Muốn HS người dân tộc thiểu số học đại học cần có chính sách đảm bảo việc làm
Để phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS cần sự phối hợp của các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ quản, đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số còn hạn chế, thiếu sinh viên trình độ đại học trở lên trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực: Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, đào tạo giáo viên.
Theo đánh giá từ đại diện một số cơ sở giáo dục đại học, thời gian vừa qua, công tác đào tạo nhân lực người dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khiến việc tuyển sinh đối tượng này tham gia học đại học còn khó khăn.
Nhiều lý do khiến đồng bào dân tộc thiểu số ngại học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 53 dân tộc là dân tộc thiểu số, chiếm gần 15% dân số cả nước.
Có thể nói rằng, việc phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh chính trị của đất nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Theo thống kê, hiện nay tổng số sinh viên, học viên của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì là gần 3.000 người học, trong đó có 7,11% là người dân tộc thiểu số. Từ công tác tuyển sinh của đơn vị, cô Hằng cho biết có nhiều lý do khiến đồng bào dân tộc thiểu số không mặn mà với việc học tập ở trình độ đại học hoặc những trình độ cao hơn.
Theo chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hằng, do điều kiện ở những khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, thiếu thốn nên khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ giáo dục ở những điểm này còn nhiều khó khăn, hạn chế. Chưa kể, khi kiến thức văn hóa, ngôn ngữ giao tiếp mang tính vùng miền khiến nhiều em có tâm lý sợ học, ngại học tập ở trình độ cao.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp cho đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số hiện nay vẫn chưa được đồng bộ và đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ cập để người dân tộc thiểu số nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của tri thức đối với sự phát triển của bản thân, gia đình, xã hội vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu – Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Dân tộc cũng cho rằng, cộng đồng 53 dân tộc thiểu số cư trú có văn hóa, phong tục tập quán, địa bàn cư trú khác nhau và hầu hết đều cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hơn nữa, các khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn điều kiện phát triển kinh tế còn yếu kém, văn hóa còn lạc hậu.
Do đó, để chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến được với đồng bào hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương thì cần có những cán bộ là người dân tộc thiểu số am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, tâm lý dân tộc để tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách, pháp luật,…đến đồng bào trong khu vực.
Đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số nên năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 402/QĐ-TTg về phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người người dân tộc thiểu số trong tình hình mới. Trong đó đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở từng cấp xã, huyện, tỉnh.
Tuy nhiên, cô Thu cũng chỉ ra rằng, hiện nay, hầu hết các địa phương chưa thực hiện được đủ tỷ lệ theo Quyết định 402 vì không có đủ nguồn tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, hoặc người dân tộc thiểu số không cạnh tranh được với thí sinh dân tộc Kinh, cũng có thể do biên chế ở địa phương còn hạn chế…
Đối với công tác đào tạo người dân tộc thiểu số cũng nhiều vướng mắc khi trình độ văn hóa, khả năng nhận diện về tầm quan trọng của việc học tập trình độ cao chưa nhiều, dẫn đến việc học sinh ở những khu vực này không hào hứng với việc học đại học.
Qua quá trình khảo sát, cô Thu cho biết nhiều gia đình có nhu cầu, mong muốn cho con em được học tập trình độ đại học nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn nên không đủ khả năng lo cho con trong 4 - 5 năm học tập. Vậy nên, thay vì học đại học, nhiều phụ huynh hướng con cái đi làm nương rẫy hoặc công nhân với mục tiêu trước mắt là có nguồn thu nhập.
Mặt khác, khi cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số vào làm việc trong các cơ quan nhà nước chưa thực sự hấp dẫn nên tỷ lệ sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số thất nghiệp khá cao. Từ thực trạng đó đã khiến phụ huynh, học sinh là người dân tộc thiểu số lo ngại đầu ra sau khi kết thúc 4-5 năm học đại học không thể tìm kiếm được công việc như ý.
Còn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, tính đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, cũng như tạo nhiều cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận bình đẳng với nền tri thức mới. Thế nhưng, thực tế có một số chính sách chưa phù hợp với đặc thù khu vực và còn thiếu sự linh hoạt trong công tác đào tạo và phát triển nhân lực. Nhiều người dân tộc thiểu số có trình độ nhưng không tìm được việc làm phù hợp, khiến họ thiếu động lực học tập và phát triển.
Vì điều kiện sống còn nhiều khó khăn nên phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số không được tiếp cận thông tin về các chương trình đào tạo, tìm kiếm việc làm cũng như hỗ trợ phát triển nghề nghiệp. Mặt khác, đồng bào dân tộc thiểu số vốn gắn bó với lối sống và tập quán vùng miền nên sẽ không quen, hoặc không sẵn sàng thay đổi để thích nghi với môi trường hiện đại. Nhiều gia đình dân tộc thiểu số chỉ chú trọng vào lợi ích trước mắt thay vì đầu tư lâu dài vào giáo dục và đào tạo, cũng như chưa nhận thức rõ ràng phát triển nhân lực chất lượng cao là cách để thoát nghèo bền vững.
"Khi trình độ văn hóa còn nhiều điểm hạn chế, nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập trình độ cao không nhiều khiến một số người có tâm lý tự ti, cho rằng mình khó có thể cạnh tranh, phát triển trong một môi trường mới", thầy Văn cho hay.
Có chính sách đảm bảo đầu ra để sinh viên an tâm học đại học
Là một trong những cơ sở đào tạo có phần lớn sinh viên là người dân tộc thiểu số, theo thống kê, hiện số lượng sinh viên người dân tộc thiểu số tại Học viện Dân tộc chiếm 99%.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu cho hay, hiện nay, Nhà nước đã ban hành một số chính sách để đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên chỉ mới đang tập trung với những đối tượng dân tộc thiểu số có hộ khẩu ở địa bàn đặc biệt khó khăn như khu vực 3, hộ nghèo, cận nghèo.
Trên thực tế, ranh giới giữa hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo rất mong manh. Bởi vậy, để học sinh có động lực và yên tâm đi học đại học thì phải cần thêm những chính sách hỗ trợ chi phí học tập áp dụng rộng hơn với đối tượng dân tộc thiểu số ở các địa bàn khó khăn khu vực 1, 2; các dân tộc thuộc nhóm có chất lượng nguồn nhân lực thấp…
Bên cạnh đó, cô Thu cũng cho rằng cần có chính sách tuyển dụng công chức, viên chức riêng, đặc thù cho người dân tộc thiểu số. Hiện nay, chính sách tuyển dụng công chức theo Nghị định 138/2020/NĐ-CP, viên chức theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, người dân tộc thiểu số được ưu tiên cộng 5 điểm trên thang điểm 100. Thế nhưng lại không có chính sách ưu tiên dành cho đồng bào dân tộc thiểu số sau khi trúng tuyển.
Chưa kể, các chính sách tuyển dụng nguồn cử tuyển theo Nghị định 141/2020/NĐ-CP vẫn còn nhiều bất cập, khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp mà địa phương không bố trí được việc làm.
Theo đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn, xét về điều kiện tự nhiên, các vùng dân tộc thiểu số thường giàu tài nguyên thiên nhiên và có tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp và văn hóa. Do đó, nhân lực chất lượng cao có thể đóng vai trò tiên phong trong việc khai thác các tiềm năng này một cách bền vững khi giảm sự phụ thuộc và hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức khác. Đồng thời thúc đẩy tự chủ trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, nếu bồi dưỡng, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa mang bản sắc vùng miền, nâng tầm các giá trị văn hóa truyền thống và làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Theo thống kê, hiện Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đang có 181 sinh viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 5,6% trong tổng số sinh viên đại học của trường).
Để khuyến khích người học là đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực tham gia học tập trình độ cao, nhà trường đã ban hành nhiều chính sách và tổ chức nhiều hoạt động để thu hút học sinh dân tộc thiểu số.
Cụ thể, nhà trường đã cung cấp học bổng toàn phần, miễn giảm học phí và hỗ trợ tài chính chi phí sinh hoạt, đi lại và tài liệu học tập cho sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. Bên cạnh đó cung cấp học bổng khuyến học và khuyến tài dành riêng cho người dân tộc thiểu số có thành tích học tập xuất sắc hoặc học các ngành nghề ưu tiên. Triển khai các chương trình cho vay học phí với lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ linh hoạt, đặc biệt đối với sinh viên dân tộc thiểu số học lên các trình độ cao.
Để đảm bảo cơ hội việc làm phù hợp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là địa phương, nhà trường đã thông qua hoạt động liên kết với doanh nghiệp để tổ chức tuyển dụng. Không ngừng đưa ra các chính sách ưu đãi như tăng lương, thưởng, hoặc hỗ trợ nhà ở cho người dân tộc thiểu số khi họ trở về làm việc tại địa phương sau khi hoàn thành đào tạo.
Đối với hoạt động tuyên truyền và định hướng, trường đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện truyền thông địa phương, nhấn mạnh vai trò của học tập trình độ cao trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển cộng đồng. Tổ chức các chương trình tư vấn nghề nghiệp và hướng dẫn lộ trình học tập từ sớm cho học sinh dân tộc thiểu số, kêu gọi sự ủng hộ từ gia đình và cộng đồng để tạo môi trường thuận lợi cho người trẻ tiếp tục học tập. Tích cực tôn vinh những cá nhân người dân tộc thiểu số thành công trong học tập và xây dựng được sự nghiệp để khuyến khích người trẻ noi gương.
Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng nhiều chính sách khuyến khích đổi mới và sáng tạo như cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và cố vấn khởi nghiệp dành cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt trong các lĩnh vực phù hợp với văn hóa và tiềm năng địa phương. Đồng thời đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin để người học dân tộc thiểu số có thể tham gia vào nền kinh tế số.
Ghi nhận những bất cập trong thực tiễn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn cho rằng để phát triển hiệu quả chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số thì cần sự phối hợp của các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp để đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên tại địa phương sau khi tốt nghiệp.
Thứ hai, cần tạo điều kiện hỗ trợ vốn, kỹ thuật và cố vấn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tập trung vào các dự án như nông nghiệp hữu cơ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, và phát triển du lịch sinh thái. Mặt khác, không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Trong khi đó theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hằng, để thu hút được lực lượng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập trình độ cao thì cần tăng cường tuyên truyền vai trò, tầm quan trọng của việc học tập đối với sự phát triển của những khu vực khó khăn. Theo đó, nên đề cử những gương mặt, cá nhân là người dân tộc thiểu số đã thành công và có sức ảnh hưởng để xây dựng niềm tin, động lực và hy vọng cho đồng bào.
Đồng thời, cần phổ biến các chính sách hỗ trợ học tập, tuyển dụng sau tốt nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh hoạt động định hướng, hướng nghiệp, phân luồng nhóm học đại học, học nghề cũng như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông, đảm bảo các điều kiện bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số.
“Chỉ khi điều kiện học tập được đảm bảo thì con em đồng bào dân tộc thiểu số mới thêm hy vọng được học tập ở những trình độ cao hơn”, cô Hằng nhấn mạnh.
Hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) đã và đang thực hiện đầy đủ các chính sách theo đúng quy định của nhà nước về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Nhà trường còn có các chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, hỗ trợ tiền tàu xe vào các dịp nghỉ lễ lớn của đất nước.
Bên cạnh đó, trường cũng tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức trao học bổng cho sinh viên và cử giảng viên hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên trong học tập. Đặc biệt, trường xây dựng chính sách miễn học phí học tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc để tạo cơ hội và khuyến khích sinh viên đi thực tập và làm việc tại các công ty nước ngoài.