Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng phải tập trung vào động lực trong nước
Bàn về giải pháp đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, cần tập trung vào thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong nước. Trong đó, nguồn lực đầu tư trong dài hạn phải đến từ khu vực tư nhân.
Vị chuyên gia này cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay sẽ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ cũng thiết lập những quy tắc, luật chơi trên thị trường quốc tế. Khi mà cuộc chơi thương mại tự do đang có sự thay đổi, chính sách thuế quan mới của các nước và sự khó đoán định trong các chính sách thương mại của các nước lớn, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro do nền kinh tế Việt Nam hướng mạnh tới xuất khẩu.

PGS.TS. Phạm Thế Anh
Cụ thể, xuất khẩu - đầu tư – tiêu dùng là ba động lực về phía tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng. Đối với xuất khẩu, khi có chính sách thuế quan mới bất kể là trong 90 ngày nữa sau các cuộc đàm phán, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn. Do vậy động lực xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng. Dòng vốn FDI cũng chịu tác động nhất định.
Động lực tăng trưởng trước mắt đến từ tiêu dùng cũng đang bị ảnh hưởng. Thực tế hiện nay, chi phí sinh hoạt tăng cao, thu nhập tăng không nhanh, bất cập từ thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt giá cả thị trường nhà ở cũng ảnh hưởng sức mua người dân. Khi người dân phải dành chi phí quá lớn cho nhà ở thì họ cũng sẽ hạn chế tiêu dùng. Do đó, cần gỡ bỏ nút thắt này để thúc đẩy tăng trưởng từ tiêu dùng trong nước.
Đối với đầu tư tư nhân, theo chuyên gia, môi trường đầu tư không dựa trên thời gian từ 1 -2 năm mà dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô đi kèm chính sách ổn định, thông suốt trong thời gian dài mới thu hút được đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy để thu hút được đầu tư tư nhân cần phải tạo môi trường kinh doanh, thể chế ổn định trong nhiều năm.
“Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, môi trường đầu tư trong nước phải rất an toàn thì các doanh nghiệp mới đầu tư lâu dài. Năm nay là năm khởi đầu đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao, thế nên những chính sách chưa thể tác động ngay đến khu vực đầu tư tư nhân. Song, việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ rào cản kinh doanh sẽ kích thích đầu tư tư nhân tăng trở lại trong các năm tiếp theo”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định.
Cuối cùng là đầu tư công, theo PGS.TS Phạm Thế Anh nếu gỡ bỏ các rủi ro về pháp lý, khơi thông các dự án đầu tư công thì sẽ đem lại động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư công sẽ chỉ bù đắp được phần nào tác động tiêu cực từ bên ngoài. Việc đạt được tăng trưởng GDP hai con số hay trên 8% rất thách thức và rủi ro bởi nếu “ép giải ngân” sẽ khó mang lại hiệu quả thu hút đầu tư tư nhân.