Mục tiêu kép

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo có kế hoạch mua các máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon của châu Âu trong một động thái được cho là mang mục tiêu kép.

Theo hãng thông tấn Anadolu, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Gular cho biết, Ankara muốn mua 40 máy bay Eurofighter Typhoon. Trang tin 19FortyFive đánh giá, tuy không phải là máy bay tiêm kích tàng hình nhưng Eurofighter Typhoon là “một trong những máy bay tiêm kích tốt nhất trên trái đất”. Eurofighter Typhoon được quảng bá là máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng “cung cấp đồng thời các năng lực không đối không và không đối đất”, có thể mang bom dẫn đường bằng laser Paveway IV cùng nhiều loại tên lửa như Meteor, AMRAAM, ASRAAM, IRIS-T, Storm Shadow, Brimstone...

Tạp chí Forbes cho biết, Eurofighter Typhoon do các nước châu Âu gồm Anh, Tây Ban Nha, Đức cùng Italy hợp tác phát triển và việc xuất khẩu cần có sự đồng thuận của 4 nước này. "Chúng tôi muốn mua Eurofighter Typhoon. Đây là loại máy bay rất hiệu quả", Bộ trưởng Gular phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ mới đây.

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo ở Berlin, tháng 11-2023. Ảnh: AP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo ở Berlin, tháng 11-2023. Ảnh: AP

Trang mạng The Drive nhấn mạnh, trong khi quan điểm của Italy không được đề cập cụ thể, Đức được cho là đang phản đối thương vụ nói trên. Chính Bộ trưởng Gular cũng khẳng định cả Anh lẫn Pháp đều đã đồng ý và hai nước này đang tìm cách thuyết phục Đức. "Phía Anh và Pháp nói rằng sẽ thu xếp mọi việc", Anadolu dẫn lời Bộ trưởng Gular.

Trang mạng The Drive cho rằng, cùng với chính sách siết chặt xuất khẩu vũ khí, "bầu không khí chính trị hiện tại" tạo thêm lý do để Đức có thể không chấp thuận bán Eurofighter Typhoon cho Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất từng vấp phải sự phản đối của nhiều đồng minh trong NATO, trong đó có Đức. Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cũng bất đồng quan điểm về chiến dịch quân sự của Ankara tại Syria hay xung đột Israel-Hamas. Một lý do khác là việc Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO.

Theo trang mạng The Drive, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua máy bay Eurofighter Typhoon nhằm lấp đầy khoảng trống trong bối cảnh nhiều máy bay tiêm kích của không quân nước này đang trở nên "già cỗi", máy bay tiêm kích nội địa thế hệ thứ 5 KAAN theo dự kiến sớm nhất cũng phải tới năm 2030 mới bắt đầu được bàn giao và thương vụ mua các máy bay F-16 mới đang bị "kẹt" tại Quốc hội Mỹ. "Thổ Nhĩ Kỳ gặp vấn đề tạm thời với sức mạnh không quân cho đến khi máy bay tiêm kích nội địa KAAN được đưa vào biên chế. Vì vậy, máy bay Eurofighter Typhoon có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ yên tâm phần nào", chuyên gia Can Kasapoglu thuộc viện nghiên cứu Edam có trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định với trang mạng Breaking Defense.

Máy bay Eurofighter Typhoon của không quân Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Máy bay Eurofighter Typhoon của không quân Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Trang The Drive nêu rõ, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự quan tâm với máy bay Eurofighter Typhoon còn nhằm "gia tăng sức ép" với Mỹ liên quan tới thương vụ F-16. Cùng chung quan điểm, trang Breaking Defense dẫn lời chuyên gia Ali Bakir thuộc Hội đồng Đại Tây Dương-một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ)-cho rằng, tùy thuộc vào kết quả, các cuộc đàm phán mua máy bay Eurofighter Typhoon có thể đóng vai trò "hoặc là đòn bẩy chiến lược hoặc là bổ sung" cho các cuộc đàm phán với Mỹ về thương vụ F-16.

Cũng theo chuyên gia này, trong trường hợp không thể mua máy bay Eurofighter Typhoon do sự phản đối của Đức, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải tìm các phương án thay thế khác. "Việc mua hệ thống S-400 của Nga là minh chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tìm kiếm các lựa chọn khác ngoài phương Tây khi mà các đồng minh phương Tây ngăn Ankara tiếp cận những sản phẩm quốc phòng được xem là quan trọng đối với chiến lược quốc phòng của nước này. Nếu Đức ngăn cản thương vụ Eurofighter Typhoon, điều đó sẽ càng củng cố lý do để Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm các phương án thay thế", chuyên gia Bakir nhấn mạnh.

Trả lời báo chí sau chuyến thăm Đức mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Olaf Scholz tại thủ đô Berlin, nhà lãnh đạo Đức "không hề đả động" tới chuyện đồng ý hay phản đối bán máy bay Eurofighter Typhoon cho Ankara. "Chúng tôi đã nêu quan điểm rõ ràng. Nếu họ đồng ý thì bán cho chúng tôi. Nếu họ không bán thì chúng tôi cũng không thiếu cửa để mua. Chúng tôi còn có nhiều cửa là đằng khác", Anadolu dẫn lời Tổng thống Erdogan.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/muc-tieu-kep-753205