Mượn đường làng làm đường công vụ cao tốc
Chậm bàn giao mặt bằng để làm đường công vụ thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Phú Yên đã lấy các con đường giao thông nông thôn tạm thay thế đường công vụ.
Những ngày qua, người dân xã An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) ở dọc đường ĐH 34 phải sống khổ sở vì khói bụi, tiếng ồn và cả việc đi lại khi tuyến đường vốn bình yên, hạn chế xe tải trọng lớn này giờ đây tối ngày ầm ầm bởi xe chở thiết bị, vật liệu để xây hầm Chí Thạnh trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa phận Phú Yên. Ngay cả cổng thôn được xây dựng kiên cố ở đầu đường cũng bị đập phá để xe tải trọng lớn qua lại.
"Con đường bê-tông này là dân phải tự bỏ tiền ra làm từ nguồn hoàn trả đường điện nông thôn. Người dân cũng tự hiến đất để mở rộng, nhưng thế này thì chẳng mấy chốc nát bét" - một người dân ở xã An Hiệp cho hay.
Con đường ĐH 33 cũng bị ảnh hưởng tương tự khi bị mượn làm đường công vụ để chở vật liệu, thiết bị đến cửa hầm Chí Thạnh (phía Bắc) trên tuyến cao tốc để thi công. Ông Lê Ngọc Linh, đại diện Ban Quản lý dự án 7, thuộc Bộ Giao thông Vận tải (đại diện chủ đầu tư tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong), cho rằng sở dĩ có việc này là vì địa phương chưa bàn giao đủ mặt bằng để xây dựng tuyến đường công vụ để chở vật liệu, thiết bị xây dựng tuyến đường cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, nên chủ đầu tư, đơn vị thi công và huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thống nhất mượn 2 đường huyện là ĐH 33 và ĐH 34 làm đường công vụ. Hiện còn 1 km chưa chi trả, giải phóng mặt bằng và cũng khoảng 1 km nữa đã chi trả nhưng chưa bàn giao mặt bằng để làm đường công vụ, nhưng vẫn cứ ì ạch.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết theo biên bản khảo sát tuyến đường ĐH 34 để vận chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu thi công đường bộ cao tốc giữa xã An Hiệp, huyện Tuy An và chủ đầu tư đã thống nhất một số nội dung như: Trong quá trình vận chuyển phải bảo đảm tải trọng cho phép của tuyến đường; khi thi công xong thì chủ đầu tư và đơn vị thi công phải mời huyện, xã xác nhận hiện trạng, nếu có hư hỏng thì phải hoàn trả lại như hiện trạng ban đầu.
Trong khi đó, tải trọng cho phép của tuyến đường này là 10 tấn nhưng thực tế hầu hết xe vận chuyển thiết bị, vật liệu qua đây đều vượt tải trọng.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên, cho biết sở này đã có buổi làm việc với chủ đầu tư tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong và các địa phương về việc sử dụng các con đường giao thông nông thôn để thi công tuyến cao tốc và đã thống nhất cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi hoàn thành. Cả cổng làng đã đập cũng phải xây lại. Trong quá trình sử dụng phải bảo đảm vệ sinh, môi trường cho người dân.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cũng nhắc nhở các ngành chức năng và địa phương phải thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện cam kết này của đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư dự án.