Mức chế tài cho những hành vi Chu Thanh Huyền bị tố cáo như thế nào?

Liên quan đến hàng loạt vấn đề lùm xùm của các nghệ sỹ và hot girl trên mạng như trường hợp nàng Wags Chu Thanh Huyền về việc quảng cáo sai sự thật cũng như có dấu hiệu trốn thuế.

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt chú ý tới việc nàng WAGs Chu Thanh Huyền – vợ cầu thủ Nguyễn Quang Hải – bị tố cáo có dấu hiệu kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không có nhãn phụ tiếng Việt, không xuất hóa đơn khi bán hàng và trốn thuế.

Đơn tố cáo đã được gửi đến Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và sau đó được chuyển về Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

Vậy quy trình giải quyết đơn tố cáo thế nào? Với những dấu hiệu kể trên, người bị tố cáo có thể phải đối diện với tội danh gì, xử lý ra sao (nếu tố cáo đúng)? Phóng viên Báo Xây dựng đã trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Từ vụ việc bà Chu Thanh Huyền bị tố cáo, xin luật sư cho biết về quy trình giải quyết đơn tố cáo? Thời hạn giải quyết ra sao và cơ quan chức năng xử lý đơn như thế nào?

Căn cứ theo quy định của Luật Tố cáo năm 2028 và nghị định hướng dẫn, việc xử lý đơn tố cáo phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật, đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng thẩm quyền. Trong trường hợp đơn tố cáo không thuộc phạm vi giải quyết trực tiếp của cơ quan tiếp nhận ban đầu – như trường hợp Cục Quản lý Dược nhận được đơn – thì cơ quan này có trách nhiệm chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét xử lý, cụ thể là Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội.

Nàng WAGs Chu Thanh Huyền trong một phiên bán hàng.

Nàng WAGs Chu Thanh Huyền trong một phiên bán hàng.

Sau khi tiếp nhận, cơ quan có thẩm quyền sẽ thụ lý và tổ chức xác minh nội dung tố cáo trong thời hạn 30 ngày làm việc. Trong trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp, đòi hỏi thời gian xác minh, làm rõ nhiều đối tượng hoặc tài liệu liên quan, thì thời hạn này được phép gia hạn thêm một lần, nhưng không quá 30 ngày làm việc – tức tổng thời gian tối đa để giải quyết một đơn tố cáo là 60 ngày làm việc.

Nếu cơ quan chức năng xác định có hành vi vi phạm, thì người bị tố cáo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc thu hồi, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, hoặc trong trường hợp có đủ căn cứ cho thấy hành vi mang dấu hiệu tội phạm, thì hồ sơ có thể được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Đáng lưu ý, theo quy định, cơ quan giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả xử lý đến người tố cáo và các cơ quan liên quan – trong đó có Cục Quản lý Dược trong vụ việc này. Việc thông báo kết quả không chỉ mang ý nghĩa thủ tục, mà còn thể hiện sự minh bạch, trách nhiệm và cam kết pháp lý của cơ quan nhà nước trong công tác tiếp nhận và giải quyết tố cáo.

Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm, bà Chu Thanh Huyền có thể bị xử lý về những hành vi nào, thưa luật sư?

Nếu kết quả xác minh khẳng định có vi phạm, người bị tố cáo trong trường hợp này là bà Chu Thanh Huyền có thể phải đối mặt với nhiều chế tài pháp lý. Cụ thể có thể đối mặt với những vấn đề pháp lý sau:

Thứ nhất là kinh doanh mỹ phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhãn phụ được hiểu là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

Ngoài ra, nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

Các mức xử phạt với hành vi nhập khẩu hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt được xác định dựa trên giá trị hàng hóa vi phạm, chẳng hạn: phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có giá trị hàng hóa đến 5 triệu đồng; phạt tiền từ 1-3 triệu đồng nếu giá trị hàng hóa từ 5-10 triệu đồng; và mức phạt tăng dần theo giá trị hàng hóa vi phạm, lên đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có giá trị hàng hóa từ trên 50-100 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định về mức phạt này cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm việc buộc thu hồi hàng hóa vi phạm để thực hiện việc ghi nhãn đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Thứ hai, là không xuất hóa đơn khi bán hàng. Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan thuế xác định người bán cố tình không lập hóa đơn để trốn nghĩa vụ thuế, có thể bị xử lý về hành vi trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người vi phạm đã từng bị xử phạt hành chính về trốn thuế nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù, phạt tiền đến 4,5 tỷ đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ kinh doanh từ 1 - 5 năm.

Thứ ba, quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm về công dụng sản phẩm. Hành vi quảng cáo sai sự thật gây hiểu lầm về giá cả, công dụng, hoặc nguồn gốc xuất xứ... của sản phẩm, nhất là có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, cao nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, người có hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1-5 năm.

Ngoài vụ việc bị tố cáo nêu trên, bà Chu Thanh Huyền từng nhiều lần vướng vào tranh cãi do những phát ngôn thiếu kiểm chứng và hoạt động quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng công dụng sản phẩm. Đặc biệt, một số sản phẩm mà bà giới thiệu được cho là không có đủ hồ sơ công bố sản phẩm theo quy định hoặc chưa được kiểm nghiệm chất lượng bởi cơ quan có thẩm quyền. Việc livestream quảng cáo, bán hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng nhưng không xuất hóa đơn, không niêm yết rõ ràng thông tin sản phẩm là hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về thương mại điện tử, quảng cáo và thuế.

Vụ việc còn nghiêm trọng hơn khi xuất hiện thông tin một số sản phẩm dạng sữa bột do bà Huyền phân phối bị nghi ngờ không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu sản xuất không đúng quy chuẩn, thậm chí có nguy cơ vi phạm về an toàn thực phẩm.

Việc tự ý sản xuất, quảng cáo sản phẩm sữa hoặc thực phẩm chức năng dưới dạng bột (như sữa non, sữa tăng chiều cao, sữa bổ não...) mà không công bố sản phẩm hoặc thổi phồng công dụng có thể bị xử phạt tiền tới 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt tối đa lên đến 7 năm tù và phạt tiền đến 4,5 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn pháp lý, việc tố cáo bà Chu Thanh Huyền là cơ hội để cơ quan chức năng rà soát lại hoạt động thương mại điện tử nói chung và hoạt động livestream bán hàng nói riêng. Điều quan trọng là đảm bảo pháp luật được áp dụng một cách công bằng, minh bạch và nghiêm minh, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm khi kinh doanh trên môi trường số.

Mở rộng về vấn đề pháp lý liên quan đến người nổi tiếng và KOLs khi quảng cáo thì theo Điều 3.2 Nghị định 100/2014/NĐ-CP, tổ chức/cá nhân tham gia quảng cáo (bao gồm cả KOLs) phải chịu trách nhiệm liên đới nếu quảng cáo gây thiệt hại hoặc sai phạm. Ngoài ra, Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định rõ ràng việc người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng cần đảm bảo không gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh, nếu không sẽ bị xử lý đồng thời cùng đơn vị kinh doanh.

Vụ việc bà Chu Thanh Huyền là một ví dụ điển hình cho thực trạng "xám" giữa hoạt động kinh doanh trực tuyến và khung pháp lý hiện hành. Trong trường hợp các hành vi bị tố cáo là có thật, cơ quan chức năng có thể xử lý theo nhiều hướng khác nhau: từ xử phạt hành chính, truy thu thuế đến khởi tố hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Sự việc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm pháp lý của các cá nhân có ảnh hưởng (KOLs, Influencers) trong hoạt động quảng bá sản phẩm – không thể đứng ngoài hoặc vô can khi có sai phạm.

Cảm ơn ông!

Vụ việc nàng WAGs Chu Thanh Huyền bị tố cáo, nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi diễn ra trong bối cảnh, hoạt động kinh doanh trực tuyến, nhất là qua livestream bán hàng trên mạng xã hội, đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời cũng kéo theo hàng loạt nguy cơ như: bán hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai lệch, gian lận thương mại và trốn thuế.

Nhiều cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs, hot girl, nghệ sĩ) tận dụng sự nổi tiếng để quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định chất lượng, tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng đối với người tiêu dùng và xã hội. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm với pháp luật thì một số người do sự thiếu hiểu biết nên đã vướng phải vòng lao lý.

Mộc Miên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/muc-che-tai-cho-nhung-hanh-vi-chu-thanh-huyen-bi-to-cao-nhu-the-nao-192250422145653928.htm