Phá bỏ rào cản giao tiếp cho người khiếm thính
'Chúng tôi không có ý định thay thế ngôn ngữ ký hiệu, mà chỉ mong muốn góp phần nhỏ bé giúp xóa bỏ những rào cản vô hình, để người khiếm thính có thêm cơ hội giao tiếp, được thấu cảm và tự tin hòa nhập như bất kỳ ai', thầy Trương Duy Việt - Giám đốc Trung tâm Đánh giá kỹ năng và Ứng dụng công nghệ, Trường Cao đẳng Đà Lạt, chia sẻ.

Thầy Trương Duy Việt (bìa trái) giúp học sinh khiếm thính làm quen với mô hình ứng dụng AI chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành giọng nói
Một lần ghé quán cà phê “Lặng”, nơi tất cả nhân viên đều là người khiếm thính, thầy Trương Duy Việt bối rối khi không thể gọi món hay bắt chuyện. Sự bỡ ngỡ ban đầu ấy đã khiến thầy nhận ra những khó khăn mà họ phải đối mặt trong việc kết nối với thế giới xung quanh. Khoảng cách tưởng chừng rất nhỏ ấy lại là rào cản lớn với người khiếm thính trong đời sống hàng ngày. “Các bạn ấy có năng lực, có khát vọng vươn lên. Nhưng hạn chế trong giao tiếp khiến họ đánh mất nhiều cơ hội”, thầy Việt chia sẻ.
Từ trăn trở đó, cuối năm 2022, thầy Việt cùng cộng sự bắt đầu phát triển một phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành giọng nói. Đối tượng dự án hướng đến là học sinh khiếm thính của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh. Mục tiêu không chỉ là hỗ trợ giao tiếp mà còn mở ra cánh cửa linh hoạt và bình đẳng hơn cho người khiếm thính.
Tuy nhiên, việc nhận diện ngôn ngữ ký hiệu là một thách thức lớn. Khác với các thuật toán nhận diện chữ viết, dịch ngôn ngữ, hay chuyển văn bản thành tiếng nói, hiện tại chưa có nhiều thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo chuyên biệt cho việc xử lý ngôn ngữ ký hiệu. Ngoài ra, để thuật toán thật sự hữu ích, việc chuyển đổi phải thực hiện theo thời gian thực, độ trễ thấp. “Vì vậy, chúng tôi đã thử nhiều thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo, điều chỉnh từng chi tiết nhỏ để đạt độ chính xác cao. Việc xử lý trực tiếp tín hiệu video theo thời gian thực là một thách thức lớn, yêu cầu hàng triệu phép tính phải được hoàn thành trong mỗi miligiây”, thầy Việt nói.
Trong quá trình phát triển, nhóm không chỉ miệt mài với thuật toán, mà còn quan sát, lắng nghe và hòa mình vào thế giới của người khiếm thính. “Chỉ khi thực sự thấu hiểu, ranh giới giao tiếp mới được xóa nhòa. Khi đó, chúng ta mới chạm đến điều họ cần và mơ ước”, thầy chia sẻ.
Dù vấp phải nhiều nghi ngại ban đầu, nhóm vẫn kiên định theo đuổi dự án nhờ ý nghĩa nhân văn và tính ứng dụng thiết thực. Với sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, cùng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, phần mềm dần hoàn thiện.
Sau hơn một năm nghiên cứu, nhóm đã ra mắt phiên bản đầu tiên. Ứng dụng sử dụng camera điện thoại để nhận diện cử chỉ tay, chuyển động cơ thể, biểu cảm khuôn mặt và chuyển đổi thành giọng nói. Hiện phần mềm có thể nhận diện hơn 450 từ, phản hồi trong 1 - 2 giây, với độ chính xác 95 - 96%. Các giáo viên và học sinh tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đã bắt đầu thử nghiệm và ghi nhận kết quả tích cực.
Theo thầy Việt, sắp tới, nhóm đặt mục tiêu mở rộng vốn từ lên 2.000 đơn vị và xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn chuyên biệt cho người khiếm thính. Phiên bản nâng cấp sẽ hỗ trợ nhiều người dùng cùng lúc, đáp ứng nhu cầu giao tiếp ở các không gian cộng đồng như bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính… Giai đoạn hai của dự án sẽ tập trung phát triển tính năng giúp phụ huynh can thiệp sớm, giáo dục ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính ngay từ những năm đầu đời. “Giáo dục ngôn ngữ sớm là yếu tố then chốt giúp trẻ hòa nhập và phát triển. Chúng tôi muốn phần mềm trở thành cầu nối để cha mẹ hiểu và đồng hành cùng con”, thầy Việt nói.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, dự án cần sự chung tay từ cộng đồng, từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong công tác tài trợ, xã hội hóa, đến việc đào tạo kỹ sư công nghệ tại chỗ, đảm bảo tính tự chủ và thương mại hóa lâu dài.
Phần mềm chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu sang giọng nói là một nỗ lực tiên phong ứng dụng AI vào hỗ trợ người khuyết tật. Với định hướng phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, dự án không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người khiếm thính mà còn truyền cảm hứng cho một môi trường học tập, làm việc hòa nhập, nơi công nghệ trở thành phương tiện để con người xích lại gần nhau hơn, bằng sự thấu hiểu và tôn trọng những khác biệt.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/pha-bo-rao-can-giao-tiep-cho-nguoi-khiem-thinh-381228.html