Mùi của đám giỗ, mùi của sum họp
Đến giờ, tôi vẫn không thể quên được cái mùi thơm đặc trưng của đám cúng, đám giỗ ở quê. Thỉnh thoảng đi trong lòng phố thị chiều mưa, tôi nghe được cái mùi thơm chiên, xào từ nhà ai đó bay ra, gợi lên cái ký ức khó phai của tuổi thơ ngày ấy.
LTS: Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.
VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải.
Trân trọng cảm ơn!
Hồi ấy, mỗi lần nhà có giỗ là mỗi lần trẻ con háo hức, mong chờ. Đêm trước của đám giỗ, trẻ con chực chờ lúc vớt bánh tét, bánh ít, bánh cuốn, bánh tẻ... thì đứng xớ rớ gần đấy. Vớt bánh xong, người lớn thể nào cũng cho trẻ cái bánh hư, méo, nếu không cũng lấy đại 1 cái cho trẻ con, để khỏi phải "tội nghiệp thằng nhỏ".
Hôm sau, chính giỗ, trẻ con cứ quanh quẩn xuống bếp, ra trước nhà. Chao ôi, cái mùi xào nướng từ bếp bay ra xộc thẳng vào mũi trẻ con nghe sao mà thơm, mà hấp dẫn, mà thèm thuồng đến lạ.
Đám giỗ nhà mình đã chộn rộn chàng ràng là thế, đám giỗ nhà hàng xóm trẻ con càng hít mũi, ngóng chờ. Quá trưa, thể nào nhà hàng xóm cũng mang qua cho một mâm với đầy đủ món canh, xào, thịt luộc...
Người làng tôi có câu: "Bữa nay có đám giỗ gần, trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm". Té ra thời ấy, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng... ngóng đám giỗ nhà hàng xóm, dù rằng với dân ruộng, "ăn bữa giỗ, lỗ buổi cày".
Nhưng, đám giỗ không chỉ có chuyện... ăn với mùi thơm ngào ngạt của chiên xào.
Rời khu vực bếp, bước lên nhà trên, cả người lớn lẫn trẻ con đều thấy mình khác hẳn. Cái mùi khói nhang bảng lảng hòa quyện với mùi thoang thoảng của chuối chín tạo nên không gian thiêng liêng, ấm cúng. Ta như cảm nhận ông bà tổ tiên đang hiển hiện trong ngôi nhà mình, đang ngự trên ghế cao mà nhìn xuống cháu con tụ tề sum họp nói cười...
Ba tôi hay nói "cúng là phải kính". Vậy nên, trước hôm cúng và cả buổi sáng, khi cả nhà đang lo phần bếp núc, khách khứa... thì ba tôi cứ lúi húi, cặm cụi quanh bàn thờ ông bà, hết lau cái bàn, khơi cái tim đèn đến xê qua dịch lại cái ly, cái tách. Đến chừng hỏi xong chưa con, ông già bèn lấy cái áo dài đen móc chỗ mặt trong cây cột cái xuống lách người đứng nép qua một bên mà dang tay xỏ áo cài nút, trông bệ vệ, thiêng liêng khiến cháu con đang ồn ào trò chuyện cũng phải giảm âm rù rì rủ rỉ rồi im bặt...
Thành ra, trong cái mùi thơm của đám giỗ, đôi khi tôi còn ngửi thấy mùi thiền, mùi của giao hòa âm - dương và mùi sum họp.
Nhưng trên hết, trong ký ức tuổi thơ, mùi của thịt heo mỡ tao lên rồi cho rá đậu ve, su su vào chảo đảo đều, nêm nếm, chờ vừa chín tới rắc tiêu, hành lên... chính là mùi nhớ nhất trong đời.
Bữa nay đi đám giỗ, ăn được món xôi bắp, rất ngon. Mình hỏi xin chủ nhà một ít để “mang về cho vợ”, vì biết nàng rất thích vị này.
Xôi bắp gợi nhớ về thời bao cấp, khi bắp, mì (sắn), khoai lang… là lương thực chính, gạo là thứ để “điểm tô” cho khẩu phần mỗi ngày. Lúc ấy, có miếng nếp thì sẽ được má, chị nấu xôi để “cải thiện”. Nhưng do nếp ít, vậy là cũng phải độn thêm bắp, đậu vào.
Xôi bắp phổ biến là bắp đã hầm, chà vỏ lụa; có thêm tí mỡ hành rưới lên thì thành đặc sản. Nhưng đầu mùa bắp, má mình còn có cách nấu khác, đó là vạt bắp tươi ra để nấu ghế với xôi, độ ngon ngọt dẻo thơm tăng bội phần. Cũng như thế, má có thêm món chè bắp khi cúng rẫy, cúng đất…
Đi học cấp 3, hôm nào được nhà cho 1.000 đồng là như trúng số, 500 đồng mua xôi bắp ăn ngon, no cho hơn một người; 500 đồng còn lại là ly nước mía diệu kỳ khi đạp xe trưa nắng về nhà…
Xôi bắp không chỉ ngon vì… nó ngon mà nó còn gợi một trời thương nhớ.…
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mui-cua-dam-gio-mui-cua-sum-hop-2184818.html