Mức lương thấp khiến giáo viên muốn bỏ nghề
Đó là một trong những trăn trở của hàng nghìn giáo viên gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại chương trình 'Bộ trưởng Bộ GD – ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục'.
Hơn 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Sáng ngày 15/8, Bộ GD - ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD – ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".
Dự chương trình, có ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT; các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Chương trình còn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD - ĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD - ĐT; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các phòng GD - ĐT; cùng sự tham dự trực tuyến kết hợp trực tiếp của hơn 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông.
Chương trình do Bộ GD - ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD - ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD - ĐT.
Chương trình là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới.
Đồng thời, qua Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay; giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD - ĐT và thực hiện thành công đổi mới GD - ĐT.
Các ý kiến tập trung vào nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Mức lương thấp khiến nhiều giáo viên muốn bỏ nghề
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận: “Ngành giáo dục và đào tạo của chúng ta đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể”.
Bộ GD - ĐT đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt, các trường cao đẳng sư phạm và đại học. Tổng hợp các ý kiến giáo viên, TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, qua rà soát khối mầm non, phổ thông, có một số vấn đề chung.
Ở nhóm nội dung phản ánh về chế độ, chính sách, có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là những người đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Một số ý kiến quan tâm đến tiền lương sau khi hoàn thành đào tạo trình độ đại học, xếp lương theo vị trí việc làm...
Các ý kiến cho rằng, hiện nay mức lương thu nhập của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp, từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân. Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên muốn bỏ nghề và đã bỏ nghề rẽ sang hướng khác.
TS Nguyễn Ngọc Ân khẳng định thực tế, nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống. Do đó, nếu Nhà nước không kịp thời có những chính sách hỗ trợ giáo viên số lượng thầy cô giáo bỏ việc thời gian tới có thể còn gia tăng. Các giáo viên đều mong muốn có giải pháp để giúp nâng cao hơn thu nhập, có thể toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/muc-luong-thap-khien-giao-vien-muon-bo-nghe-post1560511.tpo