Mùa xuân và niềm tin tất thắng!
Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước đang lâm vào cảnh chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nên trong mỗi trái tim non trẻ đều bừng bừng khí thế xung trận, giết giặc theo tinh thần 'Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách' và niềm tin chiến thắng quân thù, giành lại độc lập, tự do, hòa bình cho Tổ quốc.
Trong gia đình, tuy anh trai tôi là Nguyễn Viết Thức đã nhập ngũ năm 1968, theo đoàn quân giải phóng vào Nam chiến đấu nhưng tôi vẫn hăng hái cùng lứa bạn học trường trung cấp kiến trúc viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tháng 9-1972, tôi chính thức trở thành Bộ đội Cụ Hồ, biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 732, Trung đoàn 12-Đoàn Nguyễn Trãi, trung đoàn quân tăng cường, thuộc LLVT tỉnh Hà Tây (trước đây).
Chính nhờ khí thế nhiệt huyết và niềm tin mà các chàng lính học sinh, sinh viên chúng tôi đã nhanh chóng vượt qua khó khăn của những tháng ngày trên thao trường huấn luyện. Khi tất cả đã sẵn sàng lên đường ra mặt trận, đột nhiên, tôi cùng một số đồng chí khác được triệu tập gấp lên trung đoàn bộ, nhận nhiệm vụ mới.
- Chào các đồng chí, tôi tự giới thiệu tôi là Trung úy Xuân Hội-người được trung đoàn giao nhiệm vụ đón và giao nhiệm vụ mới cho chúng tôi mở lời.
- Các đồng chí có biết, dãy núi Trường Sơn vừa cao vừa hiểm trở và lại bị quân địch giội bom hằng ngày nên rất nguy hiểm khi hành quân không? Thế mà tôi đã hai lần vượt dãy Trường Sơn đấy. Theo các đồng chí, tại sao tôi lại làm được vậy?-không đợi chúng tôi trả lời, anh Hội nói tiếp-Đó là nhờ khí thế. Có khí thế là có tất cả. Khí thế làm người ta khỏe mạnh, dũng mãnh, tự tin. Nhiệm vụ của các đồng chí là phải khí thế! Không chỉ mình khí thế mà phải truyền khí thế cho đồng đội. Trung đoàn giao cho chúng ta nhiệm vụ tổ chức thành công chương trình văn nghệ để cùng hát vang bài ca ra trận trong mùa xuân này, mùa xuân của niềm tin chiến thắng.
Sau khi giao nhiệm vụ, anh Hội giới thiệu từng người trong đội văn nghệ: "Đây là Hạ sĩ Minh Nén, danh ca nổi tiếng của trung đoàn với bài "Nổi lửa lên em". Đây là Minh Tuấn, nhà viết tấu và diễn tấu nổi tiếng với Tấu Rèn; nhạc sĩ Thiện Hùng và nhà thơ Viết Chức, đồng tác giả bài ca đang được chiến sĩ trung đoàn yêu thích: "Hành khúc Đoàn Nguyễn Trãi". Cuối cùng, anh Hội đến bên Ngọc Đào, vỗ vai: "Đây là Ngọc Đào-"trung tâm khí thế" của đội ta, nhạc công accordion nổi tiếng của Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương đấy! Bao nhiêu năm làm tuyên truyền, lần này tôi mới vớ được “chất vàng khí thế”...
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Trung úy Xuân Hội bắt tay từng người và căn dặn: "Từ bây giờ, các đồng chí phải tập luyện hết mình với tư cách là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, là đội viên đội tuyên văn của trung đoàn, sẽ có quyết định chính thức nay mai thôi". Là người lính, nhận nhiệm vụ là thực hiện. Nhất là lính mới tò te như chúng tôi, lại được một trung úy rất “khí thế” giao nhiệm vụ trực tiếp nên càng hăng hái.
Chương trình văn nghệ mang chất lính và có nhiều tiết mục tự biên, cả đội tập cả sáng, chiều và tối, không có ngày nghỉ. Hai tháng liên tục, đã có một chương trình văn nghệ mà Trung úy Xuân Hội rất hài lòng đánh giá là: Có khí thế.
Ngày 22-1-1973, chúng tôi được triệu tập nghe huấn thị của cấp trên và công bố quyết định thành lập Đội Tuyên truyền văn hóa trung đoàn. Tại buổi lễ, Đại úy Huỳnh Xuân Ba, Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn nói: Nhiệm vụ của các đồng chí bây giờ lại càng vinh quang hơn. Kẻ thù đã thất bại trên bầu trời Hà Nội, nhất định phải chấp nhận điều kiện của ta trên bàn đàm phán. Mỹ phải cút, hòa bình phải được thiết lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang đến gần. Việc xuất quân chi viện cho miền Nam lúc này cần thiết hơn lúc nào hết. Các đồng chí phải bằng nghệ thuật và tinh thần quyết thắng truyền cảm hứng cho người ra đi có niềm tin chiến thắng!
Tất cả chúng tôi vỗ tay hào hứng như một cuộc mít tinh vậy!
Đúng 19 giờ ngày 29-1-1973, chương trình biểu diễn của chúng tôi được tổ chức tại hang Quèn thuộc tỉnh Hòa Bình, cho khán giả là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 732 và cả lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn bộ. Mở đầu đêm diễn là "Hành khúc Đoàn Nguyễn Trãi" vang lên trang nghiêm, hùng hồn; rồi các tiết mục đậm chất lính vừa sôi động vừa vui nhộn lần lượt được ra mắt khán giả khiến đêm diễn càng về kết càng vui và hấp dẫn trong những tràng pháo tay giòn giã. Khi tôi chuẩn bị cho vai diễn chính trong vở kịch vui “Diễn tập qua làng”, đồng chí Nguyễn Văn Son, lính hậu cần của Tiểu đoàn 732, người cùng quê với tôi, chạy lên cánh gà sân khấu, ôm lấy tôi mếu máo: “Anh Nguyễn Viết Thức hy sinh rồi! Xã và gia đình đã làm lễ truy điệu. Mình vừa ở quê lên, chắc ngày một, ngày hai sẽ lên đường thôi”.
Nghe tin, tôi đứng như trời trồng. Ngoài sân khấu nói gì, Son nói gì tôi không nghe được nữa. Nước mắt từ đâu tuôn ra như mưa. Bỗng Son buông tôi ra, và hình như có ai đó đẩy nhẹ tôi ra sân khấu: Đến vai Thục rồi đấy!
Tôi bước ra sân khấu và diễn như một cái máy theo mọi câu chữ và cử động đã được học thuộc lòng. Phía bên dưới, khán giả cười vui vì những động tác ngượng ngùng mang đậm nét nghiệp dư chất lính. Hết vở diễn, tôi lao vào cánh gà, đổ gục ngay dưới chân đồng đội.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi không nhớ việc gì đã xảy ra. Tại sao tôi lại nằm trong trạm xá dã chiến của trung đoàn? Ngoài kia, mấy cây mận nở hoa trắng xóa báo hiệu mùa xuân về. Trung úy Xuân Hội đến bên giường tôi động viên: Đồng chí dũng cảm lắm. Đêm diễn rất khí thế! Tiểu đoàn 732 được lệnh hành quân ra chiến trường lúc 5 giờ hôm nay. Họ hát bài "Hành khúc Đoàn Nguyễn Trãi" của Thiện Hùng và Viết Chức đấy. Họ ra đi với niềm tin mùa xuân, chiến thắng.
Nghe vậy, tôi dần dần nhớ ra những gì đã ập đến với mình vào đêm diễn. Nước mắt tôi trào ra, thầm nhủ: Anh ơi! Đồng đội của em đã lên đường trả thù cho anh và những người đã hy sinh. Mùa xuân, niềm tin chiến thắng đang đến! Anh ơi!
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC (Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa-xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.