Muốn nông nghiệp làm 'trụ chính' phải bắt đầu từ nguồn nhân lực

Doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp ngày càng cần nguồn lao động đã qua đào tạo nhưng nguồn cung ứng nhân lực lại đang giảm nhanh. Tình trạng thiếu hụt nhân lực này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu hiện đại hóa ngành nông nghiệp và đây là 'điểm nghẽn' phải giải quyết sớm.

Nông nghiệp từ vai trò “trụ đỡ” đã trở thành “trụ chính” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp lần đầu đạt mức hơn 53 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu cả nước. Trong số này có tám nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hơn hai tỉ đô la gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra và sản phẩm gỗ(1).

Với vai trò là “trụ chính” của nền kinh tế và muốn duy trì ổn định vị thế này, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực. Thế nhưng, đây đang là điểm nghẽn trong phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà.

Nguồn nhân lực có chuyên môn và nhân lực trình độ cao cho nông nghiệp càng đáng lo ngại hơn vì đầu vào tuyển sinh cứ giảm dần. Đây là cảnh báo được đưa ra tại hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức trong tuần qua tại Hà Nội.

Số người học ngành nông nghiệp ngày càng ít là thực trạng thấy rõ qua thống kê công bố tại hội nghị này. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 cả nước có hơn 521.000 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo. Trong đó, chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, thú y – chiếm tỷ lệ 1,37%.

Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế cho biết, thời điểm cao nhất tuyển sinh được hơn 2.300 sinh viên là năm 2015 nhưng đã giảm đáng kể ở các năm tiếp theo. Cụ thể, đến năm 2016, nhà trường tuyển sinh được hơn 1.700 và năm 2017 tuyển sinh hơn 1.200 sinh viên. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, từ 2018-2022, hàng năm nhà trường chỉ tuyển sinh được khoảng 750-1.000 sinh viên, chỉ đạt khoảng 40% so với dự kiến.

Còn theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn ngành nông nghiệp đang giảm mạnh. Hệ cao đẳng từ hơn 6.000 học sinh năm 2016 giảm còn hơn 4.300 vào năm 2021. Một số trường đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng so với chỉ tiêu đăng ký.

Hệ trung cấp cũng giảm từ hơn 2.900 học sinh từ năm 2017 xuống còn hơn 2.100 năm 2021, giảm tới 39%. Hệ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng giảm mạnh từ hơn 2.400 học sinh năm 2016 xuống còn 532 học sinh năm 2021.

Một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng có rất ít hoặc thậm chí không có ai đăng ký theo học.

Trái ngược với xu hướng tuyển sinh ngày càng giảm thì nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lại ngày càng tăng. Trong 5 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp cho biết đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học.

Số liệu của trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong giai đoạn 2018-2023 cho thấy, hàng năm các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200-3.000 kỹ sư, bác sĩ thú y nhưng số sinh viên ra trường hàng năm chỉ có 1.500-2.000 người, mới chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng(2).

Các số liệu nói trên cho thấy, việc ngành nông nghiệp bị “chê” không phải vì học xong không tìm được việc làm mà còn nhiều lý do khác. Muốn thu hút học viên, sinh viên theo học ngành nông nghiệp có lẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ như cấp học bổng, tăng hạn mức vay đối với tín dụng sinh viên, miễn giảm học phí, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại cho các trường, cập nhật chương trình đào tạo ngang tầm quốc tế, hỗ trợ sinh viên học ngoại ngữ, tìm kiếm nguồn học bổng học nước ngoài…

Đối với doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp trọng điểm, cần có thêm chính sách ưu đãi thuế và các hỗ trợ khác để họ kinh doanh tốt hơn. Khi doanh nghiệp làm ăn được thì kéo theo sẽ là chính sách đãi ngộ tốt hơn cho nhân viên của họ. Không chỉ “có việc làm” mà việc làm phải đủ hấp dẫn về thu nhập, môi trường làm việc và ổn định lâu dài thì mới thu hút được học sinh theo ngành nông nghiệp.

Cần sớm nghiên cứu thấu đáo để có những chính sách đủ mạnh để gỡ nút thắt đầu vào cho đào tạo nhân lực nông nghiệp từ các hệ ngắn hạn đến trình độ cao, như vậy mới có đủ nguồn lực xây dựng nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

——————————-

(1) https://www.vietnamplus.vn/nong-nghiep-tro-thanh-tru-chinh-cho-tang-truong-kinh-te/873334.vnp

(2) https://www.vietnamplus.vn/nganh-nong-nghiep-thieu-hut-tram-trong-nhan-luc-trinh-do-cao/874185.vnp

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/muon-nong-nghiep-lam-tru-chinh-phai-bat-dau-tu-nguon-nhan-luc/