Mục tiêu không thể sao nhãng
Trong lúc cả thế giới lo đối phó dịch Covid-19, thì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng vô cùng khốc liệt. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Guterres kêu gọi các nước không vì những khó khăn trước mắt mà sao nhãng với cuộc chiến cứu 'hành tinh xanh'. Chống biến đổi khí hậu cần được tách bạch và không ngừng nỗ lực.
Bình luận quốc tế
Năm ngoái là năm nóng thứ hai được ghi nhận và 10 năm qua cũng là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử loài người. Con người vừa trải qua tháng ấm nhất khi thời tiết trong mùa đông ấm bất thường tại nhiều nơi trên thế giới. Một trong những nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan là khói bụi và các chất gây ô nhiễm từ các đám cháy rừng tại Australia khiến lượng khí thải CO2 tăng đột biến. Ðiều này dẫn tới nguy cơ các khu vực ven biển và nhiều quần đảo đối mặt khả năng lũ lụt cao hơn, thậm chí các khu vực trũng thấp có khả năng bị nhấn chìm. Trái đất sẽ tiếp tục ấm lên nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng. Các nhà khoa học cảnh báo, số người trên toàn cầu phải hứng chịu thời tiết nóng ẩm cực đoan vào cuối thế kỷ này sẽ cao gấp bốn lần so hiện nay, nếu không cắt giảm lượng khí thải, từ đó gây thiệt hại lớn về kinh tế và làm tăng các chi phí y tế. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn nửa tỷ người nhiều khả năng sẽ bị căng thẳng trên mức an toàn do nhiệt độ cao vào năm 2100 nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Việc giới hạn mức tăng nhiệt độ xuống 1,5 độ C là một trong những mục tiêu tham vọng của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Nhiệt độ thế giới hiện đã tăng 1,2 độ C. Nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, gần 800 triệu người sẽ hứng chịu rủi ro và nếu tăng thêm 3 độ C, cũng là mức tăng thế giới đang trên đà tiến tới, thì sẽ có 1,2 tỷ người chịu tác động. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 tạm thời làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Theo người đứng đầu Dự án carbon toàn cầu (Global Carbon Project) - một mạng lưới các nhà khoa học chuyên cung cấp dữ liệu phát thải chuẩn, ông R.Jackson, lượng khí thải CO2 trong năm nay có thể giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai bởi dịch bệnh khiến nền kinh tế thế giới bị đình trệ nghiêm trọng. Ước tính, lượng phát thải CO2 có thể giảm hơn 5% so với năm trước, lần giảm đầu tiên kể từ mức giảm 1,4% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Dù vậy, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, nếu không có sự thay đổi về cơ cấu, sự suy giảm lượng khí thải CO2 sẽ không được duy trì lâu dài và sẽ không thể làm giảm lượng khí này vốn tích tụ trong bầu khí quyển trong nhiều thập kỷ qua. Dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu có thể tạm thời làm giảm lượng khí thải nhưng sẽ không thể khiến tình trạng ô nhiễm kết thúc mà thậm chí còn khiến các nước rất dễ sao nhãng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trước tính cấp bách của cuộc chiến này, Tổng Thư ký LHQ A.Guterres cho rằng, thế giới không nên đánh giá quá cao tình trạng khí thải giảm trong một vài tháng vừa qua. Ðiều quan trọng là, bên cạnh việc cần phải tập trung chống dịch Covid-19, mọi người không nên lơ là, mất cảnh giác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ðây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua và sẽ song hành với con người trong nhiều thập kỷ, đòi hỏi cộng đồng cần có những hành động mang tính liên tục. Ông cảnh báo, tình trạng nóng lên của trái đất vẫn đang tăng và kêu gọi các nước cần tiếp tục có những hành động khẩn cấp. Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) P.Vi-đan cũng cho rằng, nếu không hành động tức thời, thách thức giải quyết khủng hoảng khí hậu sẽ ngày càng lớn hơn.
Các chuyên gia, các quan chức LHQ đều đưa ra những khuyến cáo rằng, thế giới không nên quên biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai. Trong bối cảnh Hội nghị cấp cao lần thứ 26 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Vương quốc Anh) mới đây thông báo sẽ bị hoãn do đại dịch Covid-19, các nước được hy vọng sẽ không xa rời các cam kết nhằm thực hiện mục tiêu giảm lượng khí phát thải. Chỉ có kiên quyết thực hiện một mục tiêu như vậy, thế giới mới không lo ngại phải chứng kiến "bước lùi" trong nỗ lực bảo vệ môi trường, nhất là ở thời điểm đầy khó khăn hiện nay.