Mức thuế mới của Mỹ: Doanh nghiệp Việt chờ đợi cơ hội từ đàm phán
Các nước sẽ còn khoảng 1 tuần nữa để đàm phán với phía Mỹ về các mức thuế đối ứng mà Mỹ xây dựng trước khi nước này thực hiện chính thức vào ngày 9/4. Doanh nghiệp nội cũng như giới chuyên gia đang kỳ vọng cửa sẽ được mở ra từ các cơ hội đàm phán thương mại.

Việt Nam nỗ lực tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Ảnh: M.H
Đối mặt biến động
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng cao 46% đối với 90% mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, dự định có hiệu lực từ ngày 9/4.
Tuy nhiên, có một số hàng hóa sẽ không phải chịu loại thuế này, bao gồm: các mặt hàng chịu thuế tại sắc lệnh khác (50 USC 1702(b); các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo quy định khác; các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản khác không có sẵn tại Mỹ.
Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt cho biết, dù ông và đối tác Hoa Kỳ có lo lắng nhưng vẫn chờ cơ hội từ đàm phán. Riêng ngành gỗ, ông Lam cho hay, từ ngày 31/3 vừa qua, phía Việt Nam đã giảm thuế đối với hàng hóa từ Mỹ.
“Theo quan điểm của chúng tôi, thuế đối ứng sẽ áp dụng với từng mặt hàng theo mã số HS code, vì vậy không có gì lo lắng quá, Chính phủ sẽ làm việc với phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp nếu thuế đối ứng phía Mỹ áp mạnh cho ngành gỗ Việt Nam khoảng 10%, các đối tác làm ăn với chúng tôi sẽ chia đôi, mỗi bên chịu thuế 5%. Hiện tại, mọi thứ vẫn đang bình thường, không có gì đáng lo ngại.
Về kim ngạch xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp chúng tôi đang xuất đi Mỹ với đơn hàng chiếm 50% và hiện tại chúng tôi nhận các đơn hàng xuất khẩu đến tháng 9, hết quý II-2025.
Về đa dạng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp của tôi và các doanh nghiệp hiệp hội đã làm hàng năm qua rồi, không đợi đến khi Mỹ đưa việc đánh thuế. Chúng tôi hướng đến Hàn Quốc, Australia, Trung Đông”, ông Nguyễn Thanh Lam nói.
Cơ hội đàm phán
Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, theo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã nói với các quốc gia phải đối mặt với thuế rằng, "hãy chấm dứt thuế, dỡ bỏ rào cản". Điều này chỉ ra những hướng đi tiềm năng để điều chỉnh cách ứng phó trong tương lai.
Doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu và thiết lập quan hệ đối tác sản xuất ở các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn khỏi khuôn khổ thuế quan mới. Như thông báo của chính quyền ông Donald Trump, Canada và Mexico sẽ tránh được các mức thuế mới do có sắc lệnh riêng cho họ. Điều này mở ra cơ hội tiềm năng về hợp tác chiến lược về sản xuất với các nước này.
Việt Nam thời gian qua đã có những nỗ lực để tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, mở rộng nhập khẩu nông sản như đậu nành, bông, thịt… và tiếp tục đẩy mạnh mua máy bay, chíp, nhập khí hóa lỏng LNG của Mỹ. Điều này không chỉ giúp hài hòa hơn cán cân thương mại giữa hai nước, đồng thời thể hiện thiện chí hợp tác với Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có cuộc làm việc với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ tại Việt Nam Jamieson L. Greer để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 14/3 vừa qua.
Bộ Công Thương cho biết, hiện giữa hai nước đã có cơ chế đối thoại chính sách thành lập theo Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ. Vì vậy, các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương, nếu có, sẽ được chủ động trao đổi thông qua TIFA. Đây là cơ chế đang được duy trì thường xuyên, liên tục và hiệu lực, hiệu quả nhằm củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia, kiến tạo tầm nhìn chung, góp phần định hướng dài hạn và ổn định lộ trình phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã chủ động giao các bộ, ngành rà soát những vướng mắc, xây dựng phương án xử lý những vấn đề Mỹ quan tâm; trên cơ sở thương mại công bằng, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng hài hòa, thỏa đáng lợi ích của các bên. Việt Nam đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào quá trình hình thành, phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam, nhất là các dự án năng lượng trọng điểm (năng lượng mới, hydrogen, điện hạt nhân...), tạo tiền đề để tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng, nhiên liệu, thiết bị máy móc, công nghệ từ Mỹ, qua đó góp phần cải thiện cán cân thương mại giữa hai nuớc.
Trong khi đó, theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sẽ có chuyến thăm Mỹ và làm việc tại Mỹ và Cuba từ ngày 6-14/4.
Tại Mỹ, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự Chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), đồng thời có các hoạt động thăm làm việc tại nước này.