Mục tiêu đầy thách thức!
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, trong đó đặt ra những mục tiêu rất cụ thể nhưng cũng đầy thách thức.
Theo đó, Việt Nam phấn đấu trở thành 1 trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học vào năm 2030. Đồng thời, xây dựng được nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh. Trong 10 năm nữa, công nghiệp sinh học phải thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.
Có thể nói đây là những mục tiêu đầy thách thức! Thời gian qua, công nghệ sinh học nước ta có bước phát triển nhanh, đạt nhiều thành tựu quan trọng, từng bước hình thành nền công nghiệp sinh học với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp. Mặc dù vậy, như Nghị quyết số 36-NQ/TW chỉ ra sự phát triển ấy chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc hậu so với khu vực và thế giới. Việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập…
Với điểm xuất phát như vậy, để lọt vào tốp 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học trong 10 năm tới, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất cao của cả hệ thống để thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Trước hết phải thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường...; xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…
Đặc biệt, Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học với những định hướng hết sức rõ ràng, quan trọng. Trong đó, phải có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh; khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học. Đồng thời, xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Công nghệ sinh học có vai trò quan trọng với sự phát triển của mỗi quốc gia. Nghị quyết số 36-NQ/TW được ban hành chính là quyết tâm chính trị của nước ta trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để đưa đất nước đến với đích thịnh vượng vào năm 2045. Quyết tâm này phải lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và nhanh chóng biến thành hành động cụ thể với những quyết sách đúng đắn và hiệu quả. Được như vậy, mục tiêu thách thức trong mười năm tới hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.