Mức sẵn lòng chi trả học phí cho các chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường Đại học Cần Thơ
LÊ TẤN NGHIÊM - LÊ LONG HẬU- PHẠM LÊ THÔNG (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ)
TÓM TẮT:
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chi trả học phí của phụ huynh để cho con theo học ngành đào tạo chất lượng cao tại Đại học Cần Thơ. Với dữ liệu thu thập từ 190 phụ huynh có con đang học lớp 12 ở Thành phố Cần Thơ, nghiên cứu này sử dụng mô hình Probit kết hợp với hàm hữu dụng ngẫu nhiên để xem xét tác động của các yếu tố thuộc về đặc điểm của phụ huynh và đặc điểm của học sinh đến sự sẵn lòng chi trả. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức học phí được đề nghị của chương trình CLC càng cao và số con còn đang đi học của phụ huynh càng nhiều thì khả năng chấp nhận chi trả học phí cho chương trình CLC càng giảm; trong khi đó, phụ huynh trong những gia đình có mức thu nhập cao và những gia đình của các học sinh có kết quả học tập tốt có khả năng chấp nhận cho con học các chương trình CLC cao hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu này còn phát hiện ra sự chấp nhận trả học phí cho con theo học ngành CLC là dễ dàng hơn ở đáp viên nữ so với đáp viên nam.
Từ khóa: Chương trình đào tạo chất lượng cao, sẵn lòng chi trả, phương pháp định giá ngẫu nhiên, học phí, Trường Đại học Cần Thơ.
1. Giới thiệu
Sự sẵn lòng chi trả thêm được đo lường ở số tiền hoặc phần trăm chi trả thêm cho sản phẩm có tính năng vượt trội so với giá thông thường. Do đó, sự sẵn lòng chi trả thêm được đánh giá như thước đo đo lường nhu cầu đối với một sản phẩm mới so với sản phẩm thông thường (Krystallis and Chryssohoidis, 2005; Krystallis et al., 2006). Các chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) trình độ đại học tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) hiện nay có thể được xem là các sản phẩm mới.
Tại Trường ĐHCT, các ngành đại học CLC có thời gian đào tạo theo thiết kế là 4,5 năm (dài hơn nửa năm so với chương trình thông thường) do sinh viên được học tiếng Anh trong toàn thời gian của học kỳ đầu tiên. Các lợi thế của chương trình đào tạo CLC này so với ngành đào tạo đại trà bao gồm: (i) Nội dung học được thiết kế theo chương trình học ở các nước tiên tiến trên thế giới, (ii) Có từ 30-60% các môn học được dạy bằng tiếng Anh, (iii) Sinh viên được học với các giảng viên trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm, (iv) Sinh viên có cơ hội tham quan, học tập ở nước ngoài; (v) Sinh viên được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp và (vi) Sinh viên có lợi thế làm việc ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Cho đến năm 2019, Trường ĐHCT đang triển khai đào tạo 10 ngành ở bậc đại học với hai loại chương trình song song: chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo CLC. Tất cả các chương trình CLC này đều có mức học phí cao hơn so với các chương trình đào tạo đại trà của Trường. Vì vậy, sự sẵn lòng chi trả của phụ huynh cho con theo học chương trình CLC được xem như là thước đo đo lường nhu cầu đối với chương trình CLC so với chương trình đại trà.
Đến thời điểm hiện tại, Trường đang định hướng đẩy mạnh việc phát triển các chương trình đào tạo CLC cho nhiều ngành nghề học khác nhau như là một trong những phương thức nhằm nâng cao chất lượng và gia tăng nguồn thu nhập của Trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về sự sẵn lòng chi trả học phí của phụ huynh để cho con theo học các chương trình CLC của Trường ĐHCT. Thêm vào đó, mức sẵn lòng chi trả có thể có những sự thay đổi nhất định theo thời gian. Chính vì vậy, một nghiên cứu về sự sẵn lòng chi trả học phí cho các chương trình CLC của Trường là rất cần thiết. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trường ĐHCT thực hiện tự chủ tài chính, không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nữa mà phải tự quyết định học phí phù hợp với thu nhập của người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Cơ sở lý thuyết 2.1. Mức sẵn lòng chi trả
Mức sẵn lòng chi trả của khách hàng cho một sản phẩm khi mua sắm phụ thuộc vào giá trị kinh tế nhận được và mức độ hữu dụng của sản phẩm (Breidert, 2007). Theo đó, giá trị kinh tế và mức độ hữu dụng là hai yếu tố quyết định mức giá mà một người sẵn lòng chấp nhận chi trả là mức giá hạn chế hay mức giá tối đa. Đứng trước một sản phẩm dự định mua, khách hàng sẽ nhận định liệu đây là sản phẩm không có sản phẩm thay thế hay là sản phẩm có sản phẩm thay thế để có thể đưa ra mức giá chấp nhận mua. Đối với trường hợp sản phẩm không có thay thế thì khách hàng thường sẵn sàng trả khoản tiền cao nhất (mức giá hạn chế) để có được độ hữu dụng của sản phẩm. Đối với trường hợp còn lại, nếu giá trị kinh tế của sản phẩm thay thế thấp hơn mức độ hữu dụng của sản phẩm dự định mua thì khách hàng chấp nhận chi trả mức giá tối đa có giá trị bằng với giá trị kinh tế của sản phẩm thay thế (mức giá tối đa). Như vậy, mức sẵn lòng chi trả được định nghĩa là mức giá cao nhất mà một cá nhân sẵn sàng chấp nhận chi trả cho một hàng hóa hoặc dịch vụ (Nguyễn Minh Hà và Ngô Thành Trung, 2013).
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả
Có rất nhiều nghiên cứu về mức sẵn lòng chi trả đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau cho đến nay. Về các yếu tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả của người được điều tra, rất nhiều các nghiên cứu tập trung vào các yếu tố hoặc các biến số khác nhau phản ảnh đặc điểm kinh tế xã hội của người đó, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, thu nhập, nghề nghiệp, trình độ học vấn và quy mô gia đình. Các nhân tố này đã được xác định là có tác động đến mức sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng trong các nghiên cứu của Đặng Thanh Tùng và ctg (2018), Lê Thị Diệu Hiền và ctg (2014), Lê Thanh Loan và Lê Tuấn Anh (2017), Nguyễn Minh Hà và Ngô Thành Trung (2013), Nguyễn Bá Huân (2017).
3. Phương pháp nghiên cứu 3.1. Hàm hữu dụng ngẫu nhiên
Phương pháp định giá ngẫu nhiên (CVM) được bắt đầu bằng mô hình hữu dụng ngẫu nhiên (random utility model) do Hanemann (1984) xây dựng. Giả sử mô hình hữu dụng ngẫu nhiên của mỗi cá nhân có dạng như sau:
uk = uk(w, z, ek) = vk(w, z) + ek (1)
Trong đó k = 0, 1; với k = 0 biểu diễn trạng thái hiện tại của cá nhân và k = 1 là trạng thái sau khi được cung ứng hàng hóa, dịch vụ công cộng nào đó, chẳng hạn dịch vụ giáo dục đại học chất lượng cao. w là thu nhập của cá nhân và z là vectơ biểu diễn các thuộc tính của cá nhân (chẳng hạn, học vấn, giới tính, tuổi, các đặc điểm của cá nhân và hộ). ek là phần sai số ngẫu nhiên theo phân phối chuẩn hay logistic và độc lập với các biến giải thích và đồng nhất với kỳ vọng bằng 0. Khi cá nhân trả lời “có”, nghĩa là đồng ý trả một mức phí tj nào đó cho việc được cung cấp hàng hóa, dịch vụ (tj lần lượt là các mức học phí được đưa ra), điều đó có nghĩa là hữu dụng của cá nhân sau khi được cung ứng dịch vụ lớn hơn trước đó, hay là:
u1j = u1(wj – tj, z, e1j) > u0j(wj, zj, e0j) (2)
Xác suất trả lời “có” của cá nhân sẽ được viết như sau:
Pr(có|tj) = Pr(u1(wj – tj,z,e1j)>u0(wj,zj,e0j)) (3)
Từ (1), ta viết lại (3) như sau:
Pr(có|t) = Pr(v1(wj – tj,zj)+e1j>v0(wj,zj)+e0j) (4)
Giả định hàm hữu dụng vk có dạng tuyến tính:
vkj(zj, wj) = akzj + βk(wj) (5)
Phương trình (4) có thể được viết thành:
Pr(có|t) = Pr(a1zj + β1(wj – tj) + e1j > a1zj + β0wj + e0j) (6)
Do hữu dụng biên của thu nhập không đổi giữa trước và sau khi được cung ứng dịch vụ nên β1 = β0 = β, ta có:
Pr(có|t) = Pr(a1zj + β1(wj – tj) + e1j > a1zj + β0wj + e0j)
Pr(có|t) = Pr(a1 – a0)zj – βtj + e1j – e0j > 0)
= Pr(azj – βtj + ej > 0) (7)
Trong đó: a = a1 – a0 và ej = e1j – e0j. Do e1j và e0j độc lập và đồng nhất nên ej cũng có đặc điểm tương tự. Vậy, xác suất đồng ý được cung ứng dịch vụ của cá nhân có thể được ước lượng bằng phương trình:
Pr(có|t) = Pr(azj – β1 + e1j > 0) = Pr(ej > (azj – βtj)) (8)
Do ej theo phân phối chuẩn hay logistic nên đối xứng, từ đó phương trình (8) có thể được viết:
Pr(có|t) = Pr(ej > (azj – βtj)) = Pr(ej < (azj – βtj)) = F(azj – βtj) (9)
Trong đó, F(.) là hàm tích lũy xác suất của một phân phối chuẩn hay logistic. Các tham số trong mô hình (9) có thể được ước lượng bằng phương pháp hợp lý cực đại (maximum likelihood) và các phần mềm máy tính về kinh tế lượng đều được lập trình để thực hiện phép ước lượng này.
3.2. Ước tính mức phí sẵn sàng trả (WTP)
Chúng ta có thể xem WTP của cá nhân là lượng tiền mà cá nhân sẽ trả để giữ mức hữu dụng không đổi giữa trước và sau khi được cung ứng dịch vụ. Đối với mô hình hữu dụng ngẫu nhiên tuyến tính như trong phương trình (7), WTP có thể được viết như sau:
a1zj + β(wj – WTPj)+e1j = a1zj + βwj+e1j (10)
Giải phương trình (10) để tìm WTP, ta được:
Do WTP của từng cá nhân j có sự biến động ngẫu nhiên trong ej nên chúng không thể biểu diễn cho mức WTP của tổng thể. Chúng ta lấy kỳ vọng của WTP:
do E(ej) = 0.
4. Dữ liệu
Nghiên cứu này sử dụng nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát mức sẵn lòng chi trả bằng phương pháp CVM. Cụ thể, dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp các phụ huynh có con đang học lớp 12 vào năm 2019 tại các trường THPT trên địa bàn TP. Cần Thơ. Cỡ mẫu thiết kế là 200; tuy nhiên, có 10 phụ huynh không cung cấp đủ thông tin nên cỡ mẫu chính thức là 190 quan sát. Phương pháp chọn mẫu thuận tiện được áp dụng. Bảng câu hỏi phỏng vấn được thiết kế gồm 3 phần: (i) đặc điểm kinh tế xã hội của đối tượng khảo sát, (ii) thông tin về tình trạng giáo dục của những người con đang đi học; (iii) nội dung khảo sát về mức sẵn lòng chi trả học phí.
Để xác định mức sẵn lòng chi trả học phí của phụ huynh đối với chương trình đào tạo CLC của Trường ĐHCT, phương pháp giới hạn đơn (single bounded CVM) được sử dụng với 4 mức học phí khác nhau (25, 30, 35 và 40 triệu đồng/năm). Về tiến trình thực hiện, đầu tiên đối tượng khảo sát được giới thiệu về đặc điểm và lợi ích của chương trình đào tạo CLC của Trường ĐHCT; sau đó, đối tượng khảo sát sẽ trả lời “đồng ý” hoặc “không đồng ý” với một mức học phí cụ thể (đã được ghi sẵn trong bảng câu hỏi phỏng vấn) để cho con mình theo học chương trình CLC theo các đặc điểm và lợi ích của chương trình mà đáp viên vừa được giới thiệu.
5. Kết quả nghiên cứu 5.1. Mô tả mẫu khảo sát
Trong nghiên cứu này, đối tượng khảo sát là cha hoặc mẹ ruột hoặc người bảo trợ của học sinh (sau đây gọi chung là phụ huynh). Trong số 190 gia đình được khảo sát, có 41 đáp viên là nữ (21,6%) và 149 đáp viên là nam (78,4%). Về khu vực sinh sống, 56,3% gia đình ở thành thị và 43,7% ở nông thôn của TP. Cần Thơ. Về nghề nghiệp, 40,5% đáp viên có sản xuất nông nghiệp trong khi số còn lại (49,5%) đang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Tuổi bình quân của phụ huynh là 47,7.
Về sự khác biệt các đặc điểm của phụ huynh giữa 2 nhóm phụ huynh (sẵn lòng và không sẵn lòng cho con theo học chương trình CLC), điều đáng chú ý là thu nhập bình quân của các gia đình thuộc nhóm “sẵn lòng” cao hơn so với nhóm còn lại ở mức ý nghĩa 5% trong khi sự khác biệt đối với các yếu tố còn lại là không có ý nghĩa thống kê.
Đối với các đặc điểm của học sinh đang học lớp 12, số liệu thống kê cho thấy có một tỷ lệ cao hơn của những học sinh xuất sắc và giỏi trong gia đình của nhóm phụ huynh “sẵn lòng” (69,5%) so với nhóm phụ huynh “không sẵn lòng” (53,7%) và sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê ở mức 5%.
Tỷ lệ phụ huynh sẵn lòng (đồng ý) cho con theo học chương trình CLC theo mỗi mức học phí đề xuất được thống kê ở Bảng 1. Tỷ lệ phụ huynh sẵn lòng cho con mình theo học chương trình CLC giảm dần theo sự tăng lên của học phí. Mối quan hệ này là phù hợp với lý thuyết về cầu đối với hàng hóa và dịch vụ.
Bảng 1. Tỷ lệ phụ huynh sẵn lòng chi trả theo các mức học phí
5.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả cho các chương trình CLC
Để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chi trả của phụ huynh để cho con theo học chương trình đào tạo CLC tại Trường ĐHCT, nghiên cứu này ước lượng phương trình (9) ở trên bằng mô hình Probit. Theo đó, các biến số độc lập bao gồm các yếu tố thuộc về đặc điểm của phụ huynh của học sinh lớp 12 (tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, khu vực sinh sống, số con đang đi học, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình); yếu tố thuộc về đặc điểm cá nhân của học sinh đang học lớp 12 (giới tính, kết quả học tập) và giới tính của đáp viên. Biến phụ thuộc có trị số 1 và 0 ứng với câu trả lời của phụ huynh là “đồng ý” và “không đồng ý” cho con theo học chương trình CLC tại Trường ĐHCT. Kết quả ước lượng được trình bày ở Bảng 2.
Bảng 2. Kết quả ước lượng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chi trả của phụ huynh
Đối với các biến số thuộc về đặc điểm của phụ huynh, chỉ có thu nhập của gia đình và số con còn đang đi học được xác định là có ảnh hưởng một cách có ý nghĩa thống kê đến khả năng sẵn lòng của phụ huynh để cho con theo học chương trình CLC tại Trường ĐHCT, với mức nghĩa thống kê lần lượt là 5% và 10%. Cụ thể, kết quả ước lượng cho thấy phụ huynh của những gia đình có thu nhập càng cao thì con mình có khả năng theo học chương trình CLC càng cao. Thật vậy, do chương trình CLC có mức học phí cao hơn nhiều so với chương trình đại trà và tài chính không còn là vấn đề đáng quan tâm của những gia đình khá giả nên phụ huynh của những gia đình này sẵn lòng chọn ngành CLC ở mức cao hơn so với những gia đình có mức thu nhập thấp hơn. Về ảnh hưởng ngược chiều của số con đi học, rõ ràng là những phụ huynh có nhiều con đi học hơn đang có gánh nặng về chi phí cao hơn và có thể sẽ gặp khó khăn hơn nếu lựa chọn cho con mình học chương trình CLC so với những gia đình có ít con còn đang đi học.
Về đặc điểm của học sinh đang học lớp 12, biến số kết quả học tập có ảnh hưởng đến khả năng chọn ngành học CLC của phụ huynh ở mức ý nghĩa thống kê 5%. Kết quả ước lượng chỉ ra rằng xác suất chọn ngành CLC cho con mình là cao hơn trong nhóm phụ huynh có con học tốt hơn (xuất sắc và giỏi) so với nhóm còn lại. Điều này có thể xuất phát từ nhận định ban đầu của phụ huynh về những tiêu chuẩn ở mức cao của đầu vào các ngành CLC tại Trường và cũng hoàn toàn đúng với thực tế đang diễn ra.
Cuối cùng, điều thú vị từ kết quả ước lượng là sự khác biệt giữa nhóm đáp viên nam và nữ trong sự lựa chọn ngành học CLC cho học sinh lớp 12. Ở mức ý nghĩa thống kê 5%, hệ số ước lượng cho thấy ngành học CLC được sẵn lòng chọn cao hơn trong nhóm các đáp viên nữ so với nhóm các đáp viên nam khi được phỏng vấn.
5.3. Mức sẵn lòng chi trả học phí
Bảng 3. Kết quả ước lượng WTP (phương pháp của Krinsky and Robb, khoảng tin cậy 95%)
Bảng 3 cho thấy mức sẵn lòng chi trả học phí trung bình cho chương trình CLC tại Trường ĐHCT của những phụ huynh được khảo sát là 32,52 triệu đồng/năm, cao hơn từ 14-17% tùy theo ngành đào tạo, so với mức học phí thực tế đang được áp dụng tại Trường trong năm 2020.
6. Kết luận
Với dữ liệu thu thập từ 190 phụ huynh có con đang học lớp 12, nghiên cứu này đã ước lượng được mức sẵn lòng chi trả và các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chi trả của phụ huynh cho con theo học chương trình CLC tại Trường ĐHCT. Việc ước tính mức sẵn lòng chi trả theo phương pháp tham số đã xác định được mức học phí bình quân mà các phụ huynh chấp nhận trả là 32,52 triệu đồng/năm học, cao hơn mức học phí hiện đang áp dụng tại Trường.
Về các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chi trả, nghiên cứu này sử dụng mô hình Probit kết hợp với hàm hữu dụng ngẫu nhiên để xem xét tác động của các yếu tố thuộc về đặc điểm của phụ huynh và đặc điểm của học sinh. Theo kết quả nghiên cứu, mức học phí của chương trình CLC càng cao và số con còn đang đi học của phụ huynh càng nhiều thì sự sẵn lòng chi trả học phí để con mình theo học chương trình CLC càng giảm. Trong khi đó, sự lựa chọn ngành học CLC được ủng hộ bởi những gia đình có mức thu nhập cao hơn và những những gia đình của các học sinh đang học lớp 12 có kết quả học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu này còn phát hiện rằng sự chấp nhận cho con theo học ngành CLC là cao hơn ở đáp viên nữ so với đáp viên nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tài liệu tiếng Việt:
Đặng Thanh Tùng, Đặng Minh Phương, Mai Đình Quý, (2018). Nhận thức và mức sẵn lòng trả của người tiêu dùng đối với trái cây nhập khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tạp chí Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp
, 1, 72-81.
Lê Thanh Loan & Lê Tuấn Anh, (2017). Mức sẵn lòng trả của người tiêu dùng cho tuyến metro số 1 tại TP. Hồ Chi Minh.
Tạp chí Phát triển kinh tế
. 28(11), 73-96.
Lê Thị Diệu Hiền, Nguyễn Thị Ngọc Yến, Nguyễn Quốc Nghi, Ngô Bình Trị, (2014). Mức độ sẵn lòng chi trả cho nhu cầu du lịch của người dân thành phố Cần Thơ.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ
. 34, 86-92
Nguyễn Bá Huân, (2017). Ước lượng mức sẵn lòng chi trả cho sử dụng nước sạch của người dân tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm Nghiệp
. 01, 129-139
Nguyễn Minh Hà và Ngô Thành Trung, (2013).
Mức sẵn lòng chi trả học phí đối với chương trình đào tạo thạc sĩ trong nước
. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thanh niên.
Tài liệu tiếng Anh:
Breidert, C. (2006).
Estimation of Willingness-to-Pay: Theory, Measurement, Application
. (Springer e-books.) Wiesbaden: Deutscher UniversitSts-Verlag.
Krystallis, A. and Chryssohoidis, G. (2005). Consumers’ Willingness to Pay for Organic Food: Factors That Affect It and Variation per Organic Product Type.
British Food Journal
, 107, 320-343. http://dx.doi.org/ 10.1108/00070700510596901
Krystallis, A., Fotopoulos, C. & Zotos, G. (2006). Organic consumers profile and their willingness to pay (WTP) for selected organic food products in Greece.
Journal of International Consumer Marketing
, 19(1), 87-97.
W. Michael Hanemann (1984). Welfare Evaluations in Contingent Valuation Experiments with Discrete Responses.
American journal of agricultural economics.
66(3), 332-341. https://doi.org/10.2307/1240800
THE WILLINGNESS TO PAY
FOR HIGH-QUALITY TRAINING PROGRAMS PROVIDED
BY CAN THO UNIVERSITY
• LE TAN NGHIEM
• LE LONG HAU
• PHAM LE THONG
College of Economics, Can Tho University
ABSTRACT:
This study is to identify factors influencing parents' willingness to pay for their children to attend high-quality training programs provided by Can Tho University. Based on collected data sets from 190 parents who have 12-grade students in Can Tho City, this study uses the Probitt model combined with a random utility function to test the impacts of parents and students’ characterisitcs on the willingess to pay for the high-quality training programs. The study’s results indicate that if the tuition fee or the number of schoolchildren increases, the willingness to pay for the high-quality training programs will decrease. Meanwhile, the willingness will be greater, if the family’s income increases and the children have good academic performances. In addition, the results show that female respondents are likely to pay for the high-quality training programs than male answerers.
Keywords: High-quality training program, willing to pay, random pricing method, tuitionfu, Can Tho University.