Mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân tham gia giao thông
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước...
Tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, Luật Giao thông đường bộ nhiều bất cập
Sáng 10/11, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật TTATGT đường bộ. Tờ trình do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày cho biết, về cơ sở chính trị, pháp lý, đó là Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới; Nghị quyết số 89 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó dự án Luật TTATGT đường bộ sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
"Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền sống; tính mạng con người được pháp luật bảo hộ; mọi người được pháp luật bảo hộ về sức khỏe", Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
Về cơ sở thực tiễn, theo Bộ trưởng, tình hình TTATGT đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông, ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội.
Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu... Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy. Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện.
Thực tiễn sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam.
"Như vậy, việc xây dựng, ban hành Luật TTATGT đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Bố cục dự thảo luật gồm 9 chương, 81 điều.
Đấu giá biển số xe ô tô bước đầu chứng minh hiệu quả, tính khả thi
Qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật TTATGT đường bộ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và khẳng định, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGT đường bộ, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực TTATGT đường bộ, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành luật này là cần thiết phù hợp với chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
UBQPAN cũng thấy rằng, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 7/2023 và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực UBQPAN, hoàn thiện hồ sơ dự án luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này.
Về đấu giá biển số xe ô tô, một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này; do đó, đề nghị sớm được quy định trong dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Một số ý kiến khác đề nghị phải thực hiện đủ thời gian thí điểm để có đầy đủ cơ sở đánh giá, tổng kết và báo cáo, đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật tại kỳ họp đầu năm 2026.
"UBQPAN cơ bản nhất trí với dự thảo luật; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho phù hợp. Đối với ý kiến về luật hóa nội dung đấu giá biển số xe ô tô, đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 73 ngày 15/11/2022 của Quốc hội để các vị đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định" - Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nêu rõ.