Mục tiêu dang dở mà khó vượt của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo
Một số ứng cử viên cho vị trí tân Thủ tướng Nhật Bản đã xuất hiện, tuy nhiên, dù vị trí này thuộc về ai, niềm tin của nền kinh tế trong thời kỳ 'hậu Abe' vẫn là yếu tố không dễ duy trì.
Trong cuộc thăm dò của Kyodo News, công chúng Nhật Bản mong đợi hai ưu tiên hàng đầu mà Thủ tướng mới sẽ theo đuổi là tiếp tục ứng phó tốt với Covid-19 và tập trung ổn định nền kinh tế.
Kinh tế Nhật Bản xuống đáy?
Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á trong quý II/2020 rơi vào suy thoái kỷ lục khi “bão” Covid-19 càn quét các ngành hàng xuất khẩu chủ lực từ bán lẻ cho đến ô tô.
Kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2020 lao dốc tới 18,5%. Tiêu dùng trở thành lĩnh vực tác động kép kéo GDP tụt giảm, bởi cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều lao dốc. Tiêu dùng trong nước suy giảm đến 8,2% do các biện pháp phong tỏa chống Covid-19, trong khi nhu cầu hàng hóa toàn cầu cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Như vậy, tính cả quý II/2020, kinh tế Nhật Bản đã phải hứng chịu sự suy giảm quý thứ ba liên tiếp. Quy mô GDP thực tế trong quý II giảm còn 485.000 tỷ Yen, mức thấp nhất kể từ quý II/2011 - thời điểm mà Nhật Bản vẫn đang chịu tác động của giảm phát và trì trệ kéo dài hai thập kỷ, thổi bay mọi thành quả triển khai các chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe Shinzo (Abenomics) từ cuối năm 2012.
Không so bì với độ “bay hơi” 32,9% của nền kinh tế Mỹ, nhưng “cú rơi” tới 27,8% của kinh tế Nhật Bản đã bỏ xa mức giảm 17,8% trong quý I/2009 - thời điểm thế giới đang trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhật Bản bắt đầu gượng dậy sau lệnh gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 hồi cuối tháng Năm, nhưng sự hồi phục kinh tế trong quý III/2020 còn chậm. Tiêu dùng mới đây đã có tín hiệu tăng trở lại, nhưng viễn cảnh doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm, giảm đầu tư và chi tiêu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu… vẫn treo lơ lửng, bởi nguy cơ số ca mắc Covid-19 tăng trở lại và nhu cầu hàng hóa toàn cầu vẫn ở mức thấp chưa từng có.
Chưa hết, “những đám mây đen” vẫn giăng phía trước, khi căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ-Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Nhật Bản, chưa thấy hồi kết. Nhiều nền kinh tế có liên quan khác trên thế giới tái áp dụng các biện pháp phong tỏa chống dịch. Trong khi, trước khi dịch Covid-19 ập đến, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới mới chỉ vừa tạm vượt qua cơn sốc suy giảm do chính sách tăng thuế doanh thu và các “cú đòn lạc” từ thương chiến Mỹ - Trung.
Ba mũi tên trúng đích
Có người nói rằng, những chiến lược mang tên Abenomics phát huy hiệu quả chủ yếu nhờ hoàn cảnh và thời gian phù hợp, hay nói cách khác là nhờ vận may. Nhưng thực tế thành công của Thủ tướng Abe Shinzo đã vượt qua mong đợi của nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo Nhật Bản trước đó.
Sau khi nhậm chức năm 2012, ông triển khai chính sách Abenomics gồm ba mũi nhọn, tập trung vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và kích thích nền kinh tế, chính sách tài khóa linh hoạt và cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt 2% trong năm 2013 và duy trì ở mức này trong bốn năm một phần là nhờ chính sách này. Tuy nhiên trong năm 2018, con số này giảm xuống còn 0.79% và tiếp tục giảm xuống 0,65% trong năm 2019. Nhật Bản trông đợi ở Thế vận hội Tokyo dự kiến được tổ chức trong năm 2020 sẽ là liều thuốc kích thích nền kinh tế.
Abenomics cũng đã đẩy thị trường chứng khoán đi lên trong khi Yen suy yếu. Đây được coi là một lợi ích đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản, bởi việc đồng Yen yếu hơn sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh về giá của các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài, trong khi giá trị tài sản mang từ nước ngoài về Nhật Bản cũng được định giá cao hơn. Chính phủ của Thủ tướng Abe và BoJ đã “bắt tay” vào năm 2013 để tăng cường phối hợp chính sách và đánh bại giảm phát. Trong khi chính phủ tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế, ngân hàng trung ương đã tăng cường mua tài sản.
Kết quả là, khi ông Abe trở lại nắm quyền, chỉ số Nikkei (năm 2012) giao dịch trung bình 10.000 điểm. Đến ngày hôm nay (tháng 9/2020), khi ông tuyên bố từ chức, chỉ số này đã ở quanh ngưỡng 22.882 điểm, sau khi đã “leo” lên mức cao nhất của 27 năm vào năm 2018. Thị trường lao động đang được cải thiện, với hơn 4 triệu việc làm đã được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,8% trong tháng Sáu, từ mức 4,3% khi ông Abe nhậm chức. Sự tham gia đáng kể và còn tiếp tục gia tăng của phụ nữ vào lực lượng lao động, khi đất nước Mặt Trời mọc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Tuy nhiên, chỉ có tỷ lệ nợ/GDP là không cải thiện, dự kiến sẽ tăng lên ngưỡng 251,91% vào năm 2020. Thủ tướng Abe cũng để lại một “tác phẩm” còn dang dở bởi dịch Covid-19 bùng phát và một kỳ vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ hậu Thế vận hội Olympics 2020.
Thách thức đối với người kế nhiệm
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ của Thủ tướng Abe đã tung ra gói kích thích kinh tế chưa từng có nhằm chống lại suy thoái kinh tế và biện pháp này đã bắt đầu mang lại hiệu quả khi nền kinh tế Nhật Bản dường như đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi sẽ diễn ra chậm chạp vì nền kinh tế Nhật Bản thiếu động lực do nhu cầu trong và ngoài nước đều rất yếu.
Tại họp báo tuyên bố quyết định từ chức, Thủ tướng Abe nói “Tôi đã phóng đi ba mũi tên để đánh bại hai thập kỷ nền kinh tế giảm phát và chúng tôi đã hướng tới việc tạo ra một thị trường nơi những người muốn làm việc có thể tìm được việc làm”…
Tuy nhiên, những mục tiêu dang dở vẫn còn, từ giải quyết khủng hoảng Covid-19, đến những vấn đề cố hữu trong nền kinh tế, tiếp tục đặt ra những thách thức lớn đối với người kế nhiệm.
Giữa bối cảnh khó cả trong lẫn ngoài, việc vị Thủ tướng tại nhiệm lâu đời nhất bất ngờ từ chức là một cú sốc. Tâm lý sẽ đè nặng lên nền kinh tế, các thị trường tài chính sẽ có tâm lý thận trọng, nhiều nghi vấn cũng được đặt ra xung quanh việc liệu các chính sách kinh tế quy mô lớn hiện tại có được duy trì hay không...
Giới quan sát cho rằng, chưa có nhiều kỳ vọng, nếu người lãnh đạo chưa chọn được một hướng đi mới táo bạo, nếu không ngay cả việc duy trì tình trạng hiện tại đã là không dễ dàng.