Mục tiêu tăng trưởng xanh là thách thức nhưng cũng là cơ hội
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ, mục tiêu tăng trưởng xanh cửa Việt Nam vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội.
Mục tiêu tăng trưởng xanh là thách thức nhưng cũng là cơ hội
Tại Hội nghị COP26 được tổ chức cách đây 2 năm, 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua một thỏa thuận lịch sử.
Theo đó, các quốc gia, trong đó có Việt Nam khẳng định sẽ việc duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp, đồng thời cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Trong 2 năm qua, Việt Nam đã nhấn mạnh về các lộ trình để thực hiện cam kết, các vấn đề liên quan đến giảm dấu chân carbon, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững…
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột chinh trị ở nhiều nơi, thiên tai, biến đổi khí hậu,... đã khiến việc thực hiện các mục tiêu này dần trở thành một thách thức rất lớn.
Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”, diễn ra vào ngày 16/11, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, đã thể hiện cam kết của Việt Nam hướng tới một quốc gia, một nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, kinh tế thế giới trong giai đoạn sắp tới dự kiến sẽ có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp.
Cụ thể, trong nước, thực trạng tăng trưởng kinh tế đang phải đối mặt với các thách thức. Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn đối mặt với thách thức liên quan tới việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.
“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường như vậy, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, chuyển đổi việc thực hiện các mục tiêu phát trển vững trong thời gian tới.
Theo đó, cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cùng đó, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Các giải pháp cũng cần tập trung vào việc tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.
Một số mô hình phát triển kinh tế bền vững của doanh nghiệp
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, là một nước đang phát triển, còn rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.
Do đó, để thực hiện các mục tiêu trong phát triển bền vững, Việt Nam cần bước đi, lộ trình phù hợp và cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước phát triển, các đối tác về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, công nghệ, quản trị.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần có một cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức cao về trách nhiệm và tích cực hành động, cho dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn về tài lực, nhân lực.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những hành động cụ thể trong việc phát triển mô hình kinh tế bền vững.
Đơn cử như AEON Việt Nam đã triển khai dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần" trên toàn hệ thống và đã đạt được những thành công đáng kể. Đặc biệt, hiện tại 100% túi mua sắm của AEON Việt Nam đều là túi phân hủy sinh học.
AEON Việt Nam cũng đã ngừng phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, ly/ tô/ đĩa nhựa,… thay vào đó giới thiệu tới khách hàng các sản phẩm với công năng tương tự nhưng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hơn như giấy, bột gạo, bột bắp, bã mía,…
Tại quầy bánh mì và khu ẩm thực tự chọn, các loại túi phân hủy sinh học cũng đã được thay thế thành túi và ly giấy, tô bã mía,….
Nhiều ý kiến cho rằng, với những giải pháp đề ra, cùng nỗ lực của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, điều này sẽ giúp quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới.