Mừng và lo cho 3 tuyến cao tốc phía Nam
Các đại biểu mừng vì cao tốc sẽ phá thế độc đạo, kết nối mạnh mẽ các địa phương nhưng lo khó kham được nguồn vốn đối ứng ở các tỉnh nghèo.
Ngày 10-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu.
Về dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay quốc lộ 51 hiện là tuyến độc đạo từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến Vũng Tàu, nay đã quá tải nghiêm trọng, thường xuyên ùn tắc và tai nạn giao thông. “Điều này không chỉ ảnh hương rất lớn đến hai tỉnh trên mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - bà Yến nói.
Theo bà Yến, hiện Vũng Tàu đã tập trung đầu tư các tuyến giao thông kết nối vùng, các tuyến đường ven biển để kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành vào năm 2025. “Tuyến cao tốc này rút ngắn thời gian đi lại từ Biên Hòa đến Bà Rịa, giảm chi phí, thời gian rất lớn cho người dân và doanh nghiệp” - bà Yến nói. Cùng với đó, tuyến cao tốc cũng sẽ mở ra sự kết nối giao thông vận tải đa phương thức, kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành và kết nối, phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép - Thị Vải.
Còn ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) cho hay hiện nay kết nối giao thông giữa Tây Nguyên và Nam Trung bộ chủ yếu qua tuyến quốc lộ 19 (Gia Lai - Bình Định) và quốc lộ 26 (Đắk Lắk - Khánh Hòa). Hai tuyến này đường hẹp, đèo dốc và thường xuyên sạt lở, gây khó khăn cho lưu thông.
Do đó, việc đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ giúp rút ngắn thời gian đi từ Đắk Lắk tới Khánh Hòa còn 1,5 giờ, phát huy kết nối hiệu quả với các trục dọc đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường bộ ven biển đã và đang được đầu tư kết nối.
Cùng với đó, theo ĐB Xuân, tuyến cao tốc này còn giúp lưu thông hàng hóa giữa cảng biển quốc tế, Khu kinh tế tổng hợp Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum của vùng Tây Nguyên và các tỉnh nam Lào, đông bắc Campuchia.
“Khánh Hòa hiện nay đang trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù là cực tăng trưởng trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Do vậy, tuyến cao tốc này sẽ càng giúp Khánh Hòa bứt phá, tạo thêm trợ lực cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ phát triển” - ĐB Xuân nói.
Lo cho tỉnh nghèo khó có nguồn vốn đối ứng
Về tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tỏ ra băn khoăn với nguồn lực đối ứng từ các địa phương. Vì lẽ tuyến cao tốc đi qua các tỉnh nghèo, nguồn vốn đối ứng hạn chế.
“Như Sóc Trăng và Hậu Giang, những tỉnh rất nghèo, thu 4.000 tỉ đồng/năm. Mỗi một năm dự kiến các tỉnh nghèo này phải bỏ ra 300 tỉ đồng để làm vốn đối ứng thì liệu có đảm bảo hay không?” - ĐB Hạ nói và đề nghị phải có phương án sẵn sàng trong trường hợp nguồn lực của địa phương gặp khó khăn.
Đặc biệt ĐB Hạ cũng bày tỏ băn khoăn về cơ chế thu hồi vốn khi sử dụng nguồn đầu tư công để làm các tuyến đường cao tốc trên.
“Tôi chưa hiểu cơ sở pháp lý nào để Nhà nước bỏ ngân sách ra để đầu tư rồi thu phí hoàn vốn đầu tư công. Tiền thuế của nhân dân là để phục vụ cho nhân dân, cuối cùng chúng ta lại thu phí từ nhân dân để hoàn vốn công trình. Như thế là hơi khó hiểu” - ĐB Hạ nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/mung-va-lo-cho-3-tuyen-cao-toc-phia-nam-post684119.html