Muốn khoa học công nghệ phát triển phải kiến tạo thị trường
Phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề 'Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập', ThS. Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đã thẳng thắn đề cập đến một vấn đề nền tảng nhưng lâu nay chưa được quan tâm đúng mức là thị trường cho sản phẩm khoa học công nghệ.
Theo ông Đông, mọi chính sách phát triển khoa học công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo, hay hỗ trợ doanh nghiệp nếu không gắn với yếu tố thị trường thì đều khó đi vào thực tế. “Sản phẩm hay, tốt đến đâu mà không bán được, thì đầu tư cho KH&CN là thất bại - dù là bằng vốn nhà nước hay tư nhân”, ông nhấn mạnh.
Thị trường không tự sinh ra, mà phải được kiến tạo
Đặt vấn đề một cách căn cơ, ThS. Đặng Huy Đông cho rằng, trong bất kỳ chiến lược nào về phát triển KH&CN, cần xác lập vai trò “kiến tạo thị trường” của Nhà nước như một yếu tố trung tâm. Ông dẫn ra ví dụ rất cụ thể: Trung Quốc từng chủ động đàm phán với Việt Nam để máy bay sản xuất nội địa được công nhận tiêu chuẩn kỹ thuật và cho phép khai thác ở Việt Nam. “Nếu không có bước đi đó, thì sản phẩm dù tốt cũng không thể bán được. Bởi không có thị trường thì KH&CN chỉ nằm trên giấy”.
Hay như chính sách “nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump, dù còn gây tranh cãi, song về cốt lõi, vẫn là để bảo vệ sản xuất nội địa, tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ thông qua một thị trường trong nước đủ rộng, đủ mạnh và ưu tiên cho sản phẩm do người Mỹ làm ra. Đây cũng là cách tiếp cận mà nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc đã kiên trì thực hiện trong nhiều thập kỷ.

Theo ThS. Đặng Huy Đông, phong trào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được đo lường bằng số lượng sản phẩm Việt Nam hiện diện trên thị trường trong nước và quốc tế, cũng như số lượng doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học giàu lên từ khoa học công nghệ. Khi khoa học thực sự tạo ra của cải, việc học tập và nghiên cứu sẽ trở nên thiết thực, không còn bị hoài nghi bởi những câu hỏi như: “Học để làm gì?”.
Một trong những thị trường quan trọng và có tính dẫn dắt là thị trường mua sắm công. Theo ThS. Đông, nếu khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự được thực hiện trong các hoạt động đầu tư công, thì sẽ tạo cơ hội thiết thực để các sản phẩm KH&CN trong nước bước vào cuộc sống.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Mua sắm công không có nghĩa là bao cấp, là dễ dãi. Ngay cả hàng trong nước cũng phải cạnh tranh công bằng, minh bạch với hàng ngoại để đảm bảo chất lượng. Chính sự cạnh tranh mới làm bừng sáng trí tuệ người Việt, thúc đẩy đổi mới thực chất, và tạo ra sản phẩm không thua kém thế giới”.
Không dừng ở thị trường công, ThS. Đông nhấn mạnh đến thị trường tiêu dùng tư nhân, nơi mà các sản phẩm khoa học, công nghệ cần được bảo vệ khỏi hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. “Nếu để hàng giả tràn lan, thì hàng thật không thể tồn tại. Đó là môi trường cạnh tranh lệch lạc và giết chết nỗ lực đổi mới sáng tạo”, ông Đông cảnh báo.
Và điều này, theo ông, không thể thiếu vai trò “bàn tay sắt” của chính quyền trong việc thực thi luật pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng, và khuyến khích hàng nội địa chất lượng cao.
Từ thị trường trong nước đến vươn ra thế giới
ThS. Đặng Huy Đông cũng đưa ra một nguyên lý phát triển mà nhiều quốc gia đã thành công: Muốn ra thế giới, phải chinh phục được thị trường trong nước trước. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những ví dụ điển hình. Khi sản phẩm nội địa của họ chiếm lĩnh được thị trường nội địa và không để hàng nước ngoài dễ dàng thâm nhập thì đó mới là bước đệm để vươn ra toàn cầu.
“Hãy đến các khu dân cư của người Hàn ở Việt Nam mà xem - từ bát, đũa đến kim chi, đều là hàng Hàn Quốc. Họ bảo hộ thị trường trong nước thành công, mới đi ra thế giới. Còn chúng ta mà ở ngay thị trường trong nước còn không đứng vững, thì không thể nói chuyện xuất khẩu sản phẩm KH&CN ra ngoài được”, ông Đông nói.

TS. Lê Công Lương cho rằng, các cơ quan truyền thông nên lan tỏa thông tin, giúp xã hội hiểu rõ hơn về giá trị của sản phẩm KH&CN nội địa.
Từ đó, ông đưa ra một kiến nghị rõ ràng: Phải tạo ra một môi trường thị trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, cá nhân nghiên cứu, để ai có sản phẩm tốt thì tồn tại, kém hơn thì phải tự đổi mới. Chỉ như vậy mới xuất hiện những doanh nghiệp KH&CN giàu lên thực sự, và người dân mới thấy đổi mới sáng tạo là con đường đáng đi, KH&CN là nghề đáng theo đuổi.
“Lúc ấy, xã hội mới không còn hỏi: Học đại học để làm gì, nghiên cứu khoa học để làm gì? Khi đã có triệu phú, tỉ phú KH&CN, khi nhà khoa học trở thành người dẫn dắt nền kinh tế, lúc ấy phong trào KH&CN mới thật sự lan tỏa”, ThS. Đông kết luận.
Đồng tình với quan điểm của ThS. Đặng Huy Đông, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế của Liên hiệp Hội Việt Nam cũng cho rằng, một trong những khâu yếu nhất hiện nay chính là thiếu cơ chế thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
“Chúng ta có nhiều công trình, nhiều sản phẩm rất đáng giá, nhưng không vào được thị trường. Đó là sự lãng phí rất lớn”, ông Lương nhận định. Theo ông Lương, cần có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm nghiên cứu trong nước, đặc biệt là trong mua sắm công và dịch vụ công.
Ông Lương cũng nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong việc lan tỏa thông tin, giúp xã hội hiểu rõ hơn về giá trị của sản phẩm KH&CN nội địa. “Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đã có những sản phẩm chất lượng, nhưng rất ít người biết đến. Nếu không có truyền thông thì không thể kết nối với doanh nghiệp, người tiêu dùng hay nhà đầu tư”, TS. Lương nói.