Mùa xuân trên những cung đường tuần tra
Khi ánh nắng ban mai của mùa xuân xuyên qua những cành hoa đào, hoa mai đang nhú lên những nụ hồng ấm áp giữa núi rừng biên cương xứ Thanh, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng cùng với già làng bảo vệ cột mốc, hành quân trên những cung đường tuần tra biên giới để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Lực lượng tuần tra song phương giữa đồn biên phòng Pù Nhi (Bộ đội Biên phòng tỉnh) và Đại đội 215(Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn) tiến hành tuần tra đường biên, cột mốc. Ảnh: Xuân Thủy (Bộ đội Biên phòng tỉnh)
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã rậm rịch chuẩn bị tư trang, hành lý cho cuộc hành quân cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung đi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Đích đến đầu tiên là Mốc Quốc giới 270, cột mốc đầu tiên trong hệ thống cột mốc đường biên giới tỉnh Thanh Hóa. Tham gia đội hình tuần tra cùng còn có anh Giàng A Chìa, người dân tộc Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, người bảo vệ cột Mốc 270 gần 20 năm nay. Anh Chìa cho biết, trước đây để đến được Mốc G3, nay là Mốc 270, phải đi bộ hơn 20km qua bản Poọng và bản Ón. Những ai chưa quen đi đường rừng, vượt đèo, leo dốc sẽ thấy khá “sốc” khi bắt gặp những con dốc cao, nhiều đoạn dựng đứng, trơn trượt, được các chiến sĩ biên phòng đặt tên khi đi tuần tra như: Dốc Nháp (theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là Thử sức) là dốc cao đầu tiên trên cung đường này, hay dốc Chốt Hạ là dốc dựng đứng mà chân leo, tay bám mới lên được mốc. Ngay cả những chiến sĩ nhiều năm kinh nghiệm “đi tuần tra mốc” như trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vi Xuân Thao thuộc tổ công tác bản Ón cũng không thể nào quên. Đến nay, nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, đường tuần tra biên giới đã được bê tông hóa. Đoàn chúng tôi đi xe máy khoảng hơn 20km, qua nhiều đoạn trơn trượt, đất đá lổm nhổm do bị sạt lở, phải xuống đẩy xe qua. Cuối hành trình phải đi bộ vượt con dốc cao khoảng 500m, chúng tôi đến được Mốc 270. Nằm ở độ cao 1.099m so với mực nước biển, Mốc 270 là mốc cỡ trung, được làm bằng đá hoa cương nguyên khối vững chắc, đây là điểm tiếp giáp với bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đứng ở điểm cao này, tầm nhìn thoáng đãng, một dải biên cương trùng trùng, điệp điệp, điểm bắt đầu của dãy cao nguyên Mộc Châu, ngắm nhìn đỉnh núi Pha Luông hùng vĩ đã đi vào thơ ca làm đắm say lòng người.
Trung tá Phan Doãn Kiểu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 8 km đường biên giới, 4 cột mốc (từ Mốc 270 đến Mốc 273). Nếu tuần tra khép kín kiểm tra hết 4 cột mốc phải đi từ 2 đến 3 ngày tùy vào điều kiện thời tiết, hành quân ròng rã trên các địa hình đồi núi cheo leo, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và nhiều hiểm nguy rình rập.
Tạm biệt những cánh hoa đào đá nở sớm trên những đỉnh núi huyện vùng cao biên giới Mường Lát, chúng tôi sang tuyến biên giới huyện Quan Sơn, đến với Mốc đại 327 trên Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Là mốc đôi nên Mốc 327 (1) cắm về phía Việt Nam cách đường biên giới Việt Nam – Lào 72,5m, khuôn viên cột mốc khang trang sạch, đẹp. Trong những ngày đầu xuân, du khách thập phương đi chợ phiên Na Mèo đều đến chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền, ai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc thiêng liêng, niềm tự hào sâu sắc. Thượng tá Hồ Ngọc Thu – chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết, Mốc 327 là cột mốc đôi cỡ đại, cắm tại Cửa khẩu Na Mèo (Việt Nam) và Cửa khẩu Nậm Xôi (Lào). Trong những dịp lễ, tết của mỗi nước, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của 2 bên đều cùng nhau tổ chức thực hiện nghi lễ chào cột mốc, bởi ai cũng hiểu rằng mỗi tấc đất biên cương là tài sản vô giá mà ông cha chúng ta đã dày công bảo vệ.
Đại tá Hoàng Văn Hùng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa cho biết, tỉnh ta có đường biên giới chung với tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào dài 213,6 km, có 88 cột mốc quốc giới, trên 92 vị trí mốc (trong đó có 2 mốc đôi và 1 mốc 3). Phía Tây Bắc tiếp giáp với tỉnh Sơn La, phía Tây Nam tiếp giáp với tỉnh Nghệ An, nơi quần tụ sinh sống của hơn 15.000 hộ với trên 67.700 nhân khẩu, có 6 dân tộc gồm (Kinh, Mường, Dao, Mông, Khơ Mú, Thái) cùng sinh sống, thuộc 5 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân. Trong 3 năm qua, lực lượng chức năng, các tổ tự quản hai bên biên giới Việt – Lào đã tiến hành tuần tra song phương được 158 đợt với 3.600 lượt cán bộ tham gia. Nhân dân các cặp bản kết nghĩa cùng BĐBP đã tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, phát quang được 390 đợt/2.250 lượt cán bộ và nhân dân tham gia, qua đó đã góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước.
Trên những nẻo đường tuần tra của BĐBP Thanh Hóa hôm nay, luôn có sự đồng hành ấm áp, thắm tình quân – dân của đồng bào các dân tộc, đó là nhờ phong trào tự quản đường biên, cột mốc. Nhiều năm qua, BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã luôn làm tốt công tác biên phòng, xây dựng các địa bàn biên giới vững mạnh về mọi mặt. Đến nay, đã có 151 già làng, trưởng bản, người có uy tín tự nguyện đăng ký bảo vệ dấu hiệu đường biên, mốc giới, sát cánh cùng lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.