Mục tiêu giảm 20% bụi mịn: Cần có lộ trình dài hơn

Khi đặt mục tiêu giảm 20% nồng độ PM2.5, cần chỉ rõ mức nền hiện tại đang ở đâu so với quy chuẩn quốc gia để có thể lượng hóa cụ thể hơn mức độ cải thiện.

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tại Hội nghị lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030 diễn ra sáng 5/7 tại Hà Nội.

Cải thiện chất lượng không khí là một hành trình dài

Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030 đưa ra 3 nhóm mục tiêu cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Thứ nhất, cải thiện chất lượng không khí, trong đó từng bước kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội như sau: Giảm 20% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức “xấu” trở lên so với năm 2024 (năm 2024 ghi nhận 47 ngày); giảm 20% nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào năm 2030 so với mức năm 2024. Duy trì các thông số chất lượng không khí khác trong ngưỡng quy chuẩn.

Thứ hai, với nhóm kiểm soát nguyên nhân gây ô nhiễm mục tiêu là 100% cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, nhiệt điện, luyện thép sẽ được kiểm soát khí thải, từng bước giảm phát thải. 100% phương tiện giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được quản lý khí thải, tiến tới chuyển đổi sang năng lượng sạch. 100% xe buýt tại Hà Nội sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030. Các tỉnh, thành khác thực hiện theo Quyết định 876/QĐ-TTg.

Thứ ba, với nhóm xây dựng đô thị văn minh, xanh hóa môi trường mục tiêu sẽ phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 1.000 công trình xây dựng xanh. Thí điểm thiết bị lọc không khí, hệ thống thông gió tại các công trình để đánh giá, nhân rộng; phối hợp liên ngành, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và đẩy mạnh truyền thông.

Tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, các nội dung được xây dựng tương đối khoa học, logic và có tính khả thi nhất định. Tuy nhiên, về mục tiêu giảm 20% bụi mịn PM2.5, cần làm rõ mối tương quan với quy chuẩn quốc gia hiện hành.

Cụ thể, khi đặt mục tiêu giảm 20% nồng độ PM2.5, chúng ta cần chỉ rõ mức nền hiện tại đang ở đâu so với quy chuẩn quốc gia để có thể lượng hóa cụ thể hơn mức độ cải thiện.

“Nếu hiện tại nồng độ trung bình năm đang ở mức khoảng 48 µg/m³, trong khi quy chuẩn quốc gia là 25 µg/m³ (tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn Trung Quốc), mục tiêu giảm 20% sẽ đưa mức này xuống khoảng 38 µg/m³, tức là vẫn còn cách xa chuẩn”, Bộ trưởng phân tích và cho rằng, nhìn sang Trung Quốc, họ từng có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn chúng ta rất nhiều và đã mất hơn 10-20 năm để đạt được cải thiện đáng kể nhờ vào sự quyết liệt và đầu tư lớn.

Trong khi đó, Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu, nếu hành động sớm thì chi phí có thể thấp hơn, thời gian rút ngắn hơn. Vì vậy, thay vì chỉ đặt mục tiêu giảm phần trăm, chúng ta nên đặt các mốc cụ thể.

“Mức hiện tại của Việt Nam là 48 µg/m³, vậy đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 giảm 20%, còn 38 µg/m³; Giai đoạn 2030-2035 giảm tiếp 20%, còn khoảng 30 µg/m³. Đến 2035 hoặc sau đó đạt mục tiêu lý tưởng là 25 µg/m³, ngang bằng quy chuẩn hiện hành”, ông Đỗ Đức Duy dẫn chứng.

Tất nhiên, trên thực tế, có thể chưa đạt được ngay quy chuẩn quốc gia hiện hành, nhưng nếu xác lập được lộ trình tiến tới ngưỡng này, hoặc thậm chí tiếp cận ngưỡng nghiêm ngặt hơn như của Trung Quốc (hiện là 35 µg/m³), đó cũng đã là thành công lớn.

Cần xác định rõ và hành động cụ thể với từng nhóm nguồn phát thải

Để giảm nồng độ bụi mịn từ 10-20%, Bộ trưởng đánh giá, điều tiên quyết là xác định rõ và hành động cụ thể với từng nhóm nguồn phát thải. Việt Nam hiện đã có dữ liệu tương đối đầy đủ về tỉ trọng phát thải từ các lĩnh vực: giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp… Điều quan trọng là cần phân loại, khoanh vùng rõ ràng để xây dựng giải pháp phù hợp.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Trong nông nghiệp, việc xử lý phụ phẩm nếu được thực hiện tốt bằng cách đưa vào chuỗi tuần hoàn hoặc sản xuất năng lượng có thể loại bỏ hầu như hoàn toàn phát thải mà không ảnh hưởng đến sản xuất. Đây là lĩnh vực giàu tiềm năng, cần được đầu tư đúng mức.

Giao thông, một nguồn phát thải lớn, Bộ trưởng đề nghị cũng cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng. Ví dụ, nếu mục tiêu là đến năm 2035 loại bỏ xe máy chạy xăng, thì ngay từ năm 2030 phải dừng đăng ký mới loại xe này. Việc này cho phép 5 năm tiếp theo là giai đoạn chuyển tiếp, thay thế dần xe máy xăng.

Tương tự với ô tô, xe buýt cũng cần chuyển đổi. Mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt sử dụng điện, khí nén thiên nhiên (CNG) hoặc nhiên liệu sinh học là hợp lý và cần quyết liệt thực hiện.

Bên cạnh cắt giảm phát thải, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, nền tảng không thể thiếu là đầu tư vào hệ thống quan trắc chất lượng không khí. Đây là điều kiện tiên quyết để hoạch định chính sách, giám sát hiệu quả và đánh giá kết quả.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi có nguồn thu từ đất đai tương đối lớn hoàn toàn có đủ điều kiện tài chính để đầu tư đồng bộ hệ thống quan trắc. Bình Dương cũng là địa phương có tiềm lực. Chỉ cần quyết tâm chính trị và giao nhiệm vụ cụ thể, hệ thống quan trắc hiện đại hoàn toàn có thể được triển khai trong 5 năm.

Chi phí đầu tư cho hệ thống này không lớn nếu so với đầu tư hạ tầng khác. Một km đường cao tốc hiện nay tiêu tốn khoảng 200-250 tỷ đồng. Với mức kinh phí tương đương vài km đường cao tốc, có thể đầu tư hoàn chỉnh hệ thống quan trắc không khí cho cả một thành phố lớn.

“Vấn đề mấu chốt là cách tiếp cận. Nếu tiếp tục làm theo kiểu chắp vá, “hôm qua một chút, hôm nay thêm chút nữa”, thì không bao giờ có hệ thống hoàn chỉnh. Cần một kế hoạch tổng thể, đồng bộ và quyết liệt, đúng như tinh thần “đã làm là phải làm cho xong, làm có kết quả” mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh”, ông Đỗ Đức Duy nói.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muc-tieu-giam-20-bui-min-can-co-lo-trinh-dai-hon-409366.html