Mục tiêu xây dựng ngành yến sào trở thành 'đặc sản' của Việt Nam
Cần có định hướng chiến lược để ngành yến sào Việt Nam trở thành một đặc sản quốc gia, đủ sức cạnh tranh và khẳng định vị thế so với các cường quốc về yến sào trong khu vực .
Ngày 12-4, Báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào”. Sự kiện có sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan chức năng, chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành.
Nỗi lo yến thật - yến giả lẫn lộn trên thị trường
Ông Lương Tấn Lợi, Giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam - Trà My Quảng Nam (chuyên kinh doanh các sản phẩm từ sâm, bao gồm yến sâm Ngọc Linh), chia sẻ khi tham gia một hội chợ gần đây, ông nhận thấy tỉnh nào cũng có sản phẩm yến sào.
"Khi cùng một đối tác người Indonesia tham quan gian hàng trưng bày ghi "yến thật", điều này khiến đối tác băn khoăn về sự tồn tại của yến giả trên thị trường Việt Nam. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ngay trong thị trường nội địa" - ông Lợi chia sẻ.

Ông Lương Tấn Lợi,Giám đốc công ty CP sâm Việt Nam -Trà My Quảng Nam. ẢNH: THUẬN VĂN
Thực trạng sản phẩm yến kém chất lượng tràn lan trên thị trường là một vấn nạn. Ví dụ, tại các bệnh viện xuất hiện nhiều sản phẩm yến với tên gọi tương tự, nhái theo các thương hiệu lớn như Yến sào Nha Trang, Yến sào Khánh Hòa... Đây là thách thức đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng hàng giả trà trộn hàng thật.
Ông Lợi chỉ ra: "Tình trạng tương tự cũng xảy ra với sản phẩm yến sâm Ngọc Linh khi trên thị trường có những hũ yến sâm được bán với giá chỉ 35.000-40.000 đồng, chất lượng bên trong không rõ ràng. Chúng tôi lo ngại về tình trạng các cơ sở nuôi yến quy mô gia đình tự chế biến, sấy khô mà không có quy trình kiểm soát chất lượng, dẫn đến giá cả thất thường, làm giảm giá trị của yến sào trong mắt người tiêu dùng."

Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM, chia sẻ về quy định xử lý hàng giả đối với ngành yến sào và cảnh báo người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ mình, tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Yến sào cần trở thành đặc sản của Việt Nam
Bên cạnh khó khăn từ hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp còn đối mặt với những rào cản về thủ tục pháp lý khi muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Tạ Đình Vũ Đàm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Yến Sào Nha Trang, cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin xác nhận vị trí nhà yến từ chính quyền địa phương.

Ông Tạ Đình Vũ Đàm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Yến Sào Nha Trang chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: THUẬN VĂN
Ông Đàm nêu ví dụ nhiều nhà yến ban đầu xây dựng nằm ngoài khu dân cư nhưng theo thời gian, khu vực đó được quy hoạch thành khu dân cư. Theo Luật Chăn nuôi, những nhà yến này không đủ điều kiện cấp phép, dẫn đến việc địa phương không xác nhận.
Ngoài ra, mặc dù Cục Chăn nuôi đã có dự thảo hướng dẫn tạm thời (năm 2023) về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về việc cấp mã số này. Điều này gây khó khăn trong quá trình hoàn thiện thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các quy định về kiểm dịch thực vật đối với nhà yến, kiểm nghiệm giám sát yến thô (hai lần/năm), cùng yêu cầu kiểm nghiệm chỉ tiêu sản phẩm theo từng lô hàng xuất khẩu đang làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Từ khi Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch yến sào sang Trung Quốc được ký kết, nhiều đối tác Trung Quốc đã sang tìm hiểu cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, họ thường đặt câu hỏi vì sao nên chọn yến Việt Nam khi giá yến Indonesia cạnh tranh hơn?
Ông Tạ Đình Vũ Đàm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Yến Sào Nha Trang

Ông Tạ Đình Vũ Đàm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Yến Sào Nha Trang (ngoài cùng bên trái) trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo ông Đàm, hiện nay yến sào Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc qua các kênh trung gian, điều này khiến nhiều sản phẩm đến tay người tiêu dùng quốc tế lại mang thương hiệu của quốc gia khác.
Hiện Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã có hệ thống sản xuất, chế biến yến bài bản, xuất khẩu ổn định sang nhiều thị trường lớn. Giá thành sản xuất ở các nước này cũng có lợi thế hơn, do đó yến sào Việt Nam cần có chiến lược định vị rõ ràng để cạnh tranh.
Ông Đàm bày tỏ mong muốn cần có một chiến lược định hướng rõ ràng để đưa ngành yến sào trở thành đặc sản quốc gia, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Cụ thể là phải thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao uy tín và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu yến sào Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, cần đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU để tránh nguy cơ bị mạo danh.

Yến sào Việt Nam cần được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường trọng điểm
Ngoài ra, phải đẩy mạnh đàm phán với các thị trường lớn như Trung Quốc, EU... để đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý và các giấy chứng nhận cần thiết cho xuất khẩu.
"Trung Quốc là thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất, trong khi Indonesia và Malaysia là những nhà xuất khẩu hàng đầu. Nếu Việt Nam không sớm xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia bài bản cho yến sào, nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh là rất lớn"- ông Đàm nhấn mạnh.