Mục tiêu trở thành trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của Tokyo dần xa tầm với
Trong bảng xếp hạng được công bố vào tháng 3/2023, Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI), do Tập đoàn Z/Yen của Anh thực hiện, xếp Tokyo chỉ đứng ở vị trí thứ 21 trong số các trung tâm tài chính.
Khi bà Yuriko Koike nhậm chức Thống đốc Tokyo vào năm 2016 với khẩu hiệu đưa Tokyo trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á một lần nữa, thành phố này được xếp hạng là trung tâm tài chính số 5 thế giới. Thế nhưng, giờ đây, trong nhiệm kỳ của bà, thủ đô Nhật Bản rơi từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ XXI thậm chí không lọt vào top 20.
Trong bảng xếp hạng được công bố vào tháng 3/2023, Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI), do Tập đoàn Z/Yen của Anh thực hiện, xếp Tokyo ở vị trí thứ 21 trong số các trung tâm tài chính.
Bà Koike thừa nhận: "Đây là tín hiệu đáng thất vọng. Tôi tin rằng đó là một phần dữ liệu nắm bắt một cách khách quan vị thế quốc tế của chúng ta". GFCI được công bố theo định kỳ hai lần một năm, dựa trên các yếu tố thuộc các lĩnh vực như môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực và sự phát triển của khu vực tài chính. Tokyo đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng tháng 9/2022.
Đối với bảng xếp hạng tháng Ba - diễn ra trong thời điểm xảy ra sụp đổ các ngân hàng tại Mỹ và rắc rối tại ngân hàng Credit Suisse ở châu Âu – bà Koike đã kỳ vọng rằng Tokyo có thể giành được vị trí này nhờ vào độ tin cậy và ổn định của hệ sinh thái tài chính. Tuy nhiên, cuối cùng nó lại đi theo hướng ngược lại.
New York dẫn đầu trong chỉ số GFCI hiện tại, tiếp theo là London và Singapore. Tokyo đứng thứ 8 trong số các trung tâm tài chính châu Á-Thái Bình Dương. Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản Takuya Nomura, dự đoán việc tụt hạng mạnh "có thể khiến uy tín của Tokyo với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế bị suy giảm".
Việc biến Tokyo thành một trung tâm tài chính hàng đầu là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của Thống đốc Koike. Năm 2017, bà vạch ra tầm nhìn biến Tokyo thành trung tâm tài chính châu Á. Năm 2019, bà Koike thành lập Tổ chức Thành phố Tài chính Toàn cầu Tokyo, có chủ tịch là cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Hiroshi Nakaso. Thống đốc Tokyo cũng tích cực vận động hành lang ngành tài chính toàn cầu. Tháng 2/2023, bà Koike đến London lần đầu tiên sau khoảng 4 năm, tham gia các cuộc gặp với những nhân vật quan trọng trong ngành tài chính, mời họ đến làm việc ở Tokyo nhằm đa dạng hóa nhân lực trong ngành tài chính để tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Tháng 4/2023, Chính quyền thành phố Tokyo đã thành lập một văn phòng chiến lược để thúc đẩy tầm nhìn về trung tâm tài chính và thu hút các công ty quốc tế đến thủ đô. Tuy nhiên, trong ngân sách ban đầu của tài khóa 2023, chỉ có 4,9 tỷ yen (35 triệu USD) dành cho việc thực hiện các nỗ lực thúc đẩy mục tiêu trở thành trung tâm tài chính lớn. Chuyên gia Nomura đánh giá: "Dựa trên tốc độ và nội dung của các kế hoạch của các thành phố cạnh tranh khác, Tokyo đang ở vị trí không thuận lợi".
Ví dụ, Singapore đang đầu tư 400 triệu đôla Singapore (khoảng 300 triệu USD) cho đến năm 2025 để phát triển các chuyên gia tài chính và các chuyên gia khác. Ngay cả Hong Kong (Trung Quốc), nơi đang vướng vào căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc, cũng đang thực hiện các cách tiếp cận mới như thúc đẩy một loại tiền kỹ thuật số.
Chính phủ Nhật Bản đã hoàn toàn thống nhất với Tokyo trong mục tiêu hiện thực hóa một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Thế nhưng, những cam kết sâu sắc hơn mà các thành phố đối thủ đang thể hiện về tốc độ và đầu tư đang đẩy Tokyo ra xa khỏi vị trí dẫn đầu.
Các vấn đề về cấu trúc của Nhật Bản cũng giáng một đòn mạnh. Theo một cuộc khảo sát khu vực tư nhân, Nhật Bản xếp thứ 80 trong số 112 nền kinh tế bên ngoài vùng văn hóa tiếng Anh về khả năng nói tiếng Anh. Bà Koike thừa nhận: "Ngay cả khi mọi người đang làm việc hài hòa, nếu họ chỉ làm bằng ngôn ngữ tiếng Nhật, điều này sẽ không dẫn đến thứ hạng toàn cầu cao hơn". Chuyên Nomura cho rằng mặc dù Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đang thúc đẩy các công ty công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhưng "đó chỉ là một biện pháp để bắt kịp thị trường nước ngoài và nó không đủ xa để mang lại lợi thế tương đối cho Tokyo".
Chính phủ trung ương bị chỉ trích vì tình trạng quan liêu đã cản trở việc ra quyết định kịp thời. Bà Koike nói: "Quyết định chậm là chết". Tokyo đã đi trước chính quyền trung ương với các chính sách như trợ cấp hàng tháng 5.000 yen cho mỗi trẻ em dưới 18 tuổi trong các hộ gia đình và bắt buộc lắp đặt bảng điều khiển năng lượng Mặt Trời cho những ngôi nhà mới.
Bà Koike đã ca ngợi khả năng ra quyết định nhanh chóng của thành phố so với chính quyền trung ương "chậm chạp", nói rằng "bạn không thể hành động kịp thời nếu không làm gì khác ngoài tranh luận". Tuy nhiên, bản thân Tokyo vẫn còn chậm nếu so với tốc độ của các thành phố toàn cầu đối thủ.
Nhật Bản có kế hoạch mở rộng chương trình đầu tư chứng khoán được miễn thuế NISA (một hệ thống ưu đãi miễn thuế dành cho các nhà đầu tư cá nhân tại Nhật Bản) vào năm 2024, nhằm thu hút thêm 2 triệu tỷ yen tài sản tài chính từ các hộ gia đình của nước này.
Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem liệu Tokyo có thể sử dụng cải cách cơ cấu để cải thiện vai trò là một trung tâm tài chính, đồng thời gây áp lực với chính quyền trung ương làm nhiều hơn nữa hay không./.