Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%
Chiều 5-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược'. Tại tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước sẽ đánh giá đa chiều về những cơ hội và thách thức, những kết quả nổi bật của nền kinh tế.
Thông tin tại tọa đàm cho biết, nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng tốc trên đà phục hồi và phát triển, nhất là trong năm 2023 này theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước (GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%). Nhiều định chế, tổ chức quốc tế uy tín nhận định: "Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới".
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. “Trong bối cảnh khó khăn, tăng trưởng GDP quý III năm 2023 đạt 5,33% không phải quá cao, nhưng rất tích cực trong thời điểm này. Đáng chú ý, kết quả này được tăng trên nền tăng trưởng GDP quý III-2022 rất cao. Điều này cho thấy, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhìn vào những con số chi tiết kết quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được thì còn rất nhiều điểm tích cực khác. Để đạt được kết quả phát triển kinh tế như vậy là nhờ những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đóng góp lớn để giảm bớt khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Đơn cử như nỗ lực của Chính phủ trong việc hạ lãi suất mang lại kết quả rất lớn.
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt là 5%; 5,5%; 6% để có những giải pháp điều hành phù hợp.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Theo các đại biểu, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2023 như kịch bản 3. Đây là mục tiêu nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Theo đó, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9 năm 2023 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận. Trong đó điểm nhấn là cách nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam ứng phó với những thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả.
“Năm nay, kể cả tăng trưởng GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực của nền kinh tế. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra là tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6% hoàn toàn có thể đạt được”- ông Shantanu Chakraborty bày tỏ.
Ông Shantanu Chakraborty cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.
Tin, ảnh: VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.