Muốn kinh tế cất cánh: Không cần phép màu, chỉ cần luật chơi minh bạch
Ngoài các mô hình phát triển kinh tế thường nhắc đến tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc còn có Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) cũng mang đến những bài học thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế thị trường công bằng và bền vững.
Hồng Kông – Khi nhà nước chỉ làm đúng vai trò
Từ một thuộc địa nghèo sau Thế chiến II, Hồng Kông đã vươn lên trở thành trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu. Bí quyết là chính sách laissez-faire (nghĩa là chính quyền không can thiệp sâu vào thị trường, để doanh nghiệp tự do phát triển trong một khung pháp lý minh bạch và ổn định).
Chiến lược đó gắn liền với tên tuổi của John Cowperthwaite – Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông giai đoạn 1961–1971. Ông cho rằng: “Không ai biết lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp là gì, hãy để họ tự quyết định và phát triển”. Chính quyền không ưu đãi ngành nào, không can thiệp vào chiến lược kinh doanh, chỉ làm đúng việc: xây dựng hạ tầng, duy trì luật pháp minh bạch và giữ thuế suất thấp, chỉ khoảng 15%.
Hồng Kông không có thuế giá trị gia tăng (VAT), không thuế doanh thu (sales tax), không thuế vốn (capital gains tax). John Cowperthwaite và các Bộ trưởng Tài chính kế nhiệm duy trì nguyên tắc: “Thuế thấp, không ưu đãi, không phân biệt - tạo sân chơi bằng phẳng và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh”.
Họ bác bỏ mô hình công nghiệp hóa dựa vào trợ cấp và ưu đãi thuế như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thay vào đó: không chọn ngành mũi nhọn; không ưu đãi đầu tư nước ngoài; không có đặc khu kinh tế; chỉ cần một hệ thống pháp luật rõ ràng, đăng ký dễ dàng, thuế thấp, và không bị làm phiền.
Nhờ vậy, Hồng Kông từ “zero” đã đạt thu nhập bình quân đầu người bằng 25% của người dân Anh chỉ sau một thập kỷ (khoảng những năm 1970). Đến thập niên 1980, tính cạnh tranh toàn cầu của Hồng Kông thậm chí đã vượt qua quốc gia Anh.
Không có thương hiệu quốc gia hay chính sách công nghiệp, chỉ có một môi trường kinh doanh thông thoáng, hệ thống pháp luật rõ ràng và bộ máy hành chính tinh gọn. Chính sự thuận lý của hệ thống - không áp đặt, không hình phạt tùy tiện đã tạo nên sự đồng thuận xã hội, nâng cao tính dự đoán được, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đài Loan (Trung Quốc) – Tăng trưởng đi cùng công bằng xã hội
Sau thất bại tại Trung Hoa đại lục, chính quyền Tưởng Giới Thạch khi rút về Đài Loan năm 1949 đã quyết tâm xây dựng một xã hội công minh và hiệu quả. Bài học từ việc dung túng tham nhũng tại đại lục khiến họ đi theo hướng khác: cải cách ruộng đất triệt để, phân phối lại tài sản để tạo nền tảng công bằng xã hội.
Đài Loan không chọn con đường ưu đãi doanh nghiệp lớn mà hỗ trợ mạnh khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa từ tín dụng, đào tạo đến xuất khẩu. Họ đầu tư mạnh vào giáo dục, hạ tầng và hướng nền kinh tế vào xuất khẩu dệt may, điện tử.
Từ đầu thập niên 1950 đến 1980, Đài Loan đạt mức tăng trưởng GDP thực trung bình khoảng 9-10% mỗi năm, là một trong những mức cao nhất thế giới thời kỳ hậu chiến và dần trở thành một “con rồng châu Á”.
Một điểm đặc biệt: Đài Loan (Trung Quốc) duy trì được chỉ số Gini (đo lường bất bình đẳng thu nhập) ở mức thấp và ổn định từ 0.28 đến 0.30 - thể hiện sự kết hợp hiếm có giữa tăng trưởng nhanh và công bằng xã hội. Từ chỗ kinh tế tư nhân chỉ chiếm 30% GDP vào năm 1950, sau 30 năm, tỷ trọng này đã tăng lên khoảng 70% nhờ chính sách cởi mở và hiệu quả.

Việt Nam đang đứng trước vận hội kinh tế chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Ảnh: Hoàng Hà
Bài học nào cho Việt Nam?
Điểm chung giữa Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) là: một nền kinh tế thị trường thực sự, dựa trên xuất khẩu, khu vực tư nhân năng động và một khung pháp lý minh bạch, ổn định. Đài Loan (Trung Quốc) nhấn mạnh tính công bằng và đồng thuận xã hội, trong khi Hồng Kông là hình mẫu cho tự do kinh doanh và hiệu quả thể chế.
Bài học cho Việt Nam là rõ ràng: một môi trường kinh doanh tốt phải song hành với một xã hội có tính pháp lý cao, và tính pháp lý đó không đến từ sự áp đặt, mà từ sự thuận lý của hệ thống. Sự thuận lý tạo ra đồng thuận, sự đồng thuận tạo ra niềm tin, và chính niềm tin là nền tảng để doanh nghiệp đầu tư dài hạn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việt Nam hiện đang có yếu tố quý nhất: con người. Đất nước đang đứng trước một vận hội kinh tế chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Thành công hay không phụ thuộc vào sự can đảm và quyết tâm của giới lãnh đạo, để kịp thời điều chỉnh thể chế theo hướng hợp lý, hiệu quả, tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp phát triển.
Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) không phải là sao chổi lóe sáng rồi vụt tắt. Họ là minh chứng sống động cho một công thức đơn giản mà hiệu quả: thị trường đúng nghĩa, pháp lý minh bạch, tư nhân phát triển. Công thức đó, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện nếu dám thay đổi và dám tin vào chính người dân của mình.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương là đồng tác giả (cùng GS. James Riedel, ĐH Johns Hopkins) báo cáo đầu tiên của Ngân hàng thế giới (WB/IFC, 1997), đánh giá tiềm năng phát triển thành phần kinh tế tư nhân Việt Nam và đề xuất một số chính sách cho sự nghiệp công nghiệp hóa quốc gia.
Ông đã có trên 30 năm kinh nghiệm tư vấn kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và cho một số doanh nghiệp tại Châu Á, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Ông Trần Sĩ Chương từng là Cố vấn cấp cao về chính sách tiền tệ và kinh tế cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ, Washington, D.C., và đồng thời là Trợ lý Nghị sĩ về các vấn đề ngoại thương và ngoại giao.