Mục tiêu đầu tư khởi nghiệp của Nhật Bản gặp nhiều thách thức

Báo Japan Times mới đây đăng bài viết cho rằng mục tiêu đầu tư khởi nghiệp trị giá 10.000 tỷ yen (63 tỷ USD) của Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn.

Một góc của thủ đô Tokyo tại Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một góc của thủ đô Tokyo tại Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Năm 2022, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng đầu tư vào công ty khởi nghiệp lên gấp 10 lần trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, tổng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong nước đã giảm kể từ khi mục tiêu đó được đặt ra.

Các nhà đầu tư và những người ủng hộ khởi nghiệp cho biết Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn ươm mầm cho sự phát triển khởi nghiệp và phải giải quyết một số vấn đề về cơ cấu đã cản trở tăng trưởng đầu tư.

Chủ tịch Hiro Nishiguchi của Startup Genome Japan, một công ty có trụ sở tại San Francisco chuyên phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp, cho biết: “Thông thường phải mất khoảng 10 năm để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt”.

Theo dữ liệu của Uzabase, năm 2022, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Nhật Bản là 978 tỷ yen. Con số này sau đó giảm xuống còn 804 tỷ yen trong năm 2023 và nửa đầu năm ngoái là 325 tỷ yen.

Tokyo đã từ vị trí thứ 9 năm 2021 rớt xuống vị trí thứ 10 năm 2024 trong bảng xếp hạng Báo cáo hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Genome. Bảng xếp hạng này tính đến một số yếu tố tại các trung tâm đầu tư toàn cầu lớn, bao gồm tài trợ, kết nối, hiệu suất, phạm vi thị trường và nhân tài. Trong khi đó, thung lũng Silicon đứng đầu danh sách, London và New York đồng hạng nhì. Tại Mỹ, khoảng 170 tỷ USD được đầu tư hàng năm vào các công ty khởi nghiệp.

Ông cho biết: “Chiến lược của Vương quốc Anh thực sự tập trung vào cách họ có thể tạo ra các công ty khởi nghiệp có thể thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ”. Các nhà đầu tư Mỹ bị thu hút bởi các công ty khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao và nhanh chóng, do đó, những công ty khởi nghiệp chỉ giới hạn ở một quốc gia sẽ có tiềm năng ít hơn đáng kể.

Quốc tế hóa các công ty khởi nghiệp của Nhật Bản là ưu tiên của chính phủ nước này trong những năm gần đây và ngày càng nhiều doanh nhân Nhật Bản muốn ra nước ngoài vì có nhiều chương trình hỗ trợ. Năm nay, Startup Genome đã hợp tác với chính quyền đô thị Tokyo để thành lập một chương trình có tên là Global Hypergrowth Tokyo – nhằm giúp các công ty khởi nghiệp trong nước muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Người ta hy vọng rằng sẽ có nhiều doanh nhân theo đuổi thị trường nước ngoài hơn và điều này sẽ thu hút thêm nhiều đầu tư từ nước ngoài.

Một vấn đề mang tính cấu trúc đối với các công ty khởi nghiệp Nhật Bản muốn vươn ra toàn cầu và huy động số vốn lớn hơn là rào cản thấp khi niêm yết cổ phiếu tại Nhật Bản. Masahiko Homma, đối tác chung tại Incubate Fund cho biết, điều này đã giúp duy trì hệ sinh thái khởi nghiệp của Nhật Bản, vì ngay cả những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tương đối nhỏ cũng có thể mang lại lợi nhuận cho các công ty đầu tư mạo hiểm, lợi nhuận cho nhà sáng lập và thu nhập cho nhân viên thông qua các quyền chọn cổ phiếu.

Song song với đó, việc lên sàn đã trở thành mục tiêu của nhiều công ty khởi nghiệp và một khi họ đạt được mục tiêu đó, tốc độ tăng trưởng của họ có xu hướng chậm lại. Ngoài ra, đây được coi là lý do chính khiến Nhật Bản thiếu các “kỳ lân” - các công ty tư nhân có định giá hơn 1 tỷ USD.

Đối tác Homma cho biết thêm rằng một số công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán với quy mô nhỏ thực sự gặp khó khăn trong việc thu hút thêm đầu tư do thị trường thiếu thanh khoản, do đó hệ sinh thái khởi nghiệp Nhật Bản cần đạt được nhiều đợt IPO lớn hơn.

Khi nói đến đầu tư khởi nghiệp, sự chú ý thường tập trung vào mảng khởi nghiệp, nhưng các nhà đầu tư cho biết điều quan trọng nữa là các nhà đầu tư mạo hiểm Nhật Bản phải nâng cao trình độ.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/muc-tieu-dau-tu-khoi-nghiep-cua-nhat-ban-gap-nhieu-thach-thuc/358864.html