'Muốn chống tham nhũng hiệu quả cần quan tâm lương cán bộ, công chức'
Đại biểu Quốc hội cho rằng, để góp phần thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, cần phải quan tâm xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức.
Phòng, chống tham nhũng có nhiều điểm đột phá
Thảo luận về báo cáo của Chính phủ liên quan công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, ngày 21/11, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Công tác này đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận; tham nhũng từng bước đã được kiềm chế và ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.
Đặc biệt, ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. “Đây là một hành lang pháp lý để đội ngũ cán bộ có cơ sở, niềm tin để vượt lên chính mình và khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ và giải quyết công việc không hiệu quả” – bà Bố Thị Xuân Linh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu cho biết, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, còn tham nhũng vặt và nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân. Thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra, xét xử.
Nữ đại biểu đoàn Bình Thuận nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Lương và phụ cấp là những khoản thu chính và nguồn sống chính của cán bộ công chức, tuy nhiên thực tiễn đã cho thấy rằng, chính sách lương, phụ cấp cũng còn nhiều bất cập.
“Để góp phần công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, phấn đấu để cho họ chủ yếu sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khác trong toàn xã hội” – bà Bố Thị Xuân Linh nói.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cũng đánh giá, với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng công tác quản lý nhà nước phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Đó là trong đấu thầu mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên khoáng sản, về tài chính, ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, về mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất trong ngành y tế, giáo dục.
Nữ đại biểu đề nghị báo cáo đánh giá làm rõ hơn về tình hình tham nhũng, tiêu cực và những tồn tại, hạn chế cũng như những nguyên nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó có hạn chế trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa, để từ đó có giải pháp phòng, chống hiệu quả trong thời gian tới.
Biện pháp phòng ngừa còn hạn chế
Giải trình tại phiên làm viêc, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng, ngừa không thể tham nhũng.
Đồng thời, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Quy định 13 và Quy định 132 của Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như ý kiến tham gia của một số đại biểu Quốc hội.
Tổng Thanh tra cho biết, thời gian qua Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực.
“Qua mỗi năm đều đạt kết quả tích cực, có sự tiến triển năm sau tốt hơn năm trước, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu hành vi tham nhũng, tiêu cực” – ông Đoàn Hồng Phong nói.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế, tồn tại. Do đó, sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong việc công khai, minh bạch, kịp thời sửa đổi, bổ sung định mức tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, kiểm soát tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, liêm chính trong thực thi công vụ.