Mừng - lo ở dự án cấp nước tưới vùng hạn từng dính nhiều 'tai tiếng'

Dự án cấp nước tưới vùng hạn ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư gần 73 tỷ đồng nhưng quá trình triển khai lại liên tục bị vỡ ống. Thời điểm này, nước dự án đã về tới vườn của nông dân, phục vụ nhu cầu cấp thiết nước tưới mùa hạn. Nhưng trong sự vui mừng, vẫn còn đó nhiều nỗi lo.

Đài TNVN đã nhiều lần thông tin về dự án cấp nước tưới vùng hạn ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư gần 73 tỷ đồng nhưng quá trình triển khai lại liên tục bị vỡ ống. Một năm qua, Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo quyết liệt, các bên liên quan đã tiến hành sửa chữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Thời điểm này, nước dự án đã về tới vườn của nông dân, phục vụ nhu cầu cấp thiết nước tưới mùa hạn. Nhưng trong sự vui mừng, vẫn còn đó nhiều nỗi lo.

Dự án lấy nước từ hồ Buôn Yông về thôn Tiến Cường với khoảng cách gần 5km để tưới cho khoảng 350 héc ta cây công nghiệp.

Dự án lấy nước từ hồ Buôn Yông về thôn Tiến Cường với khoảng cách gần 5km để tưới cho khoảng 350 héc ta cây công nghiệp.

Giữa nắng oi ả của mùa khô, ông Lê Hùng, ở tổ 4, thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk nhẹ nhàng mở van của trạm cấp nước tưới đặt giữa vườn để tưới đợt thứ 3 cho vườn cà phê. Van xả nước nhà ông là một trong sáu van xả tại trạm cấp nước này. Dòng nước áp lực cao theo ống lắp sẵn, tưới đến từng gốc cà phê, sầu riêng và hồ tiêu khiến ông cười tươi rói. Mấy chục năm canh tác, đây là năm đầu tiên ông nhàn nhã giữa mùa hạn. Những năm trước, thời điểm này, gia đình ông phải chật vật kéo gần 20 cuộn ống (mỗi cuộn dài 50m) ra suối rồi canh nước để bơm tưới cho cây trồng. Hàng trăm hộ trông chờ vào dòng suối cạn, nước không đủ, đôi khi còn dẫn đến cãi vã, xô xát.

Nhưng năm nay, nước về tận vườn, ông Hùng rất phấn khởi: “Trước đây chúng tôi sử dụng nguồn nước suối thì lúc có lúc không, thiếu nước rất vất vả. Nhưng hôm nay đường nước về ổn định. Cũng nhờ nguồn nước cung cấp về cho nhân dân chúng tôi, thấy những cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng tưới được nguồn nước này thì xanh tươi, tốt đẹp. Nhân dân chúng tôi rất là mừng”.

Trạm cấp nước được đặt ngay tại vườn cà phê của người dân. Mỗi trạm có 6 đường ống dẫn nước ra.

Trạm cấp nước được đặt ngay tại vườn cà phê của người dân. Mỗi trạm có 6 đường ống dẫn nước ra.

Cùng với gia đình ông Hùng, hàng trăm hộ dân ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến đang mừng rơn vì nước dự án về tận vườn, nhất là năm nay, mùa khô khốc liệt, nhu cầu nước tưới rất bức thiết. Nhàn nhã lắp hệ thống béc tưới tự động cho từng gốc sầu riêng sắp bước vào thời kỳ kinh doanh, ông Phan Phụ, tổ 1, thôn Tiến Cường, cho biết, trước đây, mỗi một mùa khô là một mùa đau khổ. Bà con trong vùng chỉ có thể gắng gượng để hạn chế cây bị giảm năng suất hoặc không để cây bị chết vì hạn đã là may mắn. Ông Phan Phụ cho biết, bây giờ, vấn đề khó nhất là nước tưới đã được giải quyết, bà con đã có thể tính đến việc đầu tư thâm canh cây trồng để mang lại hiệu quả cao hơn.

“Bây giờ Nhà nước đầu tư nguồn nước này dân ai cũng mừng hết. Rất tiện lợi cho nhân dân, tại vì giờ xài nước như ở nhà thôi, cứ mở khóa là tưới, rất thuận lợi cho bà con. Mà đặc biệt cây sầu riêng trong thời gian làm trái thì cần nguồn nước liên tục, 3 ngày phải tưới 1 lần”, ông Phan Phụ chia sẻ.

Nhìn dòng nước về tận vườn của nông dân, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đại diện chủ đầu tư dự án cấp nước tưới thôn Tiến Cường cũng vui mừng cùng bà con. Nhưng, đằng sau niềm vui, vẫn còn đó nhiều nỗi lo ở dự án này.

Nước về tận vườn, ông Lê Hùng, thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến cười tươi rói giữa mùa hạn

Nước về tận vườn, ông Lê Hùng, thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến cười tươi rói giữa mùa hạn

Ông Côn cho biết, quá trình triển khai dự án dính nhiều “tai tiếng”. Rõ nhất là năm 2020, khi vận hành thử, đường ống chính chỉ dài khoảng 5km nhưng bị vỡ đến 13 lần. Mới đây, vào trung tuần tháng 2/2024, đường ống chính vỡ một lần nữa và các bên liên quan nhanh chóng sửa chữa, khắc phục. Hiện tại, công trình đang tiếp tục quá trình vận hành thử nghiệm để có thể hiệu chỉnh cho đến khi hoạt động ổn định mới có thể bàn giao đưa vào vận hành chính thức.

Theo ông Côn, vẫn chưa thể đảm bảo công trình có tiếp tục xảy ra sự cố hay không: “Chúng tôi đã sửa chữa, gần như cơ bản khắc phục được điểm yếu của công trình, tuy nhiên, có thể còn những điểm cục bộ, và trong lúc vận hành có thể nó sẽ bộc lộ. Vừa rồi một điểm, gọi là co dài khoảng 1,2m thi công chưa đúng với thiết kế. Hệ thống khoảng 6.000m ống chính và hàng chục kilômét đường ống nhánh trong quá trình vận hành, vì là ống nhựa, áp lực cao, đi trong khu canh tác của người dân, có thể có những tác động bất ngờ thì khó lường hết được”.

Đằng sau niềm vui vẫn còn đó nỗi lo vỡ ống. Ảnh: Đoạn ống này bị vỡ trung tuần tháng 2/2024 đã được nhà thầu cùng chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục. Thống kê, đường ống chính dài 5km đã 14 lần bị vỡ.

Đằng sau niềm vui vẫn còn đó nỗi lo vỡ ống. Ảnh: Đoạn ống này bị vỡ trung tuần tháng 2/2024 đã được nhà thầu cùng chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục. Thống kê, đường ống chính dài 5km đã 14 lần bị vỡ.

Dự án cấp nước tưới thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt có tổng mức đầu tư gần 73 tỷ đồng, khởi công cuối năm 2019, kế hoạch hoàn thành vào tháng 10/2020 nhưng bị chậm tiến độ. Dự án được đánh giá có tính cấp thiết và tác dụng lớn đối với vùng thường xuyên khô hạn như xã Quảng Tiến, nhưng quá trình triển khai xảy ra nhiều vấn đề bất ổn. Nhiều thời điểm, nhà thầu thi công và chủ đầu tư dự án không có tiếng nói chung, thậm chí hai bên đều đổ “lỗi” của nhau. Đỉnh điểm lúc đường ống liên tục bị vỡ, nhà thầu cho rằng lỗi thiết kế, chủ đầu tư thì cho rằng lỗi thi công.

Đài TNVN và nhiều cơ quan báo chí đã nhiều lần thông tin về những bất cập trong quá trình triển khai dự án này. Năm 2022, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng đã có kết luận về một số tồn tại, hạn chế ngay từ giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, đấu thầu, đến xây lắp, nghiệm thu, thanh toán dự án. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2023, công trình cơ bản sửa chữa, khắc phục đường ống chính, kịp vận hành để cấp nước mùa hạn năm nay. Hiện nay, có gần 400 hộ dân với khoảng 350 ha cây công nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước của dự án.

Nhưng trong sự vui mừng, vẫn còn đó nỗi lo vỡ ống. Nếu tiếp tục xảy ra sự cố, nông dân bị cắt nước giữa chừng, còn chủ đầu tư và nhà thầu thì lo phải tốn chi phí, thời gian sửa chữa, khắc phục sự cố công trình. Điều này đòi hỏi các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk phải tiếp tục kiểm tra, giám sát, làm rõ sự ổn định, hiệu quả của dự án trước khi bàn giao, đưa vào sử dụng lâu dài.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mung-lo-o-du-an-cap-nuoc-tuoi-vung-han-tung-dinh-nhieu-tai-tieng-post1081199.vov