Mức giảm trừ gia cảnh 'giậm chân tại chỗ' suốt nhiều năm, ĐBQH đề xuất sớm thay đổi
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, hiện mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng không còn phù hợp với tình hình hiện nay, đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Tại phiên thảo luận về KT-XH và NSNN sáng 29/5, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu quan điểm liên quan đến việc giảm trừ gia cảnh đối với bản thân là 11 triệu đồng/tháng; đối với mỗi một người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Bà Thủy thông tin, cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc hiện tại mức 4,4 triệu đồng/tháng là quá lạc hậu và cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, không nên chờ tới năm 2026 mới được thông qua như đề xuất. Đồng thời, bà Thủy cho rằng, có 4 lý do cho đề xuất này.
Thứ nhất, mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, giá rất nhiều mặt hàng hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng.
Thứ hai, là sự bất hợp lý trong việc tính theo giỏ hàng hóa CPI. Theo quy định Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Nhiều chuyên gia và các cử tri cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là dự trên giỏ hàng hóa gồm 750 mặt hàng là bất hợp lý. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng trên 20 mặt hàng. Nếu phải chờ tính trung bình mức giá của 750 mặt hàng sẽ phải rất lâu mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, thậm chí 6-7 năm.
Thứ ba, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Bởi vì là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp thì phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu.
Thứ tư, nếu lương tăng song thuế thu nhập và mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh sẽ dẫn đến bất cập.
Từ ngày 1/7 tới đây sẽ thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến mức lương bình quân của cán bộ công chức, viên chức sẽ tăng khá nhiều. Tuy nhiên, khi lương tăng mà mức thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động. Bởi, lương tăng đồng nghĩa với việc thu nhập tính thuế sẽ tăng.
Bà Nguyễn Thị Thủy đề xuất: "Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay, và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025".