Mùa xuân trên vùng đất mới

Tuy thời tiết sẽ có những lúc mưa nắng thất thường, nhưng năm nay, ông Thứ có niềm tin về vụ dưa vì nghe đâu đó, dưa hấu tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nếu trời thương nữa thì những trái dưa hấu sẽ ít phải chịu cảnh giá cả phập phù. Mồ hôi, công sức, vốn liếng của người trồng dưa bỏ ra sẽ được đền đáp...

Nếu Tết đến, nhà nhà, người người được đoàn viên bên họ hàng, người thân thì những người như ông Trần Văn Thứ (51 tuổi, thôn 2, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định) lại đón Tết trên cánh đồng dưa hấu vắng bóng người. Nhà của ông lúc này là căn chòi tạm dựng bằng bạt tuềnh toàng...

Cả năm nay, ông Thứ cũng như bao người dân ở vùng Nhơn Tân (huyện An Nhơn) và Bình Nghi (Tây Sơn) cứ đi từ vùng này đến vùng khác rồi ngắm nghía, lựa chọn những mảnh đất được cho là màu mỡ rồi thuê lại để trồng dưa hấu. Tết này, vùng đất biên giới Ia Lâu (Chư Prông, Gia Lai) được ông Thứ lựa chọn để dừng chân với mong muốn một vụ mùa bội thu.

“Dưa đất lạ, mạ đất quen”

Để “ổn định” cuộc sống trên vùng đất mới, ông Thứ và người thân dựng lều và gọi đó là nhà. Thực chất, ông Thứ cũng có ngôi nhà đúng nghĩa với người thân, họ hàng ở ở Bình Nghi. Đây cũng được gọi là nơi chôn rau cắt rốn của ông. Tuy nhiên, ngôi nhà theo đúng nghĩa đen ấy ông chỉ ở được đúng mấy tháng mùa mưa, số ngày còn lại trong năm, ông rong ruổi khắp vùng này, đồng đất kia để bám lấy nghề trồng dưa hấu.

“Dưa hấu có thể cho lãi lớn, cũng có thể khiến người dân lâm vào trắng tay, nợ nần chồng chất vì phụ thuộc thời tiết, đầu ra. Nhưng giờ không gắn bó với cái nghề thành bại trong gang tấc này, những người nông dân như chúng tôi cũng không biết làm gì”, ông Thứ chia sẻ.

Ở vùng đất Bình Nghi, ông cũng có ruộng, có đất nhưng đất đai cằn cỗi, chỉ hợp với trồng lúa. Nếu cứ bám lấy mảnh đất này, gia đình ông quanh năm nghèo đói. Khi đói thì cái chân phải bò. Vợ chồng ông đã đi khắp nơi, tìm mọi vùng đất mới kiếm cách sinh nhai bằng nghề trồng dưa. Ông chấp nhận cuộc sống "du canh du cư" để có thể có đồng ra đồng vào.

Muốn thu được trái ngọt, người trồng dưa như ông Thứ phải bám đồng thường xuyên.

Muốn thu được trái ngọt, người trồng dưa như ông Thứ phải bám đồng thường xuyên.

Ông Thứ cho biết nếu trồng mãi một chỗ, quy trình chăm sóc lặp đi lặp lại với phân - thuốc y như nhau từ mùa này qua mùa khác, mảnh đất đó sẽ bị chai cằn, già cỗi. Khi đó, có trồng cây dưa xuống thì ngọn dưa cũng khó vươn, quả dưa cũng khó mỡ màng, đậm vị.

Không những thế, nếu trồng tập trung vào một chỗ sẽ có cảnh dội chợ khi đến mùa thu hoạch. Chính vì vậy mà người dân Bình Nghi mới đúc kết lại rằng “dưa đất lạ, mạ đất quen”. Và chẳng ai bảo ai, họ đã tỏa đi khắp nơi từ các tỉnh miền Trung đến vùng Tây Nguyên để thuê đất, trồng dưa với ước mong có cuộc sống ấm no.

Vì thuê đất ở xa nên ông Thứ chấp nhận sống tạm trong những căn chòi, căn lều do mình tự dựng để tiện trông coi, chăm sóc dưa. Thậm chí, dù đang trong vụ nhưng ông cũng không ngừng thăm hỏi, tìm kiếm những vùng đất mới với tiêu chí thoáng gió, dễ thoát nước, màu mỡ để bắt đầu một hành trình mới khi kết vụ. Còn vụ này, thời gian bắt đầu từ tháng một và kéo dài đến tháng ba, tháng tư vì thế mà ông Thứ lại có một năm ăn Tết xa nhà.

Gieo hạt mầm hy vọng, chờ ngày thu trái ngọt

Hàng năm, nếu những người dân nơi địa phương cho thuê đất chuẩn bị Tết với cành mai, chậu cúc thì những người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như ông Thứ cảm thấy hoa mai, hoa cúc thật xa vời. Không khí Tết vì thế cũng đến muộn hơn. Muộn hơn bởi cánh đồng ông thuê nằm xa dân cư, thưa vắng bóng người. Và muộn hơn cũng bởi những người trồng dưa hấu ngày đêm lăn lộn trên đồng nên cái lịch ngày tháng giờ đây không đơn thuần như sự ghi nhớ của nhiều người mà đổi thành lịch của thời điểm gieo hạt, ươm mầm, ghim ngọn... cây dưa.

Người trồng dưa hấu bám ruộng ngay cả những ngày Tết.

Người trồng dưa hấu bám ruộng ngay cả những ngày Tết.

Ngồi trong lều bạt nhìn về xa xăm, ông Thứ cho biết Tết đến, ông cũng nhớ người thân, nhớ họ hàng, làng xóm ở quê lắm chứ. Lều của ông có một số người làm thuê ở cùng nhưng Tết đến, hầu hết mọi người đều xin nghỉ về quê từ 27, 28 âm lịch. Chính vì vậy mà Tết đến, lòng ông cũng thoảng nỗi buồn. Ông thèm được nghe những lời chúc Tết từ người thân, thèm không khí được quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Nếu may mắn nhận được một lời chúc Tết từ người dân địa phương, ông Thứ cũng đủ ấm lòng!

Ông Thứ chia sẻ, có nhiều vùng đất mà khi đến ông thấy như mình đang được ở quê vì nhận được tình cảm, sự giúp đỡ, hỗ trợ của không ít bà con địa phương trong sinh hoạt cũng như việc bảo vệ những luống dưa từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch. Ông cũng có thêm được những người bạn mới, những mối làm ăn mới từ chính những vùng đất lạ. Đó là những cái “lời” mà người nông dân như ông chẳng thể nào quên trong cuộc đời.

Thuê đất trồng dưa hấu là nghề thành bại trong gang tấc.

Thuê đất trồng dưa hấu là nghề thành bại trong gang tấc.

Để vơi nỗi nhớ hơi ấm ngày Tết ở quê, ông và mấy “đồng nghiệp” cũng hẹn nhau ăn bữa cơm ngày 30 và mùng một. Họ cùng nhau thắp nén hương không chỉ để tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên mà còn cảm ơn những vùng đất mới đã dang tay bao bọc những người trồng dưa du canh du cư.

Xa quê hương, xa người thân nhưng nhịp sản xuất lặp đi lặp lại quanh năm như vậy khiến những người như ông Thứ cũng dần quen. Chỉ mong mưa thuận gió hòa, dưa được giá để ông và những người gắn bó với nghề này thu được nhiều tiền mang về quê. Lúc này, những quả dưa sẽ biến thành những hạt gạo, thành cơm trắng dẻo thơm giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn.

Tuy thời tiết sẽ có những lúc mưa nắng thất thường, nhưng năm nay, ông Thứ có niềm tin về vụ dưa vì nghe đâu đó, dưa hấu tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nếu trời thương nữa thì những trái dưa hấu sẽ ít phải chịu cảnh giá cả phập phù. Mồ hôi, công sức, vốn liếng của người trồng dưa bỏ ra sẽ được đền đáp...

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/mua-xuan-tren-vung-dat-moi-1097746.html