Mức tổn thương về rửa tiền trong bảo hiểm được đánh giá là thấp

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, so với lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, mức độ tổn thương về rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm được đánh giá là ở mức thấp.

Trên thực tế đây vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường tài chính Việt Nam. Năm 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo tiếp tục giữ vững “phong độ” tăng trưởng trên 20%. Xét trong ngắn hạn, khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 chỉ ra có đến 90,5% số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng toàn ngành bảo hiểm trong 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến 31/12/2019, thị trường bảo hiểm có 66 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm - DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 16 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Các DNBH là đối tượng báo cáo theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm chưa tiến hành các cuộc thanh tra độc lập về rửa tiền/tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, trong các năm vừa qua, thực hiện quy định tại Điều 39 Luật PCRT, tùy từng trường hợp cụ thể, Bộ Tài chính đã đưa nội dung thanh tra công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố theo yêu cầu vào đề cương kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp nhưng đến nay chưa phát hiện sai phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Ngoài ra, trong quá trình quản lý, giám sát hoạt động của các DNBH, Bộ Tài chính thường xuyên có các công văn yêu cầu các DNBH tuân thủ quy định về PCRT. Thực tiễn cho thấy, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 18 DNBH nhân thọ, cả 18/18 doanh nghiệp đều đã xây dựng, ban hành quy trình quản lý nội bộ về phòng, chống rửa tiền và thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm quy trình quản lý phòng, chống rửa tiền được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật.

Ngoài quy trình phòng, chống rửa tiền, các DNBH nhân thọ còn ban hành các quy định về nhận biết khách hàng, đánh giá rủi ro khách hàng... trong quy trình khai thác, quy trình thẩm định, phát hành hợp đồng bảo hiểm. Các DNBH nhân thọ cũng đã thành lập các bộ phận riêng và cử cán bộ phụ trách công tác phòng, chống rửa tiền. Hàng năm, phần lớn các doanh nghiệp đều có báo cáo kiểm toán nội bộ về kết quả phòng, chống rửa tiền của doanh nghiệp…

Theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố, những yếu tố góp phần làm giảm tính dễ tổn thương của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ gồm:

Thứ nhất, phần lớn các DNBH nhân thọ không tiến hành thanh toán bảo hiểm cho bên thứ 3, chỉ một số ít DNBH thanh toán cho bên thứ 3 là người thụ hưởng hoặc người thừa kế của hợp đồng bảo hiểm;

Thứ hai, các DNBH nhân thọ đều không tiến hành thanh toán bảo hiểm qua biên giới;

Thứ ba, số lượng khách hàng có quốc tịch nước ngoài hoặc có ảnh hưởng chính trị (trong nước, quốc tế) của các DNBH nhân thọ chiếm tỷ trọng rất thấp;

Thứ tư, phương thức đóng phí của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay đang được sử dụng gồm: Qua đại lý, qua ngân hàng, thu phí trực tiếp, từ đó giảm thiểu việc chiếm dụng phí của đại lý cũng như các rủi ro khác liên quan đến thu phí bảo hiểm bằng tiền mặt.

M.Phương/Báo Tin tức (tổng hợp) (Tin tức/TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/muc-ton-thuong-ve-rua-tien-trong-bao-hiem-duoc-danh-gia-la-thap-20201029180614608.htm