Muốn mua một bộ váy mới, hãy cân nhắc bỏ một bộ váy cũ ra khỏi tủ

Nếu giá để ly tách của bạn chỉ có chỗ cho tám cái ly, chỉ nên trữ tám cái. Khi mua một bộ váy mới, cũng là lúc bạn cân nhắc nên bỏ một bộ váy cũ ra khỏi tủ quần áo.

 Muốn nhà cửa gọn gàng, hãy định ra số lượng cho các món đồ mà bạn tích trữ. Ảnh: Pexels.

Muốn nhà cửa gọn gàng, hãy định ra số lượng cho các món đồ mà bạn tích trữ. Ảnh: Pexels.

Bạn không thể thất bại trong một cuộc thử nghiệm, đó là lý do tại sao đây là một trong những cách hay nhất để tiếp cận các tình huống khó khăn hoặc để rũ bỏ đống bừa bộn bướng bỉnh. Thật buồn cười khi chỉ cần đặt ra câu hỏi cho chính bản thân: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu...” và chuẩn bị một cuộc thử nghiệm với rất ít rủi ro tiềm ẩn.

Chúng tôi vừa sơn lại tường trong nhà, điều đó có nghĩa là tất cả tác phẩm nghệ thuật, tranh ảnh và đồ thủ công của bọn trẻ đều phải tháo ra. Khi sơn xong, chúng tôi quyết định để các bức tường trống trơn như thế trong một tuần và xem xem mình cảm thấy thế nào. Tuần đó kéo dài thành một tháng và chúng tôi vẫn chưa treo gì vì cả hai vợ chồng đều cảm thấy thích cảm giác bình an của không gian trắng trong mỗi phòng.

Cho đến khi mùa mưa tới, chúng tôi đều cảm thấy bực bội khi không có móc treo áo mưa phía sau cửa trước, và sau một thời gian, chúng tôi thấy nhớ sự hiện diện cá tính của con cái mà bức tường nghệ thuật trước đây đem lại cho căn phòng. Bởi thế các tác phẩm nghệ thuật của bọn trẻ lại được treo trở lại, nối gót bước chân của những cái móc treo áo.

Chúng tôi cũng cảm thấy thiếu vắng một vài tác phẩm nghệ thuật yêu thích và tấm bản đồ thế giới khổng lồ, bởi thế, cuối cùng chúng cũng trở lại vị trí cũ. Sự khác biệt ở đây là chúng tôi không treo vì nghĩ mình nên treo hay sẽ là kỳ dị nếu không làm thế. Mà bởi chúng tôi muốn chúng ở đó, và vì những thứ này đã trở thành một phần của căn nhà mà chúng tôi mong muốn, chứ không phải là căn nhà mà chúng tôi nghĩ mình nên có.

Hãy thử gỡ các tác phẩm nghệ thuật ra khỏi một căn phòng trong nhà bạn hoặc cất tất cả đồ chơi hiếm khi sử dụng vào mấy chiếc hộp để trong nhà kho rồi chờ xem có ai nhớ nhung gì đến chúng không. Hãy gói ghém những đồ mang giá trị tinh thần, sách vở, đồ làm bếp, đồ lưu niệm và những thứ vặt vãnh, rồi chỉ cần xem xem bạn có cần, có muốn hay có nhớ tới chúng không. Nhờ cất chúng khuất tầm mắt và chỉ lôi ra khi cần, bạn đã hiểu rõ cái gì thực sự quan trọng, cái gì chúng ta tự huyễn hoặc mình là nó quan trọng. Và sự khác nhau giữa hai điều này thường rất lớn.

Một thử nghiệm đơn giản khác là thử nghiệm mắc áo. Đầu mùa, hãy quay tất cả mắc áo vào trong. Khi bạn mặc một bộ đồ rồi giặt nó, hãy treo nó vào mắc và hướng ra ngoài, nhờ thế bạn có thể biết thứ nào đã được mặc. Hết mùa, bạn sẽ thấy quần áo nào mình thực sự mặc, quần áo nào bạn giữ lại do nguyên nhânkhác. Việc này sẽ khiến bạn dễ dàng bỏ bớt quần áo vào cuối mùa nhờ biết rõ cái nào chưa được mặc.

Nếu bạn thấy mình đang sa lầy với những quyết định nhỏ nhặt hoặc những món đồ vặt vãnh, hãy nghĩ lại lý do bạn ở đây. Tại sao bạn lại đang nỗ lực để sống chậm và đơn giản hóa cuộc sống?

Bạn đang mong muốn điều gì? Nhìn lại danh sách những thứ xứng đáng cho một bài điếu văn, bạn sẽ cảm thấy ý nghĩa của việc ra quyết định và nhận ra rằng phần lớn những gì chúng ta đang băn khoăn bỏ thì thương vương thì tội lúc này đơn giản là không quan trọng. Nếu bạn đang vật lộn với việc rũ bỏ những món đồ kỷ niệm hay khó bỏ, việc thông suốt lý do làm vậy có thể đủ sốc lại tinh thần của bạn.

Nguyên tắc được tạo ra để bị phá vỡ và giới hạn chỉ để mời gọi người ta đẩy lùi, nhưng có một vài nguyên tắc và giới hạn trong nhà có thể khiến bạn dễ dàng chặn cửa đống đồ thừa đang lén lút kéo quân vào nhà hơn.

Hãy bắt đầu với nguyên tắc tuyệt vời này: “Một vào, một ra”. Nếu bạn đem thứ gì đó vào nhà: Quần áo, đồ trang trí, đồ chơi bạn cần bỏ đi ít nhất một thứ để dành không gian cho nó, việc này không chỉ giúp bạn kiểm soát được lượng đồ đạc mà còn buộc bạn phải trả lời câu hỏi mình có sẵn sàng “có mới nới cũ” hay không.

Nếu bạn có xu hướng sưu tầm đồ (giày dép, đĩa DVD, truyện tranh, sách vở, búp bê các nhân vật trong phim, lego, tàu hỏa bằng gỗ, ván trượt, đá hoặc những tờ giấy đẹp), hãy dành sẵn một khu vực cho những thứ này và đừng để chúng lấn ra bên ngoài.

Ví dụ, lũ trẻ nhà tôi có một không gian giới hạn cho đồ chơi của chúng (một hộp đồ chơi dưới giường và một giá sách nhỏ trong phòng ngủ của chúng) và một khi đồ ngập ứ ra ngoài những biên giới đó, chúng biết đã đến lúc phải lọc bỏ bộ sưu tập của mình cũng như bỏ đi những món không cần hay muốn nữa.

Tương tự với những khu vực khác trong nhà, chẳng hạn như phòng bếp. Nếu bạn chỉ có chỗ cho tám cốc rượu, thì chỉ giữ tám cốc rượu thôi. Nếu muốn mua cốc mới, bạn sẽ phải bỏ những chiếc cốc cũ đi để lấy chỗ.

Nếu có một tủ quần áo nhỏ, bạn sẽ cần tỉnh táo về quần áo mình mặc trên người, giữ trong tủ, hiệu quả phối đồ với những món khác và phải biết liệu có thể loại bỏ món nào được hay không nếu mang một món mới về nhà. Đây là một trong những lợi ích lớn nhất của việc duy trì ranh giới chật hẹp, nó buộc bạn phải sáng suốt trong quyết định rước đồ vào nhà.

Brooke McAlary/ BestBooks và NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/muon-mua-mot-bo-vay-moi-hay-can-nhac-bo-mot-bo-vay-cu-ra-khoi-tu-post1476449.html