Mùi của bố còn lưu trên gối

Cuộc thi 'Tâm tình hậu phương người chiến sĩ' do Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) tổ chức vừa qua đã thu hút đông đảo người thân của cán bộ, chiến sĩ tham gia. Cuộc thi đã có nhiều câu chuyện, nỗi niềm, tâm sự của những người vợ, người mẹ rất chân thực và xúc động. Chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc câu chuyện của chị Phạm Minh Hằng (giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa), vợ Thiếu tá Nguyễn Trọng Phú, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 3, viết về chồng và các con.

Bao nhiêu năm yêu rồi cưới, tôi và anh cứ như Ngưu Lang - Chức Nữ vậy. Cũng như bao gia đình khác, tổ ấm nhỏ của chúng tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm với bao cung bậc cảm xúc khác nhau. Có một trong rất nhiều kỷ niệm mà tôi nhớ mãi.

Hôm đó, vào dịp kỷ niệm 10 năm Ngày cưới của chúng tôi, sau bao trông ngóng (vì lâu anh chưa về nhà), anh xuất hiện ở sân nhà với bó hoa hồng rất to và nụ cười thật tươi dưới bóng hoàng hôn đang dần buông xuống. Tối hôm ấy, sau bữa cơm đầy ắp tiếng cười, cả nhà quây quần bên chiếc bánh kem cùng ánh nến lung linh. Nhìn các con ríu rít bên bố như những chú chim non, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Khi anh thông báo dịp này được ở nhà đến hết ngày chủ nhật, cả hai con đều vỗ tay reo mừng và đề nghị bố đưa cả nhà sang thăm ông bà và đi chơi ở khu vui chơi gần đó.

Khi hai con đã chìm vào giấc ngủ, trong vòng tay anh, tôi cảm nhận đủ đầy niềm hạnh phúc của hiện tại. Đang ngon giấc, điện thoại của anh reo vang cùng tin báo sáng sớm mai phải có mặt ở đơn vị gấp. Anh nhìn tôi như có lỗi, khẽ bảo: Không biết giải thích với con trẻ như thế nào em nhỉ? Tôi động viên anh cứ yên tâm lên đơn vị theo lệnh, mọi chuyện ở nhà để em lo.

Sáng hôm sau, khi hai con chưa thức giấc, anh đã khoác ba lô lên đường. Tôi tiễn anh mà trong lòng buồn miên man, song bên ngoài vẫn cố tỏ ra bình thường để anh yên tâm... Anh đi rồi, tôi ngồi thẫn thờ ngắm hai cậu con trai còn đang say giấc nồng, rồi lại nhớ đến những câu thơ nhiều lần anh đọc để động viên vợ: Nếu em đã đem lòng yêu người lính/ Giờ tan ca đừng mong người yêu đón/ Ngước sao trời hãy tin đấy là anh/ Nếu em là vợ lính dẫu thời bình/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều...

 Chị Phạm Minh Hằng cùng chồng và các con. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Phạm Minh Hằng cùng chồng và các con. Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi các con dậy, nghe mẹ nói bố đã lên đơn vị, cậu anh xị mặt, còn cậu em thì khóc nức nở. Tôi phải dỗ dành mãi các con mới nín. Sau bữa sáng, tôi dặn hai con chơi với nhau ở nhà để mẹ đi chợ, sau đó 3 mẹ con sẽ sang nhà ông bà. Đi chợ về, tôi đang sơ chế đồ ăn trong bếp thì nghe hai anh em to tiếng trong phòng ngủ. Vội vàng chạy vào phòng, tôi thấy anh em chúng tranh giành chiếc gối trên chiếc giường ngủ. Đứa anh mặt mày căng thẳng, còn đứa em mắt đỏ hoe, lệ tràn mi. Vừa nhìn thấy tôi, đứa anh giọng đầy ấm ức nói:

- Lúc mẹ đi chợ, bọn con chơi trò ú ập. Con bị ngã và ngửi thấy mùi của bố trên chiếc gối ở đầu giường. Con nói với em là chiếc gối này có mùi của bố và con nằm luôn ôm lấy chiếc gối. Em giằng lấy và nói của em, con không đồng ý. Con và em đều muốn ngửi mùi của bố.

Lúc này, cậu em chạy vội lại ôm mẹ rồi cũng nói:

- Mẹ ơi, anh không nhường con. Con bảo anh là cho con ngửi với mà anh không chịu nên con mới giành với anh.

Nói rồi nó lại chạy vội lại chỗ anh định giành tiếp chiếc gối mà cậu anh đang ôm trên tay. Tôi đang sững người thì con trai lớn ôm chiếc gối chạy lại chỗ hộp đồ để đồ khâu vá của mẹ nơi góc phòng, vừa chạy vừa nói: “Được, để anh chia cho em một nửa”.

Sự việc xảy ra rất nhanh, cậu con trai cầm cái kéo xoẹt một nhát làm rách đường dài ngay trên giữa mặt gối. Thế nhưng do vội vàng, nên cái kéo xẹt nhẹ qua bàn tay đang cầm chiếc gối. Tôi vội chạy lại, giằng lấy cái kéo từ tay con và sơ cứu, băng vết thương cho con. Vừa làm tôi vừa phân tích những điều các con đã sai và yêu cầu các con xin lỗi nhau. Cậu em thấy anh như vậy, quên cả việc tranh giành, rối rít xin lỗi anh.

Cũng như đã bao lần, trước mặt các con tôi cố nuốt nước mắt vào trong lòng, không để các con nhìn thấy sự yếu đuối của mẹ. Ngay lúc ấy, nhìn con trai nhỏ quan tâm hỏi han anh có đau không, con trai lớn nhẹ giọng trả lời rằng anh không đau đâu, rồi thủ thỉ bảo em, bây giờ chúng mình cùng dùng chung gối của bố nhé... khiến những giọt nước mắt cố kìm nén của tôi cứ thế rơi.

Chợt có tiếng gọi, tôi vội trấn tĩnh rồi ra mở cửa. Bố mẹ tôi nghĩ con rể về nhà nên đến chơi. Nhìn thấy các cháu đứa bị băng tay, đứa mắt hoen đỏ, bố mẹ nhìn tôi như muốn hỏi có chuyện gì? Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông bà nghe. Bố tôi động viên hai cháu: “Bố các con có nhiệm vụ đột xuất phải quay lại đơn vị. Rồi vài hôm nữa bố các con lại về thôi mà”. Mẹ tôi nói thêm: “Lần tới bố các con về, cả nhà ta sẽ đi chơi công viên nhé, đồng ý không nào!”. Hai anh em nghe ông bà ngoại nói, vui vẻ đồng thanh: “Vâng ạ!”.

Tham gia cuộc thi "Tâm tình hậu phương người chiến sĩ", tôi chỉ muốn chia sẻ cùng anh-người chồng, người bố, quân nhân đã luôn hết mình vì công việc, vì gia đình nhỏ thân yêu: Em và các con luôn tự hào về anh, mong anh cố gắng, luôn yên tâm công tác, cùng đồng chí, đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

PHẠM MINH HẰNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/mui-cua-bo-con-luu-tren-goi-749886