Mục tiêu kiểm soát lạm phát là khả thi nhưng cần thận trọng

Lạm phát đã trở thành vấn đề, tạo áp lực ngày càng lớn đối với mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, Chính phủ cần chủ động theo dõi, phân tích để khống chế đà tăng giá.

Một góc của Siêu thị Big C Thăng Long - Hà Nội. ẢNh: Vũ Sinh

Một góc của Siêu thị Big C Thăng Long - Hà Nội. ẢNh: Vũ Sinh

Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, mức lạm phát 4,08% phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay từ 4 - 4,5%. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện một số thách thức không nhỏ; trong đó, tình hình giá tiêu dùng (CPI) vẫn đang trong xu thế gia tăng khá mạnh, đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, nâng cao hiệu quả điều hành để khống chế đà tăng giá, giữ lạm phát trong mức cho phép cũng như góp phần ổn định an sinh xã hội.

Tổng cục Thống kê

chỉ ra, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước và đã xuất hiện xu hướng tăng qua từng tháng. Đây là mức khá cao và có ý nghĩa cảnh báo sớm đối với việc chủ động kiểm soát tình hình, nhận diện các yếu tố, vấn đề có thể đẩy lạm phát tiếp tục tăng cao trong những thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, mức tăng bình quân nói trên đã cao hơn mức cận dưới của mục tiêu kiểm soát lạm phát là từ 4 - 4,5% của năm 2024.

Trong khi đó, thực tế cũng bộc lộ một số yếu tố đầu vào có thể tác động, kích đẩy CPI tăng lên. Đó là, biến động về nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu; nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa hè; việc đi lại vận chuyển hành khách gia tăng trong bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu khó đoán định hoặc vẫn tăng; nhất là giá lợn hơi đã lên mức đỉnh của 2 năm gần đây.

Thêm vào đó, dự kiến việc điều chỉnh giá điện, giáo dục, y tế và thực hiện chính sách cải cách tiền lương kết hợp với tình hình phức tạp về diễn biến giá cả trên thế giới sẽ tạo ra ảnh hưởng bất lợi, hình thành nguyên nhân đẩy lạm phát tăng lên.

Cửa hàng Win hiện đại với đa dạng chủng loại hàng hóa được trưng bày dựa trên cơ sở dữ liệu lớn. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Cửa hàng Win hiện đại với đa dạng chủng loại hàng hóa được trưng bày dựa trên cơ sở dữ liệu lớn. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm, Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ xem xét và quyết định thời điểm, mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý một cách đồng bộ, thống nhất sao cho phù hợp với thị trường mà vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, không nên điều chỉnh nhiều loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý cùng một thời điểm. Tránh điều chỉnh giá cùng với thời điểm tăng lương 1/7/2024, dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa khác tăng theo.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý không nên dồn vào các tháng cuối năm là những tháng có nhu cầu tiêu dùng cao vì nếu CPI liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng rất lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm sau.

Cùng với đó, không nên điều chỉnh giá điện sinh hoạt khi thời tiết nắng nóng, làm gia tăng chi phí cho người dân, đồng thời cân nhắc mức điều chỉnh giá hợp lý, không nên tăng quá cao trong một thời điểm.

Bên cạnh việc chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến của các xung đột, căng thẳng địa chính trị để kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ ở trong nước, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá; đồng thời, cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ cần phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Lạm phát 6 tháng đầu năm cũng đang theo xu hướng của kịch bản giá Tổng cục Thống kê đã xây dựng từ đầu năm. “Như vậy, để đạt mức mục tiêu 4,5% của cả năm 2024 thì dư địa cho bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9% so với cùng kỳ năm trước…”, và Nguyễn Thu Oanh cho hay.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/muc-tieu-kiem-soat-lam-phat-la-kha-thi-nhung-can-than-trong/340142.html