Mụn hạt cơm dễ lây lan, cách nào phòng bệnh hiệu quả?

Mụn cơm, hạt cơm hay hột cơm, mụn cóc... là bệnh ngoài da thường gặp. Bệnh do virus papilloma ở người (HPV) gây ra, dễ lây lan, có trường hợp cả 4 người trong gia đình đều mắc bệnh này. Vậy làm thế nào để phòng tránh hiệu quả mụn hạt cơm?

Gia đình 4 người bị hàng trăm mụn hạt cơm do đi chung dép

Thấy lòng bàn chân xuất hiện mụn cơm, càng ngày to ra và lan rộng nên anh N.V.H. (40 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) đã tự mua thuốc về đắp. Tuy nhiên, các mụn cơm đắp thuốc bị loét, chảy dịch và xuất hiện nhiều mụn mới, thậm chí các thành viên trong gia đình cũng bị mắc phải căn bệnh này.

ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho hay, bệnh nhân đến khám với tâm trạng lo lắng vì cả gia đình 4 người đều xuất hiện đến hàng trăm tổn thương ở chân gây đau đớn khi đi lại.

Theo lời kể của anh H., khoảng 1 năm trước anh thấy ở lòng bàn chân xuất hiện 1- 2 mụn cơm, các mụn này to ra. Sau đó lại thấy mụn lây lan nhiều hơn, anh H. đã tự mua thuốc acid bôi. Sau khi bôi, mụn cơm không khỏi mà xuất hiện tình trạng loét, chảy dịch. Điều đáng nói, mụn cơm xuất hiện nhiều hơn ở cả lòng bàn chân, bàn tay. Không chỉ anh H. mà cả vợ và 2 con của anh cũng bị mụn cơm ở lòng bàn chân, bàn tay.

Khi đến khám, anh H. có đến gần 100 tổn thương hạt cơm lòng bàn tay và lòng bàn chân, là trường hợp bị nặng nhất. Vợ và 2 con của anh các tổn thương nhỏ và ít hơn.

Các bệnh nhân xuất hiện rất nhiều tổn thương hạt cơm lòng bàn chân, bàn tay (Ảnh: BSCC)

Các bệnh nhân xuất hiện rất nhiều tổn thương hạt cơm lòng bàn chân, bàn tay (Ảnh: BSCC)

BS. Thành cho biết, mụn cóc (mụn hạt cơm) còn gọi là bệnh hạt cơm, là bệnh da liễu thường gặp. Bệnh do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây nên trên bề mặt da. Virus này có đến hơn 100 type, mỗi type gây bệnh sẽ liên quan tới một vùng da và một tổ chức riêng biệt.

Bệnh có tính chất lây lan, không những có thể lan rộng trên cùng một cơ thể mà còn có thể lây từ người này sang người khác, lây trực tiếp qua con đường tiếp xúc qua da hoặc các con đường gián tiếp: đi cùng giày, dép, găng tay,…

"Khi mắc bệnh mụn cơm, bệnh sẽ lây bệnh trên chính cơ thể của mình. Ví dụ khi bị hạt cơm ở lòng bàn chân thì có thể bị lây sang bên bàn chân còn lại hoặc lây lan phát triển thêm các nốt mới trên chính bàn chân đó. Mụn hạt cơm thường hay gây bệnh ở chính nửa bàn chân trước, tức là từ đầu các ngón chân đến giữa lòng bàn chân, còn phần phía sau từ giữa lòng bàn chân đến gót chân ít hơn. Mụn hạt cơm cũng có thể lây từ chân sang tay do chúng ta cầm, sờ chạm vào mụn cơm ở chân. Hoặc lây lan do chế độ sinh hoạt trong cùng môi trường sống, làm việc, dùng chung đồ" - chuyên gia da liễu nói.

Điều trị mụn hạt cơm

Theo BS. Thành, với trường hợp của gia đình anh H., bác sĩ đã chỉ định điều trị cùng lúc 4 thành viên trong gia đình bằng công nghệ Laser CO2, công nghệ xịt Nitơ lỏng… Đồng thời, người bệnh được sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng và thực hiện các biện pháp vệ sinh giầy, dép, dụng cụ cầm nắm, tránh tái phát.

Sau khoảng 2 tuần điều trị gần như các tổn thương hạt cơm lòng bàn tay và chân của các bệnh nhân đã sạch hoàn toàn, không xuất hiện thêm các tổn thương mới.

Trên thực tế, để điều trị mụn cơm, mụn cóc có rất nhiều phương pháp điều trị cụ thể như: Dùng sản phẩm bôi làm bong sừng, bong vẩy, làm tổn thương dần bong ra; Dùng máy đốt điện; Dùng công nghệ laser. Trong các phương pháp điều trị mụn hạt cơm, mụn cóc, phương pháp hiệu quả nhất, tiện lợi nhất, tỉ lệ tái phát thấp nhất đó là phương pháp laser.

Bệnh hạt cơm nếu phát hiện sớm điều trị rất đơn giản, hiệu quả và khả năng tái phát rất thấp. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hiểu và làm tốt điều này. Nhiều bệnh nhân tự điều trị bằng các phương pháp dân gian như chà xát lá cây, chữa mẹo (đi đám, đắp tỏi…), đến khi tổn thương lan tràn mới đi khám bác sĩ gây khó khăn cho điều trị.

BS. Thành thăm khám cho một bệnh nhân.

BS. Thành thăm khám cho một bệnh nhân.

Lời khuyên để phòng bệnh mụn hạt cơm

ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành khuyến cáo, nếu trên da bạn có tổn thương nghĩ đến bệnh hạt cơm, cần thực hiện một số lời khuyên sau để phòng bệnh lây nhiễm:

- Luôn giữ cho da của bạn được sạch sẽ bằng cách rửa tay và tắm giặt thường xuyên.

- Không cào cấu hay có tác động ngoại lực lên trên các mụn hạt cơm để tránh tổn thương lây lan.

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh như quần áo, giày dép, tất, khăn tắm, bàn chải đánh răng.

- Giữ chân khô, nếu bàn chân đổ mồ hôi nhiều cần đi tất hút ẩm và giặt sạch tất, phơi khô để loại bỏ virus.

- Tránh đi lại bằng chân trần trên các bề mặt ẩm ướt như nền đất và luôn vệ sinh chân trước khi đi ngủ…

Đặc biệt, khi có các tổn thương nghi ngờ là mụn cóc hay hạt cơm dù ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, người dân nên đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ để được điều trị sớm. Không nên mua các sản phẩm thuốc bôi, thuốc chấm mụn cóc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội tránh xảy ra các biến chứng loét, chảy máu, nhiễm trùng.

Phòng ngừa bệnh mụn cơm

– Không cắn móng tay, mụn cơm thường xuất hiện khi da bị tổn thương. Việc cắn vùng da quanh móng tay có thể tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào da.

– Chăm sóc da cẩn thận để tránh lây virus, không chải, cắt hoặc cạo ở những khu vực có mụn cơm.

– Không dùng chung vật dụng cá nhân vì virus có thể lây truyền từ vật dụng của người bị mụn cơm.

– Không nặn mụn, tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn.

– Tránh đi lại bằng chân trần trên các bề mặt ẩm ướt.

– Giữ chân khô, nếu bàn chân đổ mồ hôi nhiều cần đi tất hút ẩm.

– Tránh làm tổn thương lòng bàn chân, nơi mụn cơm thường phát triển dễ dàng.

– Rửa sạch tay sau khi sờ vào mụn cơm.

Khánh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mun-hat-com-de-lay-lan-cach-nao-phong-benh-hieu-qua-169230912180410185.htm