Mục sở thị đặc sản bánh cáy Thái Bình: Không phải làm từ con cáy, nguồn gốc hóa ra lại liên quan đến một vụ án oan nổi tiếng?
Người dân Thái Bình luôn tự hào về thứ đặc sản truyền thống có hương vị lạ miệng là bánh cáy. Ít ai biết, món ăn đặc sản này lại có nguồn gốc liên quan đến vụ án oan nổi tiếng nhất thời kỳ Lê Trung Hưng.
Bánh cáy – Nguồn gốc từ án oan lịch sử
Món bánh cáy có nguồn gốc ra đời dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, dưới thời Lê Trung Hưng, địa vị của nhà Lê vẫn giữ ngôi vua nhưng trên thực tế, quyền lực kiểm soát hoàn toàn nằm trong tay chúa Trịnh. Thời điểm ấy, dân gian vẫn đồn đại câu "Phủ chúa quản giám cung vua" bởi mọi quyền sinh sát đều thuộc về phủ chúa. Đến thời vua Lê Hiển Tông, con trai ông là Thái tử Lê Duy Vỹ nhờ thông minh, sáng dạ, học rộng tài cao mà được người dân yêu mến. Danh tiếng vang đến phủ chúa, chúa Trịnh Doanh – người nắm quyền kiểm soát lớn nhất thời điểm ấy, rất coi trọng Thái tử và có ý chiêu mộ để nuôi dưỡng người tài.
Tuy nhiên, tài năng khó qua lòng ghen tỵ, con trai chúa Trịnh Doanh lúc ấy là Trịnh Sâm vì thấy vị Thái tử họ Lê được cha mình quá ưu ái, lại được thêm phần lòng dân nên đã nảy sinh ghen ghét, đố kỵ. Sau khi chúa Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm lúc này kế thừa quyền lực liền thực hiện kế hoạch đổ oan hãm hại Lê Duy Vỹ. Thái tử bị vu oan tội tư thông với phủ thiếp chúa Trịnh, bị ép phế làm dân thường và đi đày vĩnh viễn.
Thái tử Lê Duy Vĩ bị biệt giam, không ai được vào tiếp xúc, thăm hỏi trừ bảo mẫu của Thái tử là bà Nguyễn Thị Tần. Bà Tần quê ở làng Nguyễn Xá, tổng Cổ Cốc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) xuất thân trong gia đình quyền quý, nổi tiếng là người hát hay đàn giỏi, đủ cả Tức đức (công, dung, ngôn, hạnh) nên bà được vua Lê Hiển Tông cho vào cung dạy dỗ công chúa, cung nữ, sau đó trở thành bảo mẫu của Thái tử Lê Duy Vỹ. Không chỉ vậy, bà Nguyễn Thị Tần còn giỏi việc bếp núc, những khi nhàn rỗi bà thường cùng các nữ tỳ làm các món ăn ngon, nghĩ ra các chế phẩm bánh trái dâng vua.
Thời gian sau đó, bà Tần đã lén lút tiếp tế đồ ăn cho thái tử. Biết thái tử cơ thể suy nhược, không thể dung nạp những thức ăn đạm bạc, bà đã sử dụng các nguyên liệu như gừng, đỗ, lạc,… làm nên một loại bánh vừa nhỏ gọn, vừa tích trữ được lâu, lại ngon miệng và vừa đủ chất cho cơ thể. Nhờ món bánh ấy, thái tử đã sống sót suốt 2 năm trong cảnh lưu đày ngục tối.
Sự việc bị phát giác, chúa Trịnh Sâm kiên quyết giết Thái tử bèn sai Phạm Huy Đĩnh thắt cổ Lê Duy Vỹ. Sách Hoàng Lê nhất thống chí nói về mối án oan tai tiếng nhất này như sau: "Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, giữa ban ngày mà chỉ cách nhau gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại sáng sủa. Già, trẻ, trai, gái trong thiên hạ, không ai là không rơi nước mắt. Họ đều cho rằng đó là việc trái ngược nhất, bi thảm nhất từ xưa đến nay".
Bà Tần sau đó cũng bị ngồi tù oan suốt 10 năm vì gán vào tội tiếp tế cho phản đồ. Sau khi chúa Trịnh Sâm mất, qua nhiều biến động lịch sử, bà Tần được thả ra và được hậu duệ nhà Lê sau này kính trọng, ban thưởng nhiều bổng lộc nhờ công ơn của bà. Món bánh mà bà thường làm cho thái tử năm xưa cũng được bà truyền lại rộng rãi trong nhân dân, sau này trở thành thứ đặc sản dâng vua.
Vì sao bánh cáy có tên lạ?
Bánh cáy có tên gọi như vậy, theo lời người dân Thái Bình là bởi màu bánh vàng xám giống với trứng con cáy. Cũng có một tương truyền khác là vì bánh thường có gừng nên vị cay the, gọi là bánh cay nhưng sau này đọc lái đi thành bánh cáy.
Qua thời gian, món bánh cáy truyền thống đã có nhiều biến đổi, không phải chỉ là những loại nguyên liệu đơn sơ nhất như loại bánh cáy ban đầu. Theo chị Trần Thị Phú – chủ tiệm đặc sản bánh cáy làng Nguyễn (Thái Bình) cho biết: "Bánh có nguyên liệu chính là gạo nếp (nếp cái hoa vàng) và nhiều nguyên liệu đi kèm khác. Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi, cắn miếng bánh thấy lạ miệng khi trong đó có mứt bí, gừng tươi cay nồng, kết hợp lại tạo thành hương vị đặc trưng".
Cũng theo chị Phú, công thức là bánh cáy là gia truyền, mỗi nhà mỗi khác, chỉ tương đồng về mùi hương cay nhẹ của gừng, khi ăn nhai càng kỹ, càng nhâm nhi lâu trong miệng càng thấy đậm đà. "Có người ăn lần đầu chưa quen nhưng ăn thêm 1, 2 cái lại thành ra "nghiện". Tùy theo đơn đặt hàng mà mình thay đổi các thành phần nguyên liệu sao cho phù hợp với khẩu vị khách, có người thích ăn nhiều gừng, có người không ăn được cay nên bỏ ít gừng hơn, có người lại thích nhiều mứt bí", chị Phú cho hay.
Ngày nay, dù thị trường có nhiều loại bánh kẹo đẹp mắt, hấp dẫn nhưng với riêng người Thái Bình, bánh cáy vẫn là thứ hương vị không thể nào quên. Trên mâm cúng tổ tiên những ngày Tết không thể thiếu được 1 – 2 hộp bánh cáy truyền thống quê hương.