Mục tiêu đóng góp 20 tỷ USD vào GDP của ngành dược có khả thi?

Việt Nam đặt khát vọng trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về thử nghiệm, nghiên cứu và sản xuất thuốc chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2045 đóng góp trên 20 tỷ USD cho GDP cả nước. Câu chuyện này được đặt ra tại hội thảo 'Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược' do Báo Đầu tư tổ chức sáng 25/9.

Thị trường dược phẩm Việt Nam có tiềm năng lớn với tốc độ tăng trưởng bình quân hai chữ số hàng năm. Ảnh Dũng Minh

Thị trường dược phẩm Việt Nam có tiềm năng lớn với tốc độ tăng trưởng bình quân hai chữ số hàng năm. Ảnh Dũng Minh

Tiềm năng thị trường dược phẩm lớn

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công ty TrueDoc Việt Nam cho hay đã có một cuộc tranh luận nhỏ về mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2045. Đồng thời, ông đặt câu hỏi về quan điểm của chuyên gia KPMG thế nào về mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2045?

Chia sẻ về vấn đề này ông Luke Treloar, Trưởng Khối Cơ sở Hạ tầng, Chính phủ & Y tế (IGH), KPMG Việt Nam cho rằng mục tiêu này có tính khả thi nhưng phụ thuộc nhiều các quyết định, chính sách của Việt Nam.

"Việt Nam sẽ có biện pháp gì để bảo hộ đầu tư cho thế hệ người Việt. Việt Nam sẽ thiết lập một môi trường kinh doanh thân thiện như thế nào để thu hút những khoản đầu tư phù hợp. Đó sẽ là những yếu tố giúp Việt Nam có thể phát triển cả đầu và cuối chuỗi cung ứng. Việt Nam đang trên hành trình này.

Có rất nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á và khu vực này muốn có được loại tài sản trí tuệ và lợi nhuận đầu tư đó, nhưng Việt Nam có những đặc điểm độc đáo riêng. Tôi nghĩ rằng, 20 tỷ USD về tổng đóng góp kinh tế trong 15 năm tới là một con số khá thực tế", ông Luke Treloar nói và cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội để học hỏi từ các thị trường khác, áp dụng công nghệ để đối phó với gian lận trong quá trình sản xuất thông thường.

Thông thường, các thị trường sẽ tiêu thụ thông qua việc bán cho một thị trường. Do đó, các nhà nhập khẩu đang bán cho thị trường nội địa. Trong lĩnh vực sản xuất, bắt đầu phát triển một số sản phẩm tại địa phương, rồi chuyển giao công nghệ để cùng phát triển công nghệ toàn cầu và địa phương, sau đó là bước vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm lâm sàng, và tạo ra tài sản trí tuệ.

“Mục tiêu cuối cùng của một thị trường là đạt đến giai đoạn cuối cùng, nơi mà bạn tạo ra các sản phẩm phụ và tài sản trí tuệ mang lại cổ tức lớn hơn so với khoản đầu tư ban đầu. Việt Nam có cơ hội học hỏi từ các thị trường khác, xem các trường hợp nghiên cứu nếu muốn, để biết cách rút ngắn chu kỳ đó và thực hiện nhiều bước cùng lúc”, ông Luke Treloar nhấn mạnh.

Nhận định thị trường dược phẩm Việt Nam, bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện Quốc gia, USABC Việt Nam cho rằng có tiềm năng lớn với tốc độ tăng trưởng bình quân hai chữ số hàng năm cùng thu nhập trên đầu người tăng lên. Một số thành viên trong USABC Việt Nam đã thành lập cơ sở sản xuất, hợp tác với các đối tác trong nước để chuyển giao công nghệ, đồng hành với các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ về y dược.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 đang được các doanh nghiệp ngành dược đặc biệt quan tâm. Trong đó, bà Việt Lâm cho rằng nếu giải quyết được các nút thắt sẽ tạo ra thu hút hút đầu tư lớn của dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, xem xét mở các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Câu chuyện chính sách là vấn đề đầu tiên được doanh nghiệp đề cập. Doanh nghiệp kỳ vọng có chính sách nhất quán, có thể dự đoán được bởi đầu tư ngành y dược là khoản đầu tư trung và dài hạn, sự nhất quán này giúp doanh nghiệp yên tâm ổn định đầu tư. Việt Nam xác định môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư, tư duy đó cần được thể hiện trong các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể.

“Chúng tôi kỳ vọng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 cởi bỏ được ba nút thắt cho doanh nghiệp là tiếp cận thị trường, thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi. Với vấn đề tiếp cận thị trường, hiện nay để một sản phẩm thuốc mới vào thị trường cần mất 3 năm, để vào nhóm thuốc dành cho bệnh nhân bảo hiểm y tế cần thêm 3-4 năm, như vậy trung bình mất gần 7 năm để người dân tiếp cận 1 thuốc mới. Vòng đời để sản xuất, thử nghiệm đưa vào thị trường quá lâu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp”, bà Việt Lâm kiến nghị.

Đồng thời, đại diện USABC Việt Nam nhấn mạnh thêm, các ưu đãi đặc thù phải rõ ràng, kích thích doanh nghiệp sản xuất.

Cơ hội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo y dược toàn cầu

“Khi xác định một tầm nhìn, một tham vọng, thu hút đầu tư của các hãng tiên tiến trên thế giới, Việt Nam phải hành động bằng chính sách cụ thể bởi không ai chờ ai, xu hướng mới thường xuất hiện nhanh và các nước không ngồi im chờ Việt Nam. Trong khu vực hiện các nước như Malaysia, Indonesia đã rất tăng tốc trong việc đưa ra cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư và y dược. Khi xây dựng các chính sách cần nhìn những gì Việt Nam đang làm đã đủ hấp dẫn nhà đầu tư hay chưa để có chiến lược rõ ràng hơn”, bà Lâm nói.

Chia sẻ về câu hỏi “liệu Việt Nam có cơ hội để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo y dược toàn cầu hay không?", bà Việt Lâm, cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng nhưng có đột phá chính sách hay không và nguồn lực ở Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa?

"Ngoài yếu tố chính sách cần chú ý đến nguồn nhân lực, năng suất lao động cao nhất, sẽ phải đồng bộ chính sách để xây dựng Luật, chúng ta có chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tài năng ở nước ngoài, thu hút người Việt Nam về làm việc", bà lâm nhấn mạnh.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/muc-tieu-dong-gop-20-ty-usd-vao-gdp-cua-nganh-duoc-co-kha-thi-post354576.html