Mười lăm ngày không chạm đất

Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ ở các nhà giàn ngày đêm canh gác, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; tình đồng chí, đồng nghiệp gắn bó, sẻ chia giữa biển cả mênh mông... là những kỷ niệm khó quên đối với tôi trong chuyến hải trình 15 ngày trên biển khi đến thăm các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Những ngày đầu năm 2024, tôi được cơ quan cử tham gia đoàn công tác đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ các Nhà giàn DK1 và các tàu trực trên khu vực thềm lục địa phía nam, do Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức. Đoàn công tác được tổ chức thành 2 tuyến trên 2 tàu Trường Sa 04 và Trường Sa 16. Tôi đi tàu Trường Sa 16 với hơn 80 người, trong đó có 33 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trong cả nước. Đây là chuyến công tác dài ngày và đặc biệt nhất mà tôi đã được trải nghiệm...

Hải trình đặc biệt

Để hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến đi đòi hỏi sức khỏe phải tốt. Trước khi xuất phát 1 ngày, các thành viên trong đoàn phải thực hiện khâu khám sức khỏe. Khâu kiểm tra y tế này được thực hiện rất kỹ với từng người, nên nhiều người cảm thấy căng thẳng, lo lắng. Bởi nếu không vượt qua được vòng này thì sẽ không có cơ hội mang Tết đến với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, vì đây là chuyến đi đặc biệt trong cuộc đời làm báo của mình. Kết quả là có 2 người đã phải ở lại bờ vì không đảm bảo sức khỏe. Một cán bộ quân y giải thích, chúng tôi phải thực hiện các bước theo quy định. Bởi hành trình rất dài ngày, cách xa bờ, trong điều kiện thời tiết dịp cuối năm rất khó lường. Nếu trong hành trình có thành viên gặp sự cố về sức khỏe thì không thể xử lý được.

Tác giả (giữa) cùng đồng nghiệp ở các báo tham gia đoàn công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: PV

Tác giả (giữa) cùng đồng nghiệp ở các báo tham gia đoàn công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: PV

Đúng 10 giờ sáng ngày 12/1, tàu Trường Sa 16 rời Cảng Hải đoàn 21 tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Mọi người ai cũng háo hức bởi gió yên, biển lặng. Tranh thủ sắp xếp các đồ đạc cá nhân, làm quen với nơi ở mới, ai cũng tranh thủ gọi điện thoại cho cơ quan, gia đình để xử lý những công việc còn lại trước khi mất liên lạc vì không có sóng điện thoại khi ra xa bờ. Gần 1 giờ sau, sự quan tâm của mọi người không còn là những thông tin trên điện thoại, mà thay vào đó là hỏi thăm, bắt chuyện làm quen. Phòng tôi có 5 người, gồm 4 anh em phóng viên các đài, báo ở Bình Định, Quảng Nam, Hậu Giang, Quảng Ngãi và một cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai.

Đoàn công tác của chúng tôi được biên chế là một đơn vị hành quân của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thực hiện nhiệm vụ trên biển. Do đó, mọi người phải chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn, đặc biệt là thông tin, hình ảnh liên quan đến chủ quyền quốc gia và bí mật quân sự. Chúng tôi tác nghiệp như một người lính đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Bữa cơm trưa đầu tiên trên tàu thật rộn ràng. Mỗi bàn được bố trí 6 người, mọi người có mặt đầy đủ. Thức ăn khá phong phú, có nhiều rau xanh. Đây cũng là bữa ăn đông đủ nhất trong suốt 15 ngày trên chuyến hải trình. Vì những ngày sau đó, nhiều người không thể ra khỏi phòng, không ăn được cơm. Nhiều bữa cơm, mọi người phải bám chặt tay vào bàn được gắn cố định với sàn tàu, chia nhau giữ những khay đựng thức ăn để khỏi bị đổ. Nhiều chiếc ghế dựa dài ngồi ăn cơm sau vài ngày đã phải đưa xuống hầm tàu vì bị gãy...

Sau 3 ngày 2 đêm, tàu Trường Sa 16 đã cách bờ gần 300 hải lý. Sáng sớm ngày thứ tư của hành trình, sự háo hức trên tàu đã trở lại khi xa xa phía trước tàu, một vật thể lờ mờ xuất hiện. Đó là điểm đến đầu tiên của chúng tôi - Nhà giàn DK1/21, thuộc cụm Ba Kè, là nhà giàn xa nhất về phía đông trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Tàu chạy thêm gần 1 giờ nữa, nhà giàn đã hiện rõ. Tàu cơ động tìm hướng neo thuận lợi. Thế nhưng, phải mất hơn 1 ngày, việc đưa các thành viên đoàn công tác lên Nhà giàn DK1/21 mới thực hiện được dù chỉ cách 500m. Đầu tiên là đưa hàng hóa, quà Tết bằng ca nô từ tàu qua nhà giàn. Sau đó, bố trí một nửa đội quân báo chí được lên nhà giàn để tác nghiệp. Số còn lại sẽ được bố trí lên các nhà giàn tiếp theo. Tôi được lên Nhà giàn DK1/9, là nhà giàn thứ 2.

Ấm tình đồng nghiệp

Suốt những ngày tiếp cận các nhà giàn, biển động mạnh. Việc đưa lực lượng lên nhà giàn vô cùng vất vả. Chúng tôi lên nhà giàn bằng cách đu dây để cần cẩu kéo lên. Tại mỗi nhà giàn, đoàn công tác chỉ thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ chừng hơn 1 tiếng đồng hồ. Cũng thời gian này, chúng tôi tranh thủ tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi, mong ghi được nhiều hình ảnh, phỏng vấn được nhiều người nhất có thể. Được tác nghiệp ở một nơi đặc biệt, nhưng quá chóng vánh nên tất cả anh em phóng viên đều cảm thấy tiếc. Dẫu vậy, đó cũng là điều may mắn, vì không phải ai cũng có được, cơ hội tác nghiệp ở nơi cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển.

Vì biển động, đoàn công tác thăm, chúc Tết các nhà giàn DK1 phải lên giàn bằng cách đu dây. Ảnh: PV

Vì biển động, đoàn công tác thăm, chúc Tết các nhà giàn DK1 phải lên giàn bằng cách đu dây. Ảnh: PV

Vì điều kiện tác nghiệp rất khó khăn, ai cũng muốn mình thu thập được nhiều tư liệu để phục vụ cho công tác tuyên truyền về biển, đảo, về người lính nhà giàn. Cũng vì thế mà anh em phóng viên trên tàu Trường Sa 16 đã trở thành anh em một nhà. Gần như tất cả các tư liệu về hình ảnh, âm thanh được chia sẻ cho nhau, hỗ trợ cùng nhau để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Nhà báo Phan Trường Sơn, Đài Truyền hình Vĩnh Long chia sẻ, được đặt chân lên các nhà giàn, được chứng kiến và cảm nhận cuộc sống, sinh hoạt của những người lính nhà giàn là một may mắn của các thành viên trong đoàn công tác. Đặc biệt, anh em đồng nghiệp đã thực sự trở thành người một nhà. Mọi người chia sẻ, hỗ trợ nhau mọi thứ, từ việc chia nhau chăm sóc, động viên những bạn không thể tác nghiệp được vì say sóng, đến việc chia sẻ các tư liệu, hình ảnh mà mình có được cho mọi người để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên đối với những người làm báo chúng tôi.

Tác giả (giữa) cùng đồng nghiệp ở các báo tham gia đoàn công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: PV

Tác giả (giữa) cùng đồng nghiệp ở các báo tham gia đoàn công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: PV

Suốt 15 ngày, vượt hơn 1.000 hải lý, đi qua 10 nhà giàn trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, tôi đã có nhiều trải nghiệm với nhiều cung bật cảm xúc. Đó là được vịn tay của mình vào lan can các lối đi từ mặt biển lên nhà giàn; được đu dây giữa biển, được tận mắt thấy những luống rau xanh mướt mà bộ đội trồng giữa biển... Những tình cảm thân thương ấy sẽ mãi là ký ức đẹp, đầy ý nghĩa trong cuộc đời làm báo của mình.

XUÂN THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202406/muoi-lam-ngay-khong-cham-dat-3e50cd1/