Mức đóng, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động.

Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội

Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội

Theo dự thảo, mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Dự thảo nêu rõ, đối tượng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội không làm việc và không hưởng phụ cấp từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo dự thảo, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội và được quy định chi tiết như sau:

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, trong đó:

Mức lương theo công việc hoặc chức danh tính theo thời gian (theo tháng) của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động. (*)

Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương tại điểm (*) nêu trên chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không bao gồm khoản phụ cấp lương phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.

Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương tại điểm (*) nêu trên, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương; không bao gồm các khoản bổ sung khác phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (đối tượng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội: Theo quy định hiện hành thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là mức lương cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ phụ cấp do ngân sách nhà nước Trung ương khoán cho các địa phương với mức bằng từ 1,5 – 2 lần mức lương cơ sở. Chính vì vậy, tại dự thảo Nghị định, Bộ đề xuất quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là mức phụ cấp hằng tháng.

Cụ thể, theo dự thảo, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội là mức phụ cấp hằng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trường hợp mức phụ cấp hằng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Dự thảo nêu rõ, trường hợp tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng ngoại tệ thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02/01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01/07 cho 06 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/muc-dong-thoi-han-dong-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-102241203182557706.htm