Một quốc gia Nam Mỹ quan tâm đặc biệt đến BRICS, liệu có cân nhắc xin gia nhập khối?

Thứ trưởng Ngoại giao Chile Gloria de la Fuente ngày 16/5 cho biết, nước này đang dành sự quan tâm đặc biệt tới BRICS song việc quốc gia Nam Mỹ có chính thức xin gia nhập khối này hay không vẫn chưa được cân nhắc.

Bà Fuente nhấn mạnh, việc tham gia vào các diễn đàn khu vực "có liên quan chính xác đến sự vững chắc về mặt thể chế” của Chile và nước này “sẽ tiếp tục đánh giá cách thức tạo ra sự đa dạng không chỉ trong quan hệ chính trị, mà còn trong quan hệ thương mại”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Chile nhấn mạnh nước này sẵn sàng xem xét khả năng gia nhập BRICS.

BRICS đã trải qua quá trình mở rộng với việc bổ sung thêm nhiều thành viên mới năng động. (Nguồn: Intellinews)

BRICS đã trải qua quá trình mở rộng với việc bổ sung thêm nhiều thành viên mới năng động. (Nguồn: Intellinews)

Đại sứ Nga tại Santiago Vladimir Belinsky cho biết, Chile ngày càng quan tâm đến Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), giống như các quốc gia Mỹ Latinh khác.

"Tất nhiên, chủ đề BRICS, sự phát triển và mở rộng năng động của nhóm, không thể không được chú ý ở Chile, nơi họ thường chú ý đến các quy trình hội nhập và liên tục tìm kiếm các cơ hội mới để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Vladimir Belinsky nói.

BRICS là liên minh kinh tế lớn của các quốc gia Nam Bán cầu, do Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil thành lập, Nam Phi là thành viên tiếp theo.

Gần đây, BRICS đã trải qua quá trình mở rộng với việc bổ sung thêm nhiều thành viên mới năng động, như Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Indonesia. Việc mở rộng này được đánh giá, có những tác động địa chính trị to lớn, thậm chí rất quan trọng đối với các mục tiêu đa cực của khối.

Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế thế giới” của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã chính thức chiếm 40% GDP toàn cầu. Không còn chỉ là một xu thế, sự trỗi dậy của BRICS giờ đây là một thực tế mang tính chiến lược, báo hiệu sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế từ phương Tây sang phương Nam.

IMF dự báo các quốc gia BRICS sẽ đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 3,4% trong năm 2025, cao gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng 1,4% được dự báo cho Mỹ. Sự chênh lệch này không còn là vấn đề kỹ thuật mà phản ánh khoảng cách đang ngày một rõ giữa các trung tâm tăng trưởng cũ và mới.

IMF dự báo một số nền kinh tế giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng trong BRICS trong năm nay bao gồm: Ethiopia (6,6%); Ấn Độ (6,2%); Indonesia (4,7%); UAE (4%); Trung Quốc (4%); Nam Phi (3,4%); Brazil (2,3%).

"Không thể tiếp tục xem BRICS là các nền kinh tế đang phát triển" - chuyên gia Rodrigo Cezar từ Quỹ Getulio Vargas (Brazil) nhận định. "Họ đã trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu mới, với dân số khổng lồ và quy mô GDP không thể xem thường".

(theo THX)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-quoc-gia-nam-my-quan-tam-dac-biet-den-brics-lieu-co-can-nhac-xin-gia-nhap-khoi-314645.html