Muôn kiểu ứng phó với... thịt heo tăng giá
Thị trường thịt theo tăng cao khiến người kinh doanh đau đầu tìm cách ứng phó để không mất khách và không phải bù lỗ trong kinh doanh.
Mặc dù thịt heo đã có chút hạ nhiệt song vẫn đang ở mức cao, trên cả nước, giá heo hơi phổ biến ở mức 70.000-74.000 đồng/kg. Điều này khiến cho người mua than trời, nhất là người thu nhập thấp, còn tiểu thương thì méo mặt do bán chậm hàng.
Hàng quán sửa giá bán
Dạo quanh khu vực quận 3, quận Tân Bình và Bình Thạnh, các hàng quán bán thức ăn như cơm, hủ tiếu, bánh mì... bình dân đều tăng giá, vì nguyên liệu thức ăn đang ngày một leo thang. Nhìn chung giá thực phẩm tăng 5.000-10.000 đồng/kg như thịt gà, thịt bò hay giò, chả…
Một quán bún trên đường Hoàng Sa (Tân Bình, TP.HCM) cho biết để không bị lỗ, quán phải tăng giá 2.000-5.000 đồng/tô bún. Nếu như trước đây, giá của một tô bún mọc xương là 20.000 đồng thì bây giờ phải lên 25.000 đồng vì giá thịt heo leo thang.
Một quán bán bánh ướt gần đó cũng sửa bảng giá từ 13.000 đồng/đĩa lên thêm 15.000 đồng, vì thịt tăng, rau, giá cũng tăng. Hay một tiệm cơm tấm trên đường Lê Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng tăng giá 20.000- 25.000 đồng/dĩa lên 25.000-30.000 đồng tùy thức ăn.
Chia sẻ với PLO, chủ quán cho biết nếu không tăng giá, quán sẽ phải bù lỗ một khoản chi phí lớn đến từ thực phẩm, mặt bằng, nhân viên... "Mặc dù tăng 3.000-5.000 đồng/dĩa nhưng chúng tôi không thu lợi nhuận nhiều bởi thịt heo tăng giá thì các chi phí về thịt gà, thịt bò, thịt vịt, rồi rau củ, thậm chí nước chấm cũng tăng lên, kéo theo lợi nhuận sụt giảm chút ít" - người này cho biết thêm khách hàng cũng tỏ ra thông cảm bởi chính họ cũng là người cảm nhận được giá cả biến động thất thường.
Không chỉ cơm, bún, phở... tăng, mà các sản phẩm của thịt heo như giò, chả cũng leo thang. Một cửa hàng chuyên phân phối giò, chả, lạp xưởng tại quận 3, TP.HCM cũng cho biết đã tăng từ 10.000 đồng/kg.
Cụ thể, lạp xưởng tươi loại ngon có giá 160.000 đồng thì nay tăng thêm 15.000 đồng/kg, giá giò lụa loại thường có pha trộn trước đây 120.000 đồng một kg thì nay lên 150.000 đồng, giò ngon từ 150.000-160.000 đồng lên hơn 210.000 đồng.
Với mức tăng này được người bán dự đoán từ đây đến tết Nguyên đán sẽ còn biến động nếu thịt heo vẫn không có dấu hiệu giảm.
Cắt thịt mỏng, giảm khẩu phần... để không bị lỗ
Người này kinh doanh cho biết bản thân rất đau đầu với việc làm sao để giữ chân khách, bởi nếu bớt thịt đi thì khách chê, tăng giá cao thì khách bỏ quán.
Cô Long Nghĩa, kinh doanh bún, phở tại chợ Phạm Văn Hai, chia sẻ mặc dù giá thịt heo tăng nhưng cô vẫn không tăng giá. Để cân bằng được doanh thu, cô cho biết quán phải chọn cách cắt mỏng phần thịt heo hoặc chặt phần xương nhỏ lại.
"Bây giờ cái gì cũng tăng theo giá của thịt heo. Trước đây tôi bán 30.000 đồng/tô bún hoặc bánh canh thịt heo, thì bây giờ tôi vẫn giữ nguyên giá nhưng phải cắt thịt mỏng đi một chút để hài lòng khách vì vẫn giữ số lượng thịt trong tô, mà vừa cân bằng chi phí của quán".
Tương tự, chị Hồng kinh doanh hủ tiếu tại đường Trần Huy Liệu (quận 3, TP.HCM) cũng không tăng giá nhưng lại chọn cách giảm bớt khẩu phần thịt ở mỗi tô của khách, thêm vào một, hai quả trứng cút và rau củ mỗi tô để tô hủ tiếu vẫn có cảm giác "đầy đủ".
Khác với những hộ kinh doanh trên, một tiệm hủ tiếu khá nổi tiếng mới đây thông báo trên trang mạng xã hội của quán với tựa đề "Thịt heo tăng giá-Quán không tăng giá".
Quán này cho hay việc làm này nhằm tri ân quý khách hàng đã ủng hộ nhiều năm qua, đồng thời muốn đồng hành san sẻ những khó khăn với quý khách nên quyết định không tăng giá bán thời gian này khi mà giá thịt heo tăng đột biến.
Với những biến động về giá cả thịt heo, vừa qua đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định đang đưa ra các giải pháp để giúp ổn định nguồn cung giữa các vùng, như khuyến khích đưa heo từ những nơi dồi dào tới nơi khan hiếm để tránh tăng giá đột biến; chỉ đạo cho tái đàn. Song song đó, bổ trợ thêm nguồn cung từ các loại thực phẩm khác.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/muon-kieu-ung-pho-voi-thit-heo-tang-gia-874039.html