Mức sống tối thiểu: Không thể áp dụng cách tính từ… 10 năm trước

Ngày 10/7 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã tổ chức tọa đàm về mức sống tối thiểu, thu nhập của người lao động, đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020.

Ảnh minh họa .

Ảnh minh họa .

Lương không đủ sống, phải đi “đẻ thuê”

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, mức sống tối thiểu là một mức sống đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của con người, bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra...

Đến nay đời sống NLĐ ngày càng được cải thiện, song vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Mức tăng 5,3% trong năm 2019 hiện mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu. Trong khi đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đề ra đến năm 2020, quá trình xây dựng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Đánh giá về mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ TP HCM cho rằng, theo khảo sát được công bố thì lương tối thiểu đã đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu, nghĩa là việc đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sống tối thiểu chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì đời sống của NLĐ rất khó khăn, với mức lương tối thiểu hiện nay chưa thể đáp ứng được mức sống tối thiểu cho một NLĐ.

Trong khi năng suất lao động ngày càng tăng, nhưng mức lương tăng quá thấp, NLĐ buộc phải tăng ca hoặc làm thêm bên ngoài để đủ trang trải đời sống. Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khác như không có thời gian yêu đương, không có thời gian và điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái…

Lấy dẫn chứng từ thực tế, ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tiền lương là yếu tố quyết định rất lớn đến cuộc sống của công nhân, NLĐ. Theo tìm hiểu của ông, do thu nhập thấp nên hiện nay NLĐ đang bị “tha hóa”, họ đang là đối tượng sẵn sàng làm những việc nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng…

Đơn cử như dịch vụ đẻ thuê của các công nhân nữ tại các khu công nghiệp hiện nay. Một công nhân nữ mới đây chia sẻ với ông Thọ rằng, cô vừa nhận 10.000USD tiền đẻ thuê, số tiền mà “cả đời làm công nhân cũng không thể tích lũy được”. Do vậy, việc tăng lương tối tiểu để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ hiện là việc làm rất bức thiết.

Cần thay đổi phương pháp tính toán mức sống tối thiểu

Chia sẻ về mức lương tối thiểu cho NLĐ, bà Văn Thu Hà, chuyên gia đến từ tổ chức Oxfam đưa ra những con số cho thấy hệ lụy của việc lương không đủ sống. Đó là 69% công nhân cho biết họ không đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng; 37% cho biết họ luôn trong tình trạng vay nợ để bù lấp thiếu hụt chi tiêu trong tháng; 69% cho biết họ hiếm khi hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh để thăm người thân và bạn bè; 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng.

Từ thực tế trên, bà Văn Thu Hà đã đưa ra một số kiến nghị nhằm giải quyết tình trạng này. Trong đó, cần xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức lương đủ sống; thực hiện tính lương tối thiểu theo cách minh bạch; vinh danh các doanh nghiệp đã trả lương đủ sống; hợp tác toàn cầu về trả lương đủ sống; đảm bảo an sinh xã hội phổ quát để hỗ trợ thực hiện lương đủ sống…

Ngoài ra, theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2019, tiền lương tối thiểu vùng đã tăng thêm từ 160.000 đồng - 200.000 đồng trên 4 vùng lương so với mức hiện hành của năm 2018. Trước vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Chi, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động đưa ra khuyến nghị rằng, Chính phủ cần phân biệt rõ mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống khi các bên thảo luận về tiền lương tối thiểu.

Theo đó, mức sống tối thiểu để tồn tại về lâu dài sẽ làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm xã hội. Bên cạnh đó, Công đoàn nên khuyến khích việc thương lượng tập thể dựa trên mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống ở cấp ngành và doanh nghiệp.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng cuộc sống thay đổi, đi lên thì nhu cầu sống tối thiểu cũng sẽ phải thay đổi. Quốc gia nào phát triển thì nhu cầu sống tối thiểu càng cao. Ví dụ, hiện nay xem truyền hình, dùng Internet hay dùng điện thoại di động… phải được coi là mức sống tối thiểu. Cũng có ý kiến cho rằng, quốc tế quan niệm lương tối thiểu phải là lương đủ sống, tức là tối thiểu đủ sống hay đủ sống ở mức tối thiểu.

Muốn làm được như vậy, cần thay đổi phương pháp tính toán mức sống tối thiểu ở Việt Nam. Phương pháp tính của Việt Nam được áp dụng từ 10 năm trước, không còn phù hợp với nhu cầu cuộc sống và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay, nên nếu vẫn tiếp tục tính như vậy, sẽ không đảm bảo lương tối thiểu đủ sống cho NLĐ thời điểm hiện tại…

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, tọa đàm diễn ra trước Phiên đàm phán lần 2 về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2020 (sẽ diễn ra vào ngày 11/7).

Hiện nay chưa có cơ quan chính thức được pháp luật quy định có thẩm quyền nghiên cứu và chính thức công bố mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ), mà nhiệm vụ này đang được giao cho bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán để tham khảo. Kết quả tính toán này cũng không dễ được các bên chấp nhận.

Do vậy, các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm sẽ được cân nhắc để có thể đưa ra phương án tốt nhất, giúp các thành viên của tổ chức Công đoàn thương lượng thảo luận tại Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Bùi Mến

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/muc-song-toi-thieu-khong-the-ap-dung-cach-tinh-tu-10-nam-truoc-460938.html