Mục tiêu cao phát triển sản xuất giai đoạn mới

Xuyên suốt quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các tiêu chí phát triển sản xuất bền vững, không ngừng tăng thu nhập cho người dân nông thôn luôn được đặt lên hàng đầu.

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) có nhiều sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh. Ảnh: B.Nguyên

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) có nhiều sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh. Ảnh: B.Nguyên

Theo đó, Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 tỉnh Đồng Nai vừa ban hành, tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn có nhiều chỉ tiêu quan trọng đặt ra mục tiêu cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.

* Yêu cầu khó

Theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn đặt ra nhiều chỉ tiêu như: xây dựng được HTX hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Mỗi xã có một sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã. Tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử đạt từ 10% trở lên. Hình thành được vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực. Có mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị kinh tế, văn hóa, môi trường. Xã có ít nhất 1 nhãn hiệu được chứng nhận…

Với NTM kiểu mẫu giai đoạn mới, tiêu chí phát triển sản xuất đặt mục tiêu cao hơn so với NTM nâng cao như: không chỉ yêu cầu có HTX hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định mà nâng cấp hơn là mô hình liên kết này phải gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; 100% các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của xã theo chương trình OCOP được quảng bá qua internet…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, các bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đều đặt mục tiêu cao hơn bộ tiêu chí của trung ương và đã đưa vào nghị quyết để thực hiện. Trong đó, nhiều tiêu chí khó nhưng gắn với phúc lợi xã hội, gắn với mục tiêu nâng chất đời sống người dân nên các địa phương cần tập trung thực hiện.

* Phát huy lợi thế riêng

Tuy đặt ra mục tiêu cao trong phát triển sản xuất bền vững gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn mới nhưng nhờ biết khai thác lợi thế riêng nên nhiều địa phương đã đạt được những thành quả ấn tượng.

Giữ vững thành tích đã đạt được, H.Xuân Lộc tiếp tục là địa phương đi đầu của tỉnh trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Huyện rất chú trọng phát triển sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ nông dân, HTX ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Kết quả, trong xây dựng nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu hàng hóa, đến nay toàn huyện đã có 60 nhãn hiệu, trong đó có 44 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng độc quyền. Đặc biệt, huyện đã xây dựng được 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, vượt xa yêu cầu mỗi xã có một sản phẩm OCOP. Huyện rất chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng. Toàn huyện đã xây dựng được 19 mã số vùng trồng với tổng diện tích khoảng 3.530ha.

Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên nhấn mạnh, với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, huyện tập trung phát triển sản xuất theo hướng sinh học, hữu cơ. Huyện áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu của quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến cho đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: heo, gà, rau, xoài, thanh long, sầu riêng, hồ tiêu… đều đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt GAP. Trong đó, mô hình sản xuất, trồng cây trong nhà màng, nhà lưới đã nhân rộng được khoảng 161ha. Hình thành một số mô hình nông nghiệp kết hợp tham quan, trải nghiệm, dịch vụ ăn uống.

Là huyện vùng sâu, vùng xa, có điểm xuất phát thấp khi bắt tay vào xây dựng NTM mới nhưng H.Cẩm Mỹ có nhiều đột phá trong phát triển sản xuất.

Trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ Ngô Hữu Phụng chia sẻ, huyện đã quy hoạch được 19 vùng chuyên canh cây trồng với tổng diện tích hơn 5,5 ngàn ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành được 18 chuỗi liên kết sản xuất. Qua quá trình thực hiện các chuỗi liên kết, nông dân đã hình thành được ý thức sản xuất an toàn theo chuẩn GAP, hữu cơ. Tiêu biểu là dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ cây hồ tiêu do HTX Nông nghiệp Lâm San có quy mô 847ha. Đây là mô hình hoạt động hiệu quả, hồ tiêu sạch bán được giá cao hơn giá thị trường.

Làm việc với H.Xuân Lộc về kết quả xây dựng NTM gắn với triển khai 4 nhiệm vụ đột phá Đảng bộ tỉnh đã đề ra cho nhiệm kỳ 2020-2025, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, trong 4 nhiệm vụ đột phá thì 3 đột phá là ở lĩnh vực kinh tế trên tinh thần không thỏa mãn trước kết quả đã đạt. Những xã đạt NTM kiểu mẫu vẫn phải tiếp tục nâng cao thu nhập; đảm bảo người dân được sống với nhu cầu văn hóa cao hơn…

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202304/muc-tieu-cao-phat-trien-san-xuat-giai-doan-moi-3163790/