tuyết Lan, Tổng Giám đốc Craft Link được biết, doanh nghiệp có cơ duyên với bà Mùa Y Gánh cùng thổ cẩm vẽ sáp ong tại Pà Cò thông qua dự án của tổ chức Oxfam – Quebec. Đến nay, đơn vị đã đồng hành cùng đồng bào Mông và thổ cẩm Pà Cò được 29 năm, tích cực hỗ trợ phụ nữ nơi đây những kỹ năng khác nhau như quản lý mô hình, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường...
Chị Tuyết Lan cho biết: Sản phẩm thổ cẩm vẽ sáp ong ở Pà Cò nói chung và mô hình làng nghề của bà Mùa Y Gánh nói riêng có đặc điểm chung là tinh xảo, độ hoàn thiện cao. Đây cũng là sản phẩm luôn "cháy” hàng ở không gian trưng bày sản phẩm của Craft Link tại Văn Miếu và các sân bay. Không những thế, sản phẩm còn được giới thiệu tại một số quốc gia ở Châu Úc, Châu Âu.
Đó là tín hiệu tích cực để duy trì, phát triển mô hình làng nghề truyền thống trên miền sơn cước Pà Cò.