Mức lương tối thiểu vùng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính tính thế nào?

Sau ngày 30/6/2025 khi không còn cấp quận, huyện nhưng vẫn căn cứ vào điều kiện kinh tế của khu vực đó để đưa ra mức lương tối thiểu vùng phù hợp.

Câu hỏi:

Tôi xin hỏi mức lương tối thiểu vùng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính được quy định như thế nào? Mức đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng người lao động thử việc trong 2 tháng?

(Anh Nguyễn Phi Hải, Công ty TNT)

Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời:

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay căn cứ vào các quận, huyện để tính toán đưa ra mức tiền lương phù hợp. Sau ngày 30/6/2025 không còn cấp quận, huyện nhưng vẫn căn cứ vào điều kiện kinh tế của khu vực đó để đưa ra mức lương tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân khu vực đó.

Khi không còn cấp quận, huyện nhưng vẫn căn cứ vào điều kiện kinh tế của khu vực đó để đưa ra mức lương tối thiểu vùng phù hợp. Ảnh minh họa.

Khi không còn cấp quận, huyện nhưng vẫn căn cứ vào điều kiện kinh tế của khu vực đó để đưa ra mức lương tối thiểu vùng phù hợp. Ảnh minh họa.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, có 2 hình thức hợp đồng lao động là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Người lao động nếu không thuộc 2 trường hợp này thì sẽ thuộc thời gian làm việc dưới 1 tháng hoặc thử việc. Theo quy định của pháp luật, cả hai trường hợp làm việc dưới 1 tháng hoặc thử việc đều không bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Mức lương và các chế độ khác được các bên thỏa thuận trong các văn bản hợp đồng thử việc.

Chế độ quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, do hai bên thỏa thuận. Trong đó, thời gian thử việc hưởng mức lương 85%, các chế độ như mức tiền đóng bảo hiểm xã hội thì do thương thảo hợp đồng, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không ấn định mức tối thiểu bằng bao nhiêu so với quy định chung của pháp luật khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, mức lương tối thiểu năm 2025 đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng được thực hiện theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ. Mức lương tối thiểu tháng vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu giờ năm 2025 đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động, áp dụng đối với vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/muc-luong-toi-thieu-vung-sau-khi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-tinh-the-nao.683627.html