Muốn cải cách giáo dục, đừng chỉ chờ thay đổi từ trên xuống
Theo nhà giáo dục Giản Tư Trung, 'sản phẩm' của giáo dục khai phóng là con người tự do với tư duy độc lập; mỗi thầy cô, mỗi người học đều có thể chủ động tự mình tạo nên thay đổi.
Sau tác phẩm Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh được đông đảo độc giả đón nhận, mới đây, tác giả Giản Tư Trung cho ra mắt Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi.
Tác phẩm vừa chia sẻ mô hình giáo dục của tác giả, vừa tổng hợp những kiến thức nền tảng thiết yếu về giáo dục và sư phạm để mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi phụ huynh tham khảo thêm, từ đó có thể tự hình thành nên một phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình.
Chia sẻ với Zing về câu chuyện dạy và học, ông đề cao khả năng “Tự lực Khai phóng” suốt đời, với phương châm sư phạm chủ đạo: “Dạy chính là giúp người khác học”.
Vai trò của người thầy là không thể thay thế
- Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) hay ChatGPT đang tạo nên cơn sốt về khả năng cung cấp thông tin/kiến thức nhanh chóng. Theo ông, liệu đây có phải là một yếu tố khiến chúng ta phải nhìn nhận lại vai trò của người thầy, không chỉ là người truyền tải kiến thức nữa mà còn có những tố chất AI không thể thay thế được?
- Kể cả khi ChatGPT chưa xuất hiện thì vai trò của người thầy cũng đã thay đổi. Hiện nay, với sự xuất hiện của AI và ChatGPT, sứ mệnh của người thầy lại càng thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Ngày xưa, người thầy gần như là chủ thể duy nhất sở hữu tri thức, nên muốn có tri thức thì người học phải đến trường và gặp thầy. Còn bây giờ, nếu nhà trường và những người thầy vẫn chỉ giữ sứ mệnh cũ thì có lẽ không tồn tại được.
Bởi lẽ, ngày nay tri thức có sẵn ở khắp mọi nơi, thậm chí là miễn phí. Thế nên, sứ mệnh của nhà trường, của người thầy hiện nay không chỉ là trao truyền tri thức, mà còn mang một sứ mệnh khác, đó là: Dạy chính là giúp người khác học; Dạy là làm cho sự học được diễn ra. Điều này có nghĩa là giúp người khác học thế nào để họ luôn có khát khao khai phóng bản thân và có khả năng tự lực khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình suốt đời.
Nếu con người không có nhu cầu học, không biết tại sao phải học và học để làm gì thì lượng kiến thức khổng lồ trên mạng cũng không có ý nghĩa gì nhiều với họ. Đó là chưa kể thời nay, học để biết nhiều là điều đáng quý, nhưng điều đáng quý hơn là ta sẽ làm được gì và sẽ sống thế nào với những điều mình biết. Vậy nên,vai trò của người thầy là làm cho sự học được diễn ra, để người học có nhu cầu học, biết cách học và biết học để làm gì.
Giáo dục khai phóng thì không chỉ khai trí mà còn khai tâm. Và chỉ có con người với nhân tính thì mới giúp tạo nên con người, mới giúp người ta học thành người, còn máy móc, máy tính (AI) chỉ là công cụ giúp cho việc dạy và việc học được diễn ra thuận lợi hơn, chứ không thể thay thế vai trò của người thầy được.
Bên cạnh đó, AI có thể giúp cho người ta học để biết nhiều, nhưng thực ra, giáo dục khai phóng thì không chỉ học để biết nhiều, mà quan trọng là học để biết điều, mà biết điều thì không nằm ở chỗ biết nhiều hay biết ít, mà là có “biết mình” hay không.
- Vậy làm sao để từ người thầy thông thường, đang quen với cách dạy thông thường, có thể trở thành người thầy khai phóng?
- Chúng ta muốn có người thầy khai phóng thì bản thân người thầy phải có sự học khai phóng. Chỉ có sự học khai phóng của người thầy mới có thể tạo ra người thầy khai phóng. Chỉ có người thầy khai phóng mới giúp người học có sự khai phóng. Việc quan niệm rằng “dạy là giúp người khác học” cũng mang lại cảm giác thầy trò tôn trọng lẫn nhau hơn, cùng sẻ chia chứ không mang lại cảm giác “bề trên” như ngày xưa.
Ngoài việc phải hiểu về nghề của mình, về vai trò, vị thế nghề của mình khác gì với ngày xưa, người thầy cũng cần hiểu được đặc tính của người học thời nay. Vì mình muốn giúp ai thì cũng phải hiểu người ta muốn gì, cần gì, người ta đang như thế nào. Chúng ta khó có thể giúp một người mà mình lại không hiểu gì về người đó, và khi muốn giúp người khác học thì ta phải lấy sự học của họ làm trọng.
Mặt khác, chúng ta cũng cần hiểu là người thầy trong bối cảnh ngày nay gặp muôn vàn khó khăn và rất nhiều áp lực từ mọi phía, nên chúng ta không nên đòi hỏi nhiều ở người thầy mà lại không thấu hiểu về nỗi niềm và hoàn cảnh của họ.
- Về nhu cầu thay đổi trong giáo dục từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề được quan tâm. Theo ông, đâu là những khó khăn khiến cho nhiều thầy cô vẫn còn e dè, hoặc chưa thể tự mình tạo ra thay đổi?
- Tôi cho rằng, một trong những vấn đề xuất phát từ niềm tin. Điển hình, một trong những điều quan trọng nhất trong giáo dục là tin vào con người. Nhưng làm sao có thể tin vào con người khi chưa thể tin vào bản thân mình? Làm sao có thể tin mình khi cảm thấy bất lực, thất vọng với quá nhiều thứ? Nếu có niềm tin, thì chúng ta sẽ thay đổi được. Mà để có được niềm tin thì cần phải có thêm nhiều nhận thức mới và góc nhìn mới.
Trong những nhận thức mới và góc nhìn mới, tôi xin chia sẻ thêm một số góc nhìn như sau:
Thứ nhất, trở thành người thầy giỏi hay người thầy tốt là điều vô cùng khó, nhưng ai cũng có thể trở thành người thầy giỏi hơn hay người thầy tốt hơn, nếu mình muốn.
Thứ hai, ta không thay đổi được hướng gió, nhưng ta có thể thay đổi được cánh buồm. Bất cứ cuộc đời, nghề nào, trường học nào cũng đứng trước rất nhiều cơn gió, và không ai có thể thay đổi được những cơn gió đó. Nhưng cánh buồm nằm trong tay ta và ta có thể điều chỉnh để con thuyền của ta vẫn có thể đi ngược gió để tới được đích đến của mình.
Một nhận thức nữa là, “Thay đổi đến từ tôi”, chứ không chỉ trông chờ vào ai đó. Nhiều người cho rằng muốn cải cách giáo dục thì phải có sự thay đổi từ trên xuống. Điều này đúng, nhưng không đủ. Vẫn có một cách thay đổi nữa là từ bên trong, tức là thay đổi đến từ “tôi”. Khi nhiều người nghĩ và làm như vậy thì cũng sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi lớn.
Mà một trong những “sản phẩm” quan trọng nhất của giáo dục khai phóng là con người tự do với tư duy độc lập, và mỗi thầy cô, mỗi người học đều có thể chủ động tự mình tạo nên thay đổi mà mình mong muốn. Khi xã hội có sự thay đổi từ trên xuống và từ dưới lên, khi bản thân có sự thay đổi từ trong ra và từ ngoài vào thì niềm tin vào sự thay đổi sẽ còn lớn hơn nữa.
“Ta là sản phẩm của chính mình”
- Mục tiêu của giáo dục khai phóng hoàn toàn tập trung vào con người, vậy theo ông hình dung, con người khai phóng sẽ là con người như thế nào?
Như đã chia sẻ ở trên, “Dạy chính là giúp cho người khác học”. Điều này không chỉ quan trọng với người dạy, mà còn với cả người học. Người học cũng cần phải ý thức được rằng người dạy chỉ giúp mình học thôi chứ không học thay cho mình được, nên người học không thể ỷ lại hoàn toàn vào người dạy.
Trong mô hình giáo dục mà tôi đề xuất, đích đến của giáo dục khai phóng ở đây chính là Tôi. Tôi đào tạo ra Tôi và người khác giúp Tôi tạo ra Tôi. Chữ Tôi nằm ở chính giữa.
Kết quả sự học khai phóng là một con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú. Để đạt được kết quả này người học phải có ít nhất 3 năng lực: năng lực văn hóa (làm người), năng lực công dân (làm dân) và năng lực chuyên môn (làm nghề). Muốn vậy, giáo dục cần giúp người học “Tin vào thực học” và nhất là tin rằng “Ta là sản phẩm của chính mình” và có khả năng “Tự lực khai phóng” suốt đời.
Trong đó, “con người tự do” là một con người có ba đặc tính “nhân tính, quốc tính và cá tính”, một con người “rất nhân loại, rất dân tộc và rất là chính mình”.
- Chữ Tôi này chính là chữ Tôi mà ông đã đề cập ở tựa đề cuốn sách “Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi”?
- Đúng vậy, chữ Tôi trong tựa sách này không phải là tác giả, hay một nhân vật cụ thể, mà là bất cứ ai quan tâm đến việc dạy trò, dạy con, dạy mình.
Từ những nội dung về giáo dục thế giới (tượng trưng cho lý tưởng) đến giáo dục Việt Nam (tượng trưng cho hiện thực), "Tôi" có thể làm gì? Nói cách khác, chính "Tôi" là người kết nối cái lý tưởng và cái hiện thực đó để hình thành hướng đi thực tế của mình trong giáo dục.
Dù đặt tên cuốn sách là “Sư phạm khai phóng”, nhưng bàn về sự dạy thực chất cũng là bàn về sự học, bất cứ sự học nào dẫn đến khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người để trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú, thì đó là sự học khai phóng.
Trong cách hiểu của tôi, cuốn sách này nói về bản chất của vấn đề chứ không phải về khái niệm, thế nên, nếu dịch cụm từ “giáo dục khai phóng” sang tiếng Anh, thì cũng không hẳn là Liberal Education hay Liberal Art Education, mà chính là là Enlightening Education.
- Còn chữ Tôi với vai trò là tác giả, ông hy vọng mình sẽ đem lại điều gì cho độc giả của cuốn sách này?
- Hiện nay, Việt Nam chúng ta có khoảng 100 triệu dân, 25 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1,6 triệu thầy cô giáo. Tương lai của Việt Nam ta sẽ tùy thuộc khá nhiều vào 25 triệu bạn trẻ này, và tương lai của 25 triệu bạn trẻ lại tùy thuộc không ít vào sự học của hơn 1,6 triệu thầy cô giáo. Cho nên tôi nghĩ, tiếp sức cho sự học khai phóng của thầy cô giáo là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Ý tưởng đầu tiên của cuốn sách này đến với tôi từ câu hỏi: Đâu là những kiến thức nền tảng thiết yếu về giáo dục và sư phạm mà một nhà giáo và phụ huynh cần biết để từ đó có thể tự hình thành nên triết lý và phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục?
Hy vọng rằng cuốn sách này của tôi sẽ bổ sung thêm một góc nhìn tham khảo cho những ai trong hành trình đi tìm lời đáp cho câu hỏi rất lớn và rất khó nói trên. Và tôi cũng mong muốn được học hỏi những góc nhìn mới từ các thầy cô khác để tiếp tục phát triển công việc dạy học của mình.