Mức sinh thấp, đề xuất hỗ trợ bằng tiền và miễn giảm học phí

GS Nguyễn Đình Cử chỉ ra một loạt hệ lụy nếu chỉ sinh một con và cho rằng cần nhiều giải pháp khuyến sinh, trong đó cần đa dạng hóa hình thức hỗ trợ gia đình trẻ.

Hệ lụy nếu chỉ sinh một con

Mặc dù Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế, nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người (chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước).

Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị - nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long - nơi chiếm vai trò quan trọng trong việc sản xuất trong việc sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực.

Với mức sinh thấp này, nhiều ý kiến lo ngại sẽ tác động đến sự phát triển bền vững. Vậy những hệ lụy nếu chỉ sinh một con và giải pháp căn cơ là gì là vấn đề được đặt ra.

Trao đổi với Người Đưa Tin về thực trạng mức sinh thấp tại một số tỉnh phía Nam, GS.TS Nguyễn Đình Cử- nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, từ năm 2006 Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế, bình quân mỗi cặp vợ chồng có 2 con. Thế nhưng, thực tế lại có vùng mức sinh hơi cao còn có những vùng mức sinh lại quá thấp, giảm rất sâu.

GS.TS Nguyễn Đình Cử- nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng cần có các giải pháp khuyến sinh ngay từ bây giờ (Ảnh: Hoàng Bích).

GS.TS Nguyễn Đình Cử- nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng cần có các giải pháp khuyến sinh ngay từ bây giờ (Ảnh: Hoàng Bích).

Những nơi có mức sinh cao như Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, còn mức sinh thấp ở Nam Bộ nói chung, đặc biệt Đông Nam Bộ và như Tp.Hồ Chí Minh giảm sâu dưới mức sinh thay thế (năm 2022, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con/người. Mức sinh này tiếp tục giảm so với các năm trước đó như năm 2021 là 1,48 và năm 2020 là 1,53) ngang với mức sinh của các nước thấp nhất trên thế giới.

Điều này, dẫn đến nhiều hệ lụy như hội chứng “4-2-1” – tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và 1 người con.

Đối với gia đình, nếu sinh một con có nhiều rủi ro, đôi khi rủi ro xảy ra sẽ trở tay không kịp. Theo GS.Cử trên thế giới đã có những nước đo lường được rủi ro như: Tai nạn, sa vào tệ nạn xã hội…

“Đối với hội chứng “4-2-1” khi còn nhỏ, đứa trẻ được 6 người chăm sóc nhưng lớn lên đứa trẻ lại phải gánh vác, chăm sóc lại 6 người. Trong khi đó, khi còn nhỏ đứa trẻ được chăm sóc, nâng niu nên có khi không biết làm gì mà bây giờ phải chăm sóc 6 người thì sẽ không sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như kỹ năng”, ông Cử phân tích.

Đối với cộng đồng, mức sinh thấp có thể dẫn đến nguy cơ 2 trường học phải nhập lại thành một trường.

Đồng thời, ông Cử cũng chỉ ra nếu tình trạng này không được khắc phục thì sẽ dẫn đến già hóa dân số (tỉ lệ người 60 tuổi trở lên rất cao).

Nhấn mạnh nâng cao mức sinh rất khó, chuyên gia cho rằng giải pháp cho việc này là phải quyết tâm cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, cần thay đổi tư duy từ 60 năm nay chính sách dân số Việt Nam chỉ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình giảm mức sinh. “Bây giờ cần phải thay đổi lại tập quán tư duy, cần phải có bước ngoặt”, ông Cử nói.

Thêm nữa, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hôịcho rằng phải sửa lại một số văn bản đưa ra hình thức quy định 2 con, nhất là quy định xử lý kỷ luật đảng viên sinh 3 con trở lên…

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh truyền thông về hệ lụy của mức sinh thấp đối với bản thân gia đình, cộng đồng, xã hội để thay đổi tư duy từ kế hoạch hóa gia đình sang duy trì mức sinh thay thế là 2 con.

Cùng với đó, cần phải đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ các gia đình trẻ như hỗ trợ bằng tiền, miễn giảm học phí, thay đổi giờ đưa đón trẻ…

Đề xuất hỗ trợ tiền khi sinh con thứ 2

Trước đó, chia sẻ tại hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, TS.BS Hà Anh Đức - Chánh văn phòng Bộ Y tế, cho biết, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tổng tỉ suất sinh giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Điều này không chỉ xảy ra ở quốc gia có thu nhập cao. Tổng tỉ suất sinh của Thái Lan đã ở dưới mức sinh thay thế (2,1 con) kể từ năm 1990.

Việt Nam đang phải đối mặt với mức sinh chênh lệch giữa các tỉnh, thành. Theo đó, 33 tỉnh, thành có mức sinh cao, 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí một số nơi rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung.

Theo ông Đức, mức sinh thấp để lại rất nhiều hệ lụy về lâu dài. Cụ thể, chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí xã hội khác cao hơn. Kéo theo đó là số lượng công nhân ít hơn, giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn. Hậu quả là tăng trưởng kinh tế thấp và mức sống giảm.

Dự thảo Luật Dân số đưa ra đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2 (Ảnh: Phạm Tùng).

Dự thảo Luật Dân số đưa ra đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2 (Ảnh: Phạm Tùng).

Vào tháng 1, Thủ tướng Nhật tuyên bố nước này đang ở trên bờ vực không thể hoạt động như một xã hội vì tỉ lệ sinh giảm. Chính phủ Nhật cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách dành cho chăm sóc trẻ em. Tình trạng thiếu lao động đang kìm hãm nền kinh tế.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng 10% tỉ suất sinh ở các tỉnh thành có mức sinh thấp (trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).

Ông Mai Trung Sơn - Cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết, nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại các tỉnh, thành có mức sinh thấp, dự thảo Luật Dân số đưa ra đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. Đồng thời, miễn, giảm, hỗ trợ chi phí cho học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của mình để có kế hoạch phù hợp thực tiễn.

Thực tế, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Sau khi phá kỷ lục về tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con.

Tại Hungary, Thủ tướng nước này tuyên bố sinh 4 con trở lên sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời...

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/muc-sinh-thap-de-xuat-ho-tro-bang-tien-va-mien-giam-hoc-phi-cho-tre-a635359.html