Mùa xuân và dòng chảy đột phá khoa học và công nghệ

Năm 2025, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định ưu tiên hoàn thiện chính sách, mục tiêu tạo hành lang thông thoáng, đột phá trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tham quan gian hàng trưng bày tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP HCM. (Ảnh: MOST)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tham quan gian hàng trưng bày tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP HCM. (Ảnh: MOST)

Rốt ráo cho những cơ chế bước ngoặt

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2025. Trong năm 2025, Bộ KH&CN hoàn thiện và trình Chính phủ bốn dự án Luật: Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, mục tiêu lớn nhất là xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bộ KH&CN đang chủ trì soạn thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo với nhiều điểm mới. Dự thảo Luật gồm 14 chương và 83 điều, trong đó nhiều nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật năm 2013. Dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước; đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn...) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ...

Các nguyên tắc chính sách thuế đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được bổ sung để làm căn cứ đề xuất các ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế. Làm rõ các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp và các nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp; bổ sung quy định về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chính sách đối với trung tâm đổi mới sáng tạo xuất sắc... Có nhiều quy định “khơi thông” dòng chảy tài chính đối với Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, quỹ của bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hoạt động khoa học, công nghệ.

Để tạo cơ chế thông thoáng cho nhà khoa học, cơ quan soạn thảo luật đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này khuyến khích nhà khoa học tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, điểm quan trọng của việc xây dựng luật lần này là những quy định gần hơn với thông lệ quốc tế, chấp nhận tư duy đầu tư dài hạn. Mục tiêu hướng tới thúc đẩy tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. Luật KH&CN dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sau đó bốn tháng.

Thực tế, thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc đối với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là câu chuyện cơ chế tài chính. Các nhà khoa học vốn mong muốn chỉ tập trung vào nghiên cứu thay vì phải đối phó hóa đơn, chứng từ... Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết các “nút thắt” về cơ chế tài chính, đồng thời đồng bộ hóa với các luật khác. Dự thảo lần này đề xuất bổ sung cơ chế khoán chi, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, giúp các tổ chức công lập tự chủ hơn trong quản lý kinh phí…

Đồng thời, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng. Bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, các chính sách đang xây dựng hướng tới mở rộng ưu đãi để thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Các chính sách tập trung vào một số đối tượng nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các tổng công trình sư trong và ngoài nước, có khả năng tổ chức điều hành triển khai các nhiệm vụ trọng điểm về khoa học công nghệ. Bà Vân Anh kỳ vọng những đột phá trong Nghị quyết 57, là cơ hội lớn trong khoa học công nghệ để có thể đề xuất những chính sách bước ngoặt…

Các chính sách cũng hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ứng dụng công nghệ nói chung, công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao thông tin về việc xây dựng Luật, tiêu chuẩn dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số được khẩn trương triển khai để doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình hoạt động. Nhiều chương trình KH&CN quốc gia cũng tuyển chọn các doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ để tiếp thu, làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mỗi người đều phải tăng tốc, thay đổi phương thức làm việc

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2024, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân. Đơn cử, trong khoa học y - dược, đã làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới như kỹ thuật ghép tạng; kỹ thuật cao trong phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn; sản xuất đáp ứng 11/12 vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều dự án hợp tác từ các tập đoàn lớn như: Samsung, Intel và NVIDIA, trong đó Việt Nam và NVIDIA đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, được đưa trong Nghị quyết của Quốc hội khóa XV…, vận hành lò hạt nhân ở Đà Lạt và khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân tại Đồng Nai…

Cùng với đó, tiềm lực KH&CN quốc gia được tăng cường, có nhiều chuyển biến trong công tác xã hội hóa đầu tư cho KH&CN. Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN không ngừng được nâng cao. Trong đó, nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư…

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ KH&CN và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ hợp nhất thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông để cùng nhau đạt được những mục tiêu đề ra trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo đó, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Về những điểm nhấn đột phá được đưa ra tại Nghị quyết 57, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ, Nghị quyết số 57 như một mũi nhọn tập trung vào việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ví dụ, quan điểm xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đầu tư lâu dài, không phải đầu tư ngắn hạn, tức là có độ trễ, rủi ro. Đồng thời đây là yêu cầu bắt buộc để phát triển đất nước, đưa Việt Nam thực hiện các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và 2045.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ: “Sự ra đời của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị là tín hiệu rất vui không chỉ với riêng cộng đồng khoa học và công nghệ, cộng đồng làm chuyển đổi số mà còn cho tất cả người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực, phấn đấu để đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và 2045. Tôi cho rằng, nội dung Nghị quyết mang tính hành động rất cao, như lời hiệu triệu bộ máy chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc, có hành động cụ thể”.

Nghị quyết số 57 chọn cách đi vào những vấn đề rất mới của thời đại như dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới để thúc đẩy nhanh nhất, đưa các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ chiến lược vào cuộc sống. Và một trong những lợi thế lớn đó là Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Do vậy, Nghị quyết số 57 sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Hơn nữa, Việt Nam cũng có thị trường lớn, đóng vai trò “bà đỡ” cho các sản phẩm khoa học công nghệ mới, cho các sản phẩm chuyển đổi số. Ngoài ra, vị thế địa chính trị của Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do và mối quan hệ đối tác quốc tế cũng mang lại cơ hội lớn cho việc triển khai Nghị quyết 57.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, để cụ thể hóa Nghị quyết này thành những thể chế, giải pháp, chắc chắn cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ phải thay đổi, tốc độ làm việc phải cao hơn. Không thể như trước đây là sửa luật, nghị định, thông tư theo năm, bây giờ phải tốc độ theo tháng. Hay triển khai các đề án, dự án trước đây có thể theo tháng thì giờ phải theo tuần. Đó là thách thức đối với từng cán bộ, từng cấp ủy Đảng, doanh nghiệp, người dân; tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi phương thức làm việc. Trong đó, mọi cá nhân đều phải thay đổi cách thức làm việc, dựa trên dữ liệu, với các hệ thống tự động hóa, trí tuệ nhân tạo cùng các kỹ năng mới như tích lũy, phân tích dữ liệu.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, năm 2025 số lượng các văn bản quy phạm pháp luật Bộ chủ trì xây dựng rất lớn và có nghĩa định hướng quan trọng cho ngành, với nhiều cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” đang tồn tại. Ông kỳ vọng các chính sách góp phần “đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính, là yếu tố quan trọng phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường”.

Nguyệt Thương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mua-xuan-va-dong-chay-dot-pha-khoa-hoc-va-cong-nghe-post539281.html