Mừng lo giai điệu du lịch phố núi

Tôi đã được nghe nhiều người dân Đà Lạt nói rằng, mỗi chiều ngang qua hồ Xuân Hương - 'trái tim' phố núi, thấy mặt hồ xao động bởi những chú thiên nga (thuyền đạp nước - pedalo), là thấu và cảm được 'giai điệu' du lịch xứ này. Sau khoảng thời gian mặt hồ yên ả trong mùa 'cách ly xã hội', dịp lễ 30-4 và 1-5 này, 'trái tim' ấy đã thổn thức, bởi xứ ngàn hoa là điểm đến an toàn và thân thiện.

Vòng xoay khu vực trung tâm Đà Lạt ngày đầu nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay.

Vòng xoay khu vực trung tâm Đà Lạt ngày đầu nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay.

“Không cần hỏi, cũng chẳng cần đi đâu xa, cứ nhìn những chiếc pedalo tung tăng trên mặt hồ Xuân Hương, bạn sẽ biết phố núi hấp dẫn du khách như thế nào!”, người bạn Đà Lạt nói và tôi tin điều đó. Gắn bó với miền đất cao nguyên này hơn một phần tư thế kỷ, tôi cảm được “nốt thăng, nốt trầm” qua từng mùa du lịch ở xứ mộng mơ. Quả thực, hồ Xuân Hương như “thước đo” sự yêu mến của du khách với thương hiệu du lịch Đà Lạt vậy!

Hồ Xuân Hương được hình thành vào năm 1919, nằm trên độ cao 1.478m, là “trái tim” của TP Đà Lạt. Cái tên hồ cũng gợi bao điều thú vị. Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận hồ Xuân Hương là di tích lịch sử - văn hóa. Đây là thắng cảnh đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng được xếp hạng thắng cảnh quốc gia.

Sự trầm lắng thời đỉnh điểm dịch dã đã qua, sau khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, các khu, điểm tham quan du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng đã mở cửa trở lại, phố núi bắt đầu rộn ràng bước chân lữ khách. Với phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, ngàn hoa khoe sắc quanh năm; cùng với việc chưa phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19, nên du khách phần nào đặt niềm tin về một điểm đến an toàn, thân thiện và quyến rũ.

Trên hồ Xuân Hương - Đà Lạt dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay.

Trên hồ Xuân Hương - Đà Lạt dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay.

Từ chiều 30-4, những chiếc pedalo đã tung tăng trên hồ Xuân Hương, xóa tan sự trầm lắng bấy lâu. Từ sự nhộn nhịp trên mặt hồ, tỏa về các ngả đường phố núi, dòng người, dòng xe nối nhau về phía trung tâm Đà Lạt. Sự vắng lặng, thời gian “ngăn cách” đã đủ lâu với nhiều người dân ở thành phố nhỏ lấy du lịch và nông nghiệp làm trọng này. Và, có lẽ đối với du khách cũng thế… Khung cảnh “người lưa thưa chìm dưới sương mù” đã qua, Đà Lạt lại rộn ràng, nhộn nhịp mùa lễ hội. 35 khu, điểm tham quan du lịch đầu tư kinh doanh, 33 điểm du lịch canh nông, cùng hơn 60 điểm tham quan miễn phí đã mở cửa trở lại chào đón du khách. Những cánh diều đã tung bay trên Quảng trường Lâm Viên bên hồ Xuân Hương thơ mộng.

Chị Nguyễn Hoài Thương, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ lý do chọn Đà Lạt là điểm đến dịp 30-4 và 1-5 này, rằng phố núi có khí hậu lý tưởng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện và nơi chưa ghi nhận trường hợp nhiễm dịch Covid-19. “Đi du lịch mùa này nói không ngại thì không đúng. Nhưng mình nghĩ, mọi người đã có ý thức phòng, chống dịch sau đợt giãn cách xã hội vừa qua, nên cũng cảm thấy thoải mái phần nào”, chị Thương nói.

Phố núi trải nắng vàng như mật. Luồng sinh khí mới đã về trên những con phố nhà nghỉ, khách sạn, hàng quán… và niềm vui đã trở lại với nhiều người lao động sau thời gian bị “cắt giảm”. Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã “hồi sinh”. Song, những người kinh doanh du lịch, dịch vụ và cả chính quyền sở tại vừa mừng, vừa lo.

Du khách chụp hình lưu niệm bên hồ Xuân Hương – Đà Lạt.

Du khách chụp hình lưu niệm bên hồ Xuân Hương – Đà Lạt.

“Đà Lạt là thành phố du lịch, ai cũng vui vì được du khách lựa chọn làm điểm đến. Nhưng lo là vì, một số người đang xem nhẹ việc phòng, chống dịch. Du lịch văn minh rất cần ý thức cá nhân và cộng đồng, để có chuyến trải nghiệm nhẹ nhàng, thú vị”, một chủ quán cà phê ở trung tâm Đà Lạt chia sẻ. Đồng quan điểm, anh Nguyễn Dũng, chủ homestay tại phường 3, TP Đà Lạt, cho rằng: “Dù thời gian dài nước ta không xuất hiện ca nhiễm dịch mới, nhưng điều đó không có nghĩa là không còn rủi ro, nên ý thức cá nhân rất quan trọng trong mùa du lịch này”.

Khác với dịp lễ 30-4 và 1-5 những năm trước, do còn quy định về “giãn cách” một phần, nên năm nay, du khách đến với Đà Lạt chủ yếu bằng ô-tô gia đình và xe máy. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc, qua thống kê sơ bộ lượng khách đăng ký lưu trú và nhận định lượng khách lẻ, có khoảng 25 nghìn lượt khách chọn Đà Lạt - Lâm Đồng làm điểm đến trong dịp lễ này. Dù lượng du khách giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tình hình đã có tín hiệu khả quan.

Trên Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay.

Trên Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay.

“Chưa cần đến các điểm du lịch, giờ ra hồ Xuân Hương, Quảng trường Lâm Viên là thấy ngay. Chúng tôi rất vui vì Đà Lạt - Lâm Đồng luôn là điểm đến an toàn, thân thiện được du khách lựa chọn. Mong rằng, du khách sẽ đặt ý thức cao để cùng với địa phương, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ chung tay ngăn chặn dịch”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nói.

Trước khi được nới lỏng giãn cách, ngành du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã có những văn bản gửi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ được phép tổ chức lại hoạt động tham quan, du lịch nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, phát huy phong cách “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành và phục vụ du khách.

Các khu du lịch tại Đà Lạt tổ chức đo thân nhiệt và đề nghị du khách rửa tay sát khuẩn, nhưng nhiều du khách vẫn chủ quan trong phòng dịch.

Các khu du lịch tại Đà Lạt tổ chức đo thân nhiệt và đề nghị du khách rửa tay sát khuẩn, nhưng nhiều du khách vẫn chủ quan trong phòng dịch.

Ghi nhận tại khu vực trung tâm khu Hòa Bình, chợ đêm Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên và nhiều điểm du lịch… hàng nghìn người tập trung vui chơi, ăn uống, mua sắm. Những chiếc loa phóng thanh của lực lượng chức năng liên tục phát những thông tin khuyến cáo về phòng, chống dịch, nhưng dường như không phát huy tác dụng, vì lượng người quá đông.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan nói, Đà Lạt được du khách chọn lựa là điểm đến mùa này, nhưng thành phố vừa mừng, vừa lo là thế. “Chúng tôi liên tục tổ chức các tổ liên ngành để vừa giám sát hoạt động du lịch theo đúng quy định, vừa nhắc nhở du khách chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Thành phố sẽ xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), về hành vi nâng ép giá, bán hàng không niêm yết giá, cò kéo du khách... Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp để Đà Lạt tiếp tục là điểm đến thân thiện và an toàn của mọi người”, bà Loan nói.

Khu vực chợ Đà Lạt tối 30-4 chật cứng du khách.

Khu vực chợ Đà Lạt tối 30-4 chật cứng du khách.

Sáng 1-5, thời tiết tại Đà Lạt khá dễ chịu, nắng vàng trải nhẹ, thuận lợi cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm ngoài trời. Trên các cung đường vào thành phố hoa Đà Lạt, lượng ô-tô gia đình, xe máy tiếp tục nối đuôi đổ về phố núi. Với những người trong ngành du lịch, những cơ sở dịch vụ gắn với du lịch và với chính quyền địa phương, đây thực sự là “nốt thăng” trong giai điệu du lịch phố núi.

“Chúng tôi sẽ cùng hiệp hội du lịch địa phương và sở ngành liên quan, tiến hành xác định lại thị trường khách nội địa và quốc tế, xây dựng “kịch bản” cụ thể sau dịch, để từng bước phục hồi du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho biết.

Du khách đến với Đà Lạt dịp nghỉ lễ này chủ yếu bằng ô-tô gia đình và xe máy.

Du khách đến với Đà Lạt dịp nghỉ lễ này chủ yếu bằng ô-tô gia đình và xe máy.

Năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đón khoảng 7,8 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tăng 9,1% so năm 2019. Song, bốn tháng qua, lượng du khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng mới chỉ hơn 1,37 triệu lượt, giảm gần 43% so cùng kỳ.

Nhiều người ước mong, xã hội không còn giãn cách khi hết dịch, để chiều ngang qua phố, hồ Xuân Hương luôn rộn ràng tiếng thiên nga đạp nước và những cánh diều thỏa sức tung bay trên quảng trường Lâm Viên giữa trung tâm phố núi.

BÀI VÀ ẢNH: MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/du-lich/dien-dan/item/44309102-mung-lo-giai-dieu-du-lich-pho-nui.html