'Chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa để chinh phục mục tiêu tăng trưởng'

Tại Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2025, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn.

Đây là mục tiêu được cho là thách thức nhưng cũng khẳng định sự quyết tâm cao của Chính phủ: Đó không chỉ là đích đến, mà còn là lời cam kết về sự thịnh vượng và phồn vinh cho đất nước, để vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình. Để đạt được điều này, không chỉ cần sự lãnh đạo quyết liệt từ Đảng và Chính phủ, mà còn đòi hỏi sự đồng hành của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp (DN) - động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhân dịp đầu xuân năm mới, GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa 15, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trao đổi với PV chuyên mục "Trò chuyện Chủ Nhật" về mục tiêu này.

GS-TS Hoàng Văn Cường.

GS-TS Hoàng Văn Cường.

PV: Thưa ông, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của Chính phủ cho thấy ý chí quyết tâm của một tầm nhìn vượt thời đại. Là một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá tính khả thi của mục tiêu này như thế nào?

GS-TS Hoàng Văn Cường: Trước tiên, phải khẳng định việc phấn đấu cho tăng trưởng hai con số không chỉ là mục tiêu táo bạo mà còn mang ý nghĩa chiến lược, đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển vượt bậc. Nó đòi hỏi không chỉ sự tăng trưởng về số lượng, mà còn sự chuyển biến về chất lượng, từ cải cách thể chế, đổi mới sáng tạo đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mục tiêu tăng trưởng 2 con số không chỉ là khát vọng mà hoàn toàn có cơ sở để biến thành hiện thực. Khát vọng là vì Việt Nam đặt mục tiêu năm 2045, khi kỷ niệm100 năm thành lập nước, nước ta sẽ là nước phát triển có thu nhập cao. Bài học mà phần lớn các con rồng Châu Á đạt được từ 1 nước thu nhập trung bình, thu nhập thấp muốn trở thành nước thu nhập cao, nước phát triển, là phải có hàng chục năm đạt được tăng trưởng 2 con số: Từ Singgapore, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc lục địa… Vì thế, Việt Nam muốn thành nước phát triển thu nhập cao cũng phải có được ít nhất chục năm tăng trưởng 2 con số. Và đây là thời điểm để bắt đầu.

PV: Ông bảo đây là thời điểm để bắt đầu, vậy dựa trên cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tiễn gì?

GS-TS Hoàng Văn Cường: Việt Nam có cơ sở, có điều kiện để đạt được. Điểm tự tin nhất của chúng ta là trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ đen tối của đại dịch, tình trạng lạm phát cao, thế giới tăng trưởng âm, thì Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng dương, được đánh giá là ngôi sao sáng trên nền kinh tế - đây là khả năng, tiềm lực phát triển mà chúng ta có.

Thứ 2, trong tương lai, Việt Nam vẫn đang là điểm đến đầu tư, là địa bàn được các nhà đầu tư lựa chọn hàng đầu - đây là tiềm năng, lợi thế rất rõ. Bên cạnh đó, chúng ta có lợi thế rất lớn nữa đó là nguồn nhân lực đang nằm trong thời kỳ dân số vàng, lao động trẻ. Tuy nhiên, hiện năng suất lao động đang thấp, nếu chúng ta tăng năng suất lao động lên thì sẽ đẩy được tăng trưởng vượt bậc.

Mục tiêu tăng trưởng là lời cam kết về sự thịnh vượng và phồn vinh cho đất nước.

Mục tiêu tăng trưởng là lời cam kết về sự thịnh vượng và phồn vinh cho đất nước.

PV: Như vậy, có thể nói chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tuy nhiên, không vì thế chúng ta được chủ quan, vì mục tiêu đặt ra là rất lớn. Và, chúng ta cần nhận diện, cần lường trước những khó khăn, thách thức gì để có các phương án đối phó và vượt qua?

GS-TS Hoàng Văn Cường: Đúng vậy, để đạt được tăng trưởng 2 con số, trước tiên, phải làm sao khai thác được nguồn lực, mà cốt yếu là tăng năng suất lao động. Câu hỏi chúng ta đặt ra là tại sao năng suất lại thấp, còn thấp nhất thế giới? Vì hiện nay cơ cấu lao động của chúng ta hơn 60% là lao động phi chính thức. Đây là những lao động không có hợp đồng, chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do, kinh doanh hộ gia đình, thích thì mở cửa, không thích thì đóng cửa - không có quy tắc, không có quy trình, giờ giấc cụ thể. Trong số này 40% lại ở nông thôn. Để khắc phục, phải hút bớt lao động ở khu vực này sang khu chính thức có hợp đồng, có giờ giấc, quy trình… tại các công xưởng, nhà máy, công ty.

Theo tôi đây là bài toán bắt buộc phải thực hiện. Thúc đẩy phát triển khu vực chính thức bằng cách thúc đẩy DN phát triển, khởi nghiệp, sáng tạo, hình thành các công ty. Tôi muốn lưu ý chúng ta cần có chỉ tiêu đánh giá DN: Không phải chỉ là nộp bao nhiêu tiền thuế, mà là tạo ra bao nhiêu việc làm, mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, thu hút nhiều lao động vào khu vực chính thức.

Nhưng, thúc đẩy khu vực này là ai? Đó là gồm cả DN nhà nước, DN tư nhân, đặc biệt khuyến khích khu vực DN tư nhân để thu hút lực lượng lao động. Phải thúc đẩy kinh tế tư nhân.

PV: Vấn đề là ngay cả khu vực chính thức, chúng ta cũng chưa thực sự tạo được lợi thế, vì nhược điểm lớn nhất vẫn là lao động trình độ thấp?

GS-TS Hoàng Văn Cường: Đây là vấn đề tôi muốn nhấn mạnh. Hiện nay, năng suất lao động chúng ta thấp là vì những người làm trong các khụ vực chính thức trong các công ty, nhà máy lại làm ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị: Ví dụ điện tử máy tính, điện thoại… chỉ làm ở khâu lắp ráp, hay may mặc dù xuất khẩu lớn nhưng cũng chỉ gia công, còn những khâu tạo ra giá trị lớn như là thiết kế áo, tạo nên thương hiệu, bán sản phẩm thì mình lại không làm được. Nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế gia công, nền kinh tế sử dụng lao động giá rẻ, nếu chúng ta có tăng lên thì cũng không ăn thua. Ví dụ khu vực FDI, chúng ta gần 70% là nguyên liệu từ bên ngoài, còn lao động chúng ta chỉ tạo ra giá trị mới khoảng 30%. Như vậy, chúng ta đang tăng trưởng hộ nước ngoài, tức là chúng ta đang làm thuê. Muốn khắc phục, phải tái cấu trúc hoạt động sản xuất, không gia công, không làm thuê nữa, mà phải làm chủ chuỗi giá trị. Muốn thế, phải nghĩ ra cái mới, không thể bắt chước người ta.

Vì thế phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, dựa vào khoa học công nghệ tri thức mới, khuyến khích khởi nghiệp. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ra đời là cơ sở để chúng ta chuyển đổi; phải đi đầu thì mới theo kịp được cái mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ số. Về lĩnh vực này, chúng ta cũng mới, thế giới cũng mới, vậy ai đầu tư nhiều, ai đi nhanh, hiệu quả sẽ thắng, làm chủ chuỗi công nghệ. Lao động Việt Nam có tư duy tốt, thông minh và nhanh nhẹn, nắm bắt khoa học công nghệ nhanh. Học sinh chúng ta toán học tốt - đây là cơ sở để chúng ta có thể làm chủ khoa học công nghệ về số, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu thiết kế bán dẫn. Nghị quyết số 57 ra đời rất kịp thời, mở đường cho thời kỳ vươn mình, làm chủ khoa học công nghệ mới, làm chủ trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới… Chúng ta phải coi trọng tái cấu trúc lại nền kinh tế, sẵn sàng từ bỏ những cái lạc hậu, nhìn tới tương lai để dẫn đầu.

PV:Vâng, nhưng có lẽ để thay đổi con người, trước tiên cần có môi trường, có thể chế phù hợp. Nghị quyết 57 là cơ sở, nhưng cần có nhiều hơn thế để DN phát triển?

GS-TS Hoàng Văn Cường: Để thực hiện, doanh nhân là người thực hiện sứ mệnh, DN phải bắt tay vào làm từ thực tiễn. Có 2 khối DN triển vọng: DN nhà nước nhiều năm qua giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế, chiếm những ngành, lĩnh vực quan trọng, được nhà nước đầu tư vốn lớn nhưng không phát triển được, không tạo được vị thế, không xứng tầm, vì cơ chế quản lý đang trói buộc, nên phải có các biện pháp cởi trói cho DN nhà nước. Hiện chúng ta đang sửa Luật số 69/2014/QH13, nhà nước không can thiệp, mà để DN toàn quyền. Ví dụ muốn xin vốn phải xin vốn Quốc hội là vấn đề bất cập, vì Quốc hội làm sao biết rõ công việc kinh doanh để mà quyết? Điều này tạo ra cơ chế xin cho, cần phải loại bỏ. Cần trao quyền, trao vốn cho DN, nếu anh để thất thoát, thâm hụt, kinh doanh không hiệu quả sẽ bị xử lý, nếu có tư túi phải xử lý hình sự, chứ không phải nhà nước can thiệp vào.

Thứ 2 là DN tư nhân phải trở thành trụ cột. Nghị quyết số 10-NQ/TW nói rằng DN tư nhân là động lực, nhưng tôi cho rằng DN trong nước phải là trụ cột. Chúng ta không thể phụ thuộc vào nhà đầu tư, DN nước ngoài, mà DN trong nước phải làm chủ. Hầu hết các nước phát triển phải có DN trụ cột, điển hình như Hàn Quốc có Samsung và Huyndai... Tuy nhiên, muốn DN nhà nước, DN tư nhân trở thành trụ cột, không thể để DN tự bươn chải mà nhà nước phải có sự hỗ trợ, ví dụ đặt hàng. Chẳng hạn với đường sắt tốc độ cao, cần đặt hàng cho DN trong nước, họ sẽ mua công nghệ nước ngoài, sản xuất đường ray tiêu chuẩn và các công nghệ khác. Như vậy, thay vì nhập khẩu từ nhà cung cấp nước ngoài rất phụ thuộc, chúng ta đặt hàng cho 1,2 DN. Đây sẽ là các DN rường cột, thành tập đoàn mạnh về tất cả những công trình liên quan tới giao thông, đường ray, đường sắt, tàu máy, toa xe, xây dựng cầu cảng, khoan núi khoán hầm…, không phải lệ thuộc vào nước ngoài. Hiệu quả đầu tư cao, thời gian rút ngắn, toàn bộ vốn đầu tư công sẽ quay vòng trong nước tạo tăng trưởng, không rơi ra nước ngoài.

PV: Nhìn lại, thì đây vẫn là câu chuyện thể chế, thưa ông?

GS-TS Hoàng Văn Cường: Đúng vậy, đây là câu chuyện về thể chế. Cần thay đổi tư duy về thể chế, cải cách về thể chế, không thể không quản được thì cấm, mà phải thay đổi căn bản. Luật pháp không quy định anh được làm cái gì, mà là anh làm như thế nào để hiệu quả. Đưa ra nguyên tắc để tăng tính chủ động sáng tạo. Vì như hiện nay, quy định anh chỉ được làm cái gì đã tạo ra những người máy xơ cứng, không sáng tạo, vì sáng tạo là sai, là vi phạm. Luật quy định khung, nguyên tắc, sau đó lại một loạt nghị định, thông tư trói buộc. Luật đang quy định cầm tay chỉ việc - phải đổi mới. Nên để cho DN có quyền. Nhưng phải có cơ chế giám sát, không để DN tự tung tự tác. Đó chính là sự công khai minh bạch, giải trình khi cần thiết. Nếu tháo gỡ theo hướng như thế sẽ cải cách được, giải phóng nguồn lực, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của người thực thi.

PV: Thực ra, những điều ông nói, năm 2024 chúng ta đã bắt đầu triển khai, và đây sẽ là những thuận lợi để chúng ta bước tiếp?

GS-TS Hoàng Văn Cường: Như tôi đã nói, năm 2025, chúng ta có thuận lợi từ đà tăng trưởng 2024 đều, ổn định, xu thế phục hồi tốt, chớp được thời cơ, tạo được nền tảng. Thứ 2 là có được 1 phần bước đầu trong chuyện tháo gỡ nút thắt về thể chế từ việc sửa 3 luật: Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản; rồi 1 luật sửa 9 luật, một loạt luật khác cũng theo tinh thần tháo gỡ. Bên cạnh đó, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, nên các đơn vị sẽ dồn sức để đạt các mục tiêu đặt ra để về đích. Ngoài ra, các động lực cho tăng trưởng truyền thống hiện đang có cơ sở để duy trì như nguồn lực đầu tư công, dư địa đầu tư công dồi dào vì nợ công thấp; Xuất khẩu dồi dào, tiêu dùng phục hồi, đặc biệt phục hồi mạnh nhất là du lịch. Và hơn hết, chúng ta có sự đồng lòng, quyết tâm cao của toàn xã hội. Nghĩa là chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên chúng ta hoàn toàn có thể vững tin thực hiện.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/chung-ta-co-thien-thoi-dia-loi-nhan-hoa-de-chinh-phuc-muc-tieu-tang-truong-i758561/